Chúng ta thường nghe nói: võ học không biên giới, tinh thần thượng võ không phân biệt quốc tịch v.v...
Như vậy, võ học phải chăng là một bộ môn sinh hoạt đứng ngoài vòng luật pháp quốc gia, và tinh thần thượng võ không mang quốc tịch riêng biệt nào của một quốc gia ?
Thực ra, võ học hay bất cứ một ngành học nào cũng đều có xuất phát điểm từ một quốc gia, nhưng sự phát triển không phải chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia ấy, mà quảng phát ra cộng đồng nhân loại. Do đó, võ học không những tôn trọng luật pháp quốc gia, mà còn tôn trọng cả công pháp quốc tế nữa.
Chúng ta lấy ví dụ từ Nhu Đạo (Judo) và môn phái Thiếu Lâm. Năm 1627, nhà sư Trung Hoa Trần Nguyên Tán (Chen -Yuan Pin) sang Nhật tị nạn chánh trị, rồi cùng với y sĩ Shirobei Akiyama cộng tác biên chế ra môn nhu thuật (Jiu -Jitsu) từ những tinh hoa của võ Thiếu Lâm và võ cổ truyền Nhật Bản (Atéwaza). Tất nhiên, khi cộng tác như vậy, vị danh tăng Trần Nguyên Tán và danh y Shirobei Akiyama hoàn toàn không nghĩ đến quốc tịch của họ, không hề chú trọng tới quan điểm chánh trị cá nhân. Nhưng ngược lại, vị danh tăng Trần Nguyên Tán lại chính là người chống đối Thanh Triều, với chiêu bài Phản Thanh Phục Minh nên phải bôn đào tị nạn chánh trị. Như vậy, liệu chúng ta có thể kết luận được rằng không có vấn đề biên giới và quốc tịch trong công cuộc cộng tác võ học của họ được không.
Một ví dụ thứ hai : Nam Hàn (Đại Hàn) và Bắc Hàn ( Triều Tiên ) tuy cùng chung một dân tộc, nhưng là 2 chế độ dị biệt và thù nghịch. Nhưng cả hai, cùng lấy Túc Quyền Đạo (Tae Kwon Do) làm quốc võ. Như vậy, cái gì làm họ vượt qua những thành kiến chánh trị, để cùng thái dụng một ngành võ học như nhau ?
Nếu bảo đó là tinh thần dân tộc - tuy cũng đúng một phần - là tinh thần dân tộc nào, khi có nhiều quan niệm khác nhau về tinh thần dân tộc? Hoặc, nếu phổ quát thêm một chút, chúng ta có thể thấy có cả tinh thần dân tộc thuần túy lẫn tinh thần võ đạo của dân tộc họ.
Sau đệ nhị Thế Chiến, các ngành sinh hoạt xã hội Nhật Bản đều bị tê liệt sau khi đầu hàng Đồng Minh, nhưng võ học Nhật Bản lại thoát ra và phát triển mạnh hơn bao giờ hết : chỉ trong vài năm, Nhu Đạo đã có 50 triệu môn sinh ngoại tịch. Như vậy, võ học Nhật Bản có phản bội gì dân tộc không, hay ngược lại ?
Đó chính là giá trị đặc biệt của võ học trong cộng đồng nhân loại, mà tinh thần võ đạo đã đem lại những lợi thế ưu việt cho dân tộc trong cộng đồng nhân loại.
Sự phát triển võ học trong cộng đồng nhân loại
Chân giá trị của võ học chính là tính chất nhân bản : do con người, vì con người và phát triển con người.
Khởi thủy, võ học chỉ là một ý niệm của con người muốn tự tồn trước ngoại cảnh và thiên nhiên : mưa bão, ác thú, quyền sống, sự thù nghịch.
Ý niệm tự tồn được kinh nghiệm, sáng kiến và kỹ thuật phối hợp, đã biến thành một quan niệm tranh đấu : con người biết nhảy múa theo lửa, cũng biết tự vệ và tấn công bằng cách nhảy múa theo lửa, con người yếu đuối biết tự khắc phục bằng cách rèn luyện thân thể cho cường tráng, con người tay không biết xử dụng võ khí hỗ trợ cho mình từ đồ đá mài, đồ đồng sang tới đồ sắt. Rồi óc tổ chức và khả năng học tập đã giúp con người tổ chức thành bộ lạc, bộ tộc rồi dân tộc, và truyền thụ hay học hỏi những gì thiết thân. Tất cả những biến diễn ấy theo tiến trình nhân loại cứ thế gia tăng và hình thành võ học cũng như võ đạo, thành một cơ cấu tổ chức rõ rệt trong đời sống cộng đồng. Do đó, võ học được khởi đầu từ ý chí tranh đấu rời rạc của từng cá nhân, đã theo sự tiến hóa nhân loại mà tổ hợp thành môn phái, lấy xuất phát điểm từ dân tộc mà quảng phát ra cộng đồng nhân loại.
Diễn đồ phát triển của võ học trong cộng đồng nhân loại có thể biểu dương như dưới đây :
Qua diễn đồ trên, chúng ta thấy :
1- Dân tộc được đặt trong môi trường Quốc Gia, Quốc Gia được đặt trong môi trường Nhân Loại.
2- Chánh trị phát xuất từ trung tâm môi trường Dân tộc, quảng phát và xoáy tròn vào môi trường Quốc Gia, rồi dừng lại trong giới hạn (vỏ cứng) của môi trường Quốc Gia.
3- Võ học phát xuất từ hạ tầng cơ cấu của dân tộc, quảng phát từ Dân Tộc sang Quốc Gia, rồi tỏa rộng ra Nhân Loại.
Điểm đặc biệt ở đây là Chánh Trị bị giới hạn trong khuôn khổ Quốc Gia, trong lúc Võ Đạo có thể quảng phát cả ra môi trường Nhân Loại. Sự giới hạn được quy định bởi các cơ cấu tổ chức quốc gia đều có nhiều dị biệt, và bắt buộc các quốc gia phải tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền của nhau theo công pháp quốc tế, trong lúc võ học đi từ Dân Tộc - Quốc Gia tới Nhân Loại mà vẫn không bị giới hạn trong một khuôn khổ nào.
Chúng ta có thể lấy ví dụ điển hình ở Nhật Bản trong và sau Đệ Nhị Thế Chiến : Nhật Bản muốn tìm đủ mọi cách - kể cả chiến tranh - để phát triển ảnh hưởng chánh trị, kinh tế tại Âu Châu mà không được. Trong lúc võ học Nhật Bản ngược lại, đã phát triển mạnh sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, chỉ trong vài năm đã thâu nạp được 50 triệu môn sinh nhu đạo trên khắp thế giới.
Tinh thần võ đạo trong cộng đồng nhân loại
Chúng ta đã thấy võ học đi từ cá nhân, xuất phát từ ý niệm sinh tồn của cá nhân, trước khi đi vào những môi trường hoạt động xã hội.
Tinh thần võ đạo chính là tinh chất của võ học, nên cũng xuất phát từ cá nhân trước khi quảng phát vào các môi trường hoạt động xã hội.
Do đó, tinh thần võ đạo không lấy dân tộc hay quốc gia làm đơn vị hoạt động như chánh trị, kinh tế, mà sẵn sàng hoạt động trong bất cứ môi trường sinh hoạt nào, từ dân tộc - quốc gia tới nhân loại. Một ví dụ: chúng ta thấy chánh trị, kinh tế có thể liên kết các quốc gia lại thành khối, như khối Bắc Đại Tây Dương (Nato), khối Đông Nam Á (Seato), khối Varsovie, khối Thị Trường Chung (Marché Commun), nhưng không bao giờ chúng ta thấy có sự liên kết võ học hay võ đạo giữa nước này với nước khác, vì võ học cũng như võ đạo đều không chú trọng tới việc lấy dân tộc hay quốc gia làm đơn vị tranh đấu hay liên kết.
Trong Cộng Đồng Nhân Loại, tinh thần võ đạo sẽ đem lại những lợi ích thiết thực dưới đây:
1/ Giúp con người có ý thức và khả năng tự tồn hữu hiệu trong guồng máy sinh hoạt xã hội.
2/ Giúp những phần tử dị chủng và dị tộc hiểu biết nhau nhiều hơn, trong sinh hoạt chung.
3/ Tạo động cơ tinh thần trong mọi dịch vụ hoạt động và điều hành xã hội, với những đức tính tự tin, can đảm, tinh thần thượng võ và kỷ luật.
4/ Tạo điều kiện hợp tác quốc tế trong sự hiểu biết và tương nhượng giữa các quốc gia.
Nhận xét sâu rộng hơn về võ đạo
Qua phần phân tích trên, hẳn chúng ta thấy : Võ đạo tuy là võ, nhưng còn là đạo, và tuy là đạo, vẫn không bỏ thực chất võ. Đó thật là một vấn đề vừa giản dị vừa phức tạp, vừa khó hiểu vừa dễ hiểu. Vì võ đạo tuy là võ, nhưng không còn là thứ võ của sự bị kỳ thị là võ biền và võ phu, vì đã hội đủ một số phẩm tính của tôn giáo và giáo dục để phát triển không những phần xác mà còn cả phần hồn của con người. Và mặt khác, dù mang những phẩm tính của tôn giáo và giáo dục như những tinh thần xã kỷ, sát thân thành nhân, trọng nghĩa khinh tài vẫn thoát ra khỏi phạm vi hoạt động hữu hạn của tôn giáo và giáo dục tôn giáo. Ví dụ: Yoga, gốc từ Bà La Môn Giáo (Brahmatisme), trở thành môn tu dưỡng của Phật Giáo và Aán Độ Giáo, sang Trung Quốc hội nhập vào phương pháp thiền tu của Thiếu Lâm, rồi hội nhập vào võ cổ truyền của Nhật với những thành phần môn sinh Phật giáo và Thần đạo để hình thành Nhu đạo, nhưng khi du nhập xã hội Tây Phương lại mang theo cả những phẩm tính của Công giáo và Tin Lành v.v... Đó chính là trạng thái chuyển hoá (transformation) và thăng hóa (sublimation) thành siêu tôn giáo.
Một đặc điểm khác là, võ đạo tuy xuất phát từ dân tộc, nhưng lại mang thực chất nhân bản và có chiều hướng phát triển dàn tỏa ra khỏi dân tộc, vào Nhân Loại. Không ai cấm một người Mỹ học Nhu đạo đối phó với người Nhật, cũng như không ai cấm một người Nhật học võ Thiếu Lâm chống lại người Tàu, hoặc một người Kampuchia học võ Vovinam Việt-Võ-Đạo để tranh hùng với người Việt. Ở đây, võ đạo dường như lệ thuộc vào chánh trị, nhưng cũng dường như thoát ra khỏi sự lệ thuộc chánh trị, vì những võ đạo sinh đã chiến đấu theo nghĩa vụ Công dân của mình chớ không phải với nghĩa vụ võ đạo sinh, nhưng dù muốn hay không, ảnh hưởng của võ đạo vẫn tác động vào thành bại trận đánh của các phe lâm chiến.
Không có sự kỳ thị và độc quyền phát triển
trong gia đình võ đạo
Vấn đề cuối cùng mà chúng ta đề cập tới là, liệu có sự kỳ thị và tranh giành ảnh hưởng để độc quyền phát triển giữa các môn phái võ đạo trong cộng đồng nhân loại không?
Chúng ta có thể khẳng định là không, mặc dầu chấp nhận một thực trạng không mấy tốt đẹp của thời đại chúng ta : sự kỳ thị đôi khi đã trở thành chủ điểm của một số quan niệm sống trong thời đại chúng ta, trên rất nhiều lãnh vực : quốc gia, chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân chủng v.v... Nhưng bên cạnh niềm lo âu lớn, chúng ta còn có sự tin tưởng lớn hơn :khi chúng ta đã nhắc đến sự kỳ thị, là đương nhiên chúng ta coi sự kỳ thị đó là xấu, và có sự chống lại sự kỳ thị đó để đem lại quân bình, công bằng và ổn định cho xã hội. Với võ đạo, sự chống lại sự kỳ thị đó chính là tinh thần thượng võ.
Muốn thấu đáo hơn, chúng ta có thể đặt câu hỏi ngược lại : nếu có vậy, thì tại sao có tình trạng nhà cầm quyền thực dân Nhật bắt người Đại Hàn phải học võ Nhật, cấm không được học võ Đại Hàn? Hoặc như tình trạng những pha tương tàn trong võ sử Trung Quốc? Hay như tình trạng Nhu Đạo, Taekwondo, Vovinam được thi triển tại Bình Định giữa các phe tham chiến? Thực ra, đó không phải là sự tranh hùng giữa các môn phái võ đạo, mà đó chỉ là sự tranh hùng giữa các chủ trương và sách lược chánh trị giữa kẻ đi xâm lăng và người bị xâm lăng, vì trên thực tế, hai môn phái võ đạo TaeKwondo của Đại Hàn và Karatedo của Nhật Bản vẫn thái dụng tinh hoa của nhau tới mức gần như đồng hóa với nhau. Về những tình trạng tương tàn trong võ sử Trung quốc, thực ra đó chỉ là sự tranh chấp quyền hành giữa các phe nhóm đối nghịch đã được tiểu thuyết hóa và bi thảm hóa, vì trên thực tế chưa bao giờ có sự thù nghịch giữa các môn phái võ đạo nước này, ngoại trừ quan niệm thượng võ hành hiệp giang hồ, trừ gian diệt bạo, cứu khốn phò nguy truyền thống của người Trung quốc. Đó chính là tinh thần võ đạo của quan niệm hành võ hào hiệp nhằm chống lại sự tà ngụy, sự gian ác phi võ đạo, chớ không thể quan niệm như những ví dụ điển hình của sự tương tàn. Cuối cùng, sự áp dụng võ học vào chiến tranh hoàn toàn thuộc về lãnh vực chánh trị, với các đường hướng lãnh đạo của nó, hoàn toàn vượt ra khỏi quan niệm hành võ của các môn phái võ đạo, vì chúng ta không thể võ đoán rằng, hai người lính thù nghịch cùng sử dụng chung một môn võ là môn phái võ đạo đó đã bị chia rẽ và phân hóa, hoặc khi nói rằng một điệp viên Mỹ giỏi Nhu đạo và Túc Quyền đạo là 2 môn phái võ đạo này phục vụ cho nghề tình báo phản gián ngoại quốc.
Triển vọng
Cùng với võ học, tinh thần võ đạo đã phát triển mạnh trong Cộng đồng Nhân loại. Tại bất cứ quốc gia nào, chúng ta cũng được nghe nói đến các ngành võ đạo và võ thuật, như Nhu Đạo, Không Thủ Đạo (Karatedo), Hiệp Khí Đạo, Túc Quyền Đạo (Võ Đại Hàn Taekwondo), Quyền Anh v.v...
Các trường dạy võ mở khắp nơi, từ những cơ quan công quyền tới tổ chức dân sự. Tùy trường hợp, võ đạo được sử dụng như một lợi khí tranh đấu bảo vệ pháp luật, hay sống ngoài vòng pháp luật. Trước khi buôn bán với nước Nhật, chúng ta hiểu biết về người Nhật qua tinh thần võ sĩ đạo của họ, với những ấn tượng đầu tiên rất tốt đẹp về Nhu Thuật và Nhu Đạo, trước khi tiếp xúc với người Anh, chúng ta đã thích thú với môn Quyền Anh do người Pháp du nhập vào Việt Nam. Trước khi tiếp xúc với người Đại Hàn, chúng ta đã nghe nói nhiều về họ qua những từ ngữ Thái Cực Đạo, Túc Quyền Đạo v.v... và không nói đâu xa : chính nhờ phim võ hiệp của Trung Quốc nhập cảng, lịch sử và xã hội Trung Quốc mới được cả giới bình dân biết đến và n Quyền
Như vậy tinh thần võ đạo tự nó đã có một hấp lực đặc biệt làm chúng ta mến mộ. Nhưng song song với sự mến mộ, chúng ta cũng thấy sự quảng bá võ học và tinh thần võ đạo Việt Nam trong Cộng Đồng Nhân Loại còn quá kém, trong hiện tại, cũng như Nhu Đạo chỉ phát triển mạnh ra ngoại quốc sau Đệ Nhị Thế Chiến, Túc Quyền Đạo chỉ phát triển mạnh ra ngoại quốc sau cuộc chiến tranh Nam - Bắc Hàn, triển vọng của vấn đề quảng phát tinh thần võ đạo Việt Nam ra ngoại quốc chắc chắn sẽ thực hiện sau chiến tranh.
Triển vọng quảng phát Việt Võ Đạo trong Cộng Đồng Nhân Loại chính là kỳ vọng của tất cả chúng ta, khi sửa soạn bước vào thời hậu chiến.
Võ Việt luyện thành, trăm họ nức lòng thề phục Việt
Đạo Nam tu tập, ngàn đời nối sử nguyện hưng Nam
VS Chưởng môn LÊ- SÁNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét