Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

TÔNG HỢP MÓN NGON ĐẶC SẢN HÀ NAM

Bánh cuốn Phủ Lý 
Nhắc đến đặc sản Hà Nam, không thể bỏ qua bánh cuốn Phủ Lý. Từng lớp bánh được tráng đầy đặn, nhân mộc nhĩ và hành phi giòn ruộm. Bên ngoài bánh lúc nào cũng bóng bẩy bởi lớp mỡ phủ, nhìn đã muốn ăn. 
Chả nướng ăn kèm bánh mới thật công phu, không phải chả nướng hàng loạt trên vỉ mà làm từ thit ba chỉ thái mỏng ướp gia vị đầy đủ xiên que nướng trên than hồng nên mang vị đậm đà, ít ngán. Chả này sau đó được thả vào bát nước chấm pha chế theo bí quyết riêng cùng dưa góp.
Đi kèm theo đĩa bánh cuốn là rau thơm và rau sống như xà lách, kinh giới, rau mùi, giá đỗ, sung xanh, hoa chuối mỡ màng.
Bánh cuốn nóng làm ngay tại chỗ, chấm ngập trong bát mắm nóng nóng cắn ngập chân răng thấy beo béo của bột gạo quê, giòn giòn mộc nhĩ, thơm hành.
Người ăn vừa nhai chậm vừa nhón lấy cọng rau thơm, lá rau sống, thêm miếng chả và đu đủ nữa lại càng trọn vẹn vị bánh cuốn của riêng một vùng đất.
                               
                                                  Chuối ngự Đại Hoàng
Chuối ngự của Hà Nam là loại chuối nhỏ nhưng có mã đẹp. Quả nào cũng căng tròn, khi chín vàng óng.
Người nào ham ăn có thể liền một lúc “chiến” hết nải là bình thường. Loại chuối đặc biệt vậy nên khi xưa được người dân làm vật phẩm tiến vua, cũng chính vậy nên có tên chuối ngự.
Chuối ngự - đặc sản Hà Nam - có hương vị rất ngon, ngọt mà không quá sắc, thơm thanh tao chứ không dậy chua.
Đến sau này, chuối ngự Đại Hoàng cũng không mất đi vị thế đã được khẳng định. Nó có tên trong top 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Namchính thức công bố lần thứ nhất năm 2012.
                        
                                    Cá kho niêu đất Vũ Đại
Những tưởng món cá kho nơi nào cũng giống nhau nhưng cá kho làng Vũ Đại lại nổi tiếng và có thương hiệu hơn hẳn. Thậm chí, người ta còn xuất khẩu món ăn dân giã này ra tận nước ngoài.
Cá kho làng này được cho vào trong niêu đất, chỉ thêm các gia vị cơ bản, thịt ba chỉ, nước mắm cua và lót riềng kho liên tục 10 - 12 giờ thôi nhưng cho ra món ngon cực hao cơm.
Đặc sản Hà Nam còn nổi tiếng với món cá kho niêu đất Vũ Đại
Cá kho khi thành phẩm có màu nâu sậm, thịt mềm nhưng còn nguyên khúc, xương cũng nhừ và mùi thơm lừng tỏa lan. Cá kho niêu đất ăn đậm đà vị quê, không hề tanh mà ngược lại, ngọt thịt bùi xương rất hòa hợp với nhau.

                                      
                                               Quýt Lý Nhân
Quýt Lý Nhân quả dẹt, vỏ giòn, mỏng, khi chín màu vàng ươm. Quýt vùng này mọng nước bên trong và nhiều tinh dầu bên ngoài. Dùng tay bóc vỏ thấy mùi thanh mát tỏa ra dễ chịu.
Quýt Lý Nhân có múi đều, ít hạt, không ngọt đậm mà ngọt dịu, vị thanh.
Quýt Lý Nhân nổi tiếng khắp nơi không những trong nước mà còn được xuất khẩu ra thị trường thế giới và cũng đã từng dùng làm đặc sản tiến vua khi xưa. Vì thế, qua Hà Nam mùa quýt, nên tranh thủ thưởng thức món ngon đặc biệt trong thiên hạ.
                              
                                              Mắm cáy Bình Lục
Mắm cáy chế biến từ những con cáy nhỏ được lột yếm, bóc trắng, giã nhuyễn, trộn muối rồi đem ủ kín trong vại. Vại mắm phải phơi đủ nắng để không hỏng, khi mắm thật ngấu mới đem dùng.
Mắm cáy Bình Lục thơm ngon. Chỉ ngửi qua mùi hăng hăng là thấy cả vùng trời nắng đồng ruộng sông hồ.
Mắm cáy múc ra, pha thêm ớt, tỏi chấm cùng rau luộc cứ thế ăn hoài không thấy chán!
Cái vị đậm đà, chân chất thấm qua môi lưỡi cùng vẻ khiêm nhường của rau xanh mát cho ra hương vị hài hòa không làm người ăn săn lưỡi vì mặn, cũng không nhạt nhẽo khiến ta nhanh quên.
                               
                                                  Bánh đa Kiện Khê
Bánh đa Kiện nhiều vừng giòn tan và bùi thơm nhất tỉnh. Nhai lâu trong miệng, bánh đa để lại vị ngọt thanh giản của bột gạo tự nhiên.
Khác với bánh đa của nhiều địa phương trên cả nước, người dân còn tạo ra hương vị riêng cho bánh bằng cách kết hợp nó với những món sẵn có như chuối tiêu, cùi dừa.
Vị ngọt mềm của chuối chín trứng cuốc làm dịu cái khô giòn của bánh đa nhưng tăng độ ngọt quả là một sáng tạo đầy bất ngờ. Trong khi đó, cùi dừa làm bánh đa đã bùi vừng nay còn béo và thơm lừng hơn nữa cũng là giải pháp đầy hương vị.
                            
                                         Rượu làng Vọc
Làng Vọc có nghề nấu rượu gạo truyền thống. Bao đời truyền nối, họ vẫn chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu: nấu bằng gạo ủ men ta - thứ men gồm 36 vị thuốc Bắc.
Dù tốn nhiều công và số lượng rượu làm ra không nhiều như các quy trình công nghiệp hơn nhưng đổi lại, rượu làng Vọc an toàn và tạo danh tiếng riêng.
Chỉ cần mở nắp chai rượu làng Vọc ra là ngửi thơm ngào ngạt hương gạo, vị đậm đà, ngọt mà không say, không đau đầu.
                                     
                                                                                                            Bún Tái Kênh
Làng Tái Kênh ghi tên trong bản đồ ẩm thực bằng món bún dẻo dai nức tiếng. Bún Tái Kênh trắng, trong, săn sợi và không dùng chất bảo quản.
Bún Tái Kênh làm từ gạo khi nấu phải khô như Khang dân hay Ải.
Qua nhiều giai đoạn ngâm gạo, xay gạo, nhào nặn bột, luộc, giã theo bí truyền riêng của gia đình, dòng họ trong làng mà mới có thành quả là những lá bún, vắt bún ngon lành.
Bún Tái Kênh được người dân trong vùng và các khu lân cận rất ưa chuộng. Người ta hay bảo nhau, bún này ăn với mắm cũng thấy ngon là có lý do của nó.

TÔI ĐÃ ĐẾN VỚI VOVINAM BẰNG MỘT TÌNH YÊU RẤT NHỎ

Câu lạc bộ Vovinam của trường Đại học Xã hội và Nhân văn

Tôi đến với võ thuật từ một điều rất khác, tình yêu. Tình yêu võ thuật bắt đầu từ tình yêu với chàng điều tra viên,vì chàng là điều tra viên nên nếu cô gái yếu mềm sẽ trở nên một lỗi lầm, cho dù ban đầu chúng tôi quen nhau, tôi luôn được anh và đồng đội bảo vệ, nhưng càng về sau, càng cảm nhận được tình yêu và sự lo lắng của anh, tôi hiểu rằng cô gái của anh hãy mạnh mẽ, hãy thông minh,hãy tự biết bảo vệ mình. 
Muay Thái là sự lựa chọn đầu tiên của một cô gái yếu mền như tôi
Đầu tiên tôi học Muây Thái ở một trung tâm gần trường THPT.Nhưng lớp học ấy có vẻ không phù hợp với tôi, Muay Thái có khả năng ứng chiến cao nhưng tôi thì không theo được vì một lí do nào đó cũng không rõ. Bởi thực tế cho dù lên sàn đấu bao nhiêu lần,ăn bao nhiêu đòn, bầm cả mặt mài, tôi cũng không sao ra được một đòn coi được mà chỉ đánh rất nhẹ và di chuyển tránh đòn kém.
Thế nhưng vẫn cố gắng học, vẫn đến tập luyện đều đặn cho dù việc học trên lớp cũng đã hoàn tất và chỉ còn việc tập trung luyện thi đại học thôi- một kì thi căng thẳng, cần nhiều tập trung. Khi ấy lại nghĩ, ờ thì có thể thưởng cho mình 2 buổi tập 1 tuần xem như phần thưởng cho việc cố gắng học hành. Khi đó, việc được đến lớp tập võ giống 1 trò tiêu khiển giải trí. Tôi khá đơn độc, vì lúc này, bạn bè nó nghỉ hết rồi, khá lạc lỏng nhưng vẫn đi, cố gắng quen bạn mới.
Vào đại học, ở kí túc xá ĐHQG, có đến 4 câu lạc bộ võ thuật nhưng không có Muay, vẫn cố gắng tìm một môn cho mình để tiếp tục công trình rèn luyện bản lĩnh cá nhân. Khi ấy tình cờ nhớ lại trong một bộ phim được xem hồi còn nhỏ có nhắc tới Vovinam, nữ diễn viên có so sánh Vovinam với Việt Nam cần giống như Taekwondo với Hàn Quốc của cô,và có 1 lần xem phim tài liệu về Sáng tổ Vovinam, nên con đường võ thuật của tôi trở nên một hướng khác.
Ở đây tôi được học những cái rất căn bản, sơ khai của võ thuật- học lại những điều đã học ở bộ môn mới,nhưng không thấy chán, sau đó từ từ tiếp cận, thấy mình cũng được, rồi tuần sau đó gặp được thầy phó chủ nhiệm clb võ thuật kí túc xá, thầy Võ Nhật Sơn, người có tư tưởng, quan điểm sống hết sức rõ ràng và trật tự, giảng dạy về lí tuyết Vovinam, võ thuật, võ đạo, chiều dài lịch sử phát triển. Từ khi biết về võ đạo Vovinam,về 10 điều tâm niệm, 3 điều sơ khởi,5 nguyên tắc người học võ, tôi nhận thấy mình say mê hơn hẳn, và dần dần việc học võ trở nên có ý nghĩa, con thuyền võ học trở nên có lối đi. Vovinam-Việt võ đạo, cuộc cách mạng tâm thân của cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc.
Khi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình yêu nhỏ bé của tôi gặp được cách mạng tâm thân nhân võ đạo, tôi đứng vào hàng ngũ đấy với niềm yêu, lòng tin. Và tất cả những điều đấy tôi tin là khi mà tôi không gặp được sư phụ Võ Nhật Sơn thì không được như  vậy đâu. Người thầy trầm tĩnh, am tường võ thuật Vovinam, cầu tiến, nêu cao trách nhiệm, “dạy võ, không bán võ”,tâm huyết môn phái, câu lạc bộ và gắn kết câu lạc bộ võ thuật sinh viên không chỉ liên kết Vovinam khối đại học cao đẳng Thủ Đức mà còn Taekwondo,Karatedo,võ cổ truyền Việt Nam trong kí túc xá; am hiểu đời sống sinh viên,yêu thương và triệt để nhắc nhở về công trình tập luyện, tư cách môn sinh, nhân cách con người, tình bạn bè, tình thân, tình yêu trai gái, thân tâm trong sáng, cao thượng. Cho tôi thật sự có bản lĩnh giữa địa cầu, vững vàng tâm thân, mạnh mẻ trong cuộc đời và biết yêu thương, chia sẻ và mở lòng thật sự chứ không phải chỉ biết có tình yêu riêng rẻ, không còn nhỏ nhoi trong đời mà từ đó có niềm tin của một Việt võ sĩ rèn luyện TRÍ- ĐỨC-DŨNG- TÂM, niềm tin, như thân tùng trong gió sương vươn chí cao quyết lòng. Rèn luyện bàn tay thép cùng trái tim từ ái. Từ đây, lí trí được hoàn thiện, việc luyện tập trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Thầy Võ Nhật Sơn

Bài viết này, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bạn đồng môn, đến người thầy đáng kính. Con cảm ơn thầy. Con đã đến với Vovinam thật sự bằng tình yêu cao rộng, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách, khỏe mạnh thân thể,khỏe mạnh trí óc, yêu thương con người không còn nhỏ nhoi, ích kỷ cho tình yêu của một mình con nữa, đây chính là điều con muốn, chính là hạnh phúc của môn sinh. Với con thầy là bóng cả lớn lao. Con viết bài này ngày 17/11/2014, cũng hướng đến ngày Nhà Giáo Việt Nam, con gửi đến thầy dạy võ của mình, lời yêu thương thân ái của môn sinh, bằng tấm lòng Vovinam cao rộng, chúc cho câu lạc bộ,tâm huyết của thầy được Hội và ban ngành,kí túc xá, trường học ủng hộ hết mình vượt qua sóng lớn, phát triển vững mạnh nhưng mãi giữ được câu “dạy võ không bán võ”, không thể thao hóa công trình 10 năm qua, và chúc cho thầy tìm được người kế tục tuyệt vời “tràng giang sóng sau xô sóng trước”.
Nghiêm lễ. Lễ.
Ps: bật mí rằng, khi đến nhà thầy, sẽ luôn được chiêu đãi hậu hĩ , do chính tay thầy nấu.

Ngô Thanh Thoãng (Kí túc xá B – Đại học Quốc Gia, Tp HCM)


VOVINAM - SỐNG ĐẸP NGHĨA LÀ CỐNG HIẾN


“Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại”
“Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích”
Có lẽ, đây là hai trong mười điều tâm niệm của võ đạo vovinam mà tôi tâm đắc nhất. Nó như một nguồn mạch sống nối liền nguồn mạch chảy mạnh và trải dài trong trái tim tôi từ khi tôi còn là một cô bé. Với một tâm hồn chứa chan bao cảm xúc, với từng nhịp tim rung động với đời, câu chuyện đến với vovinam của tôi có gì đó thật thực tế nhưng cũng thật nhiều mơ mộng và ấp ủ.
Phú Hòa – Phú Yên – nơi khơi dậy một niềm đam mê võ thuật, nơi vang lên nhịp lòng tình yêu vovinam trong trái tim tôi. Còn nhớ lắm những chuỗi ngày thơ bé, những ngày hè của năm 2002 lúc tôi bắt đầu bước vào lớp 2 ở một ngôi trường mang nhiều âm vang lịch sử của vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh. Năm đó, một kì nghỉ hè dài ở huyện Phú Hòa đã để lại trong tôi những dấu ấn khó quên. Với chiếc xe đạp bình dị nhưng đầy ấp tình anh em đã đưa tôi đến với những con người đầy náo động nhưng cũng rất yêu thương – Con người Vovinam.
Thủa đó nghèo lắm ai ơi!
Chiếc xe cọc cạch âm vang cõi lòng
Đạp xe “nhốn nháo” tình nồng
Gồng trước là Tý (1) đèo mình Min (2) sau
Đường đất thấy thế u sầu
Tâm can nặng trĩu vậy là đâm ghen
“Anh em thì mặc anh em
Cớ sao cậy thế dẫm lên lòng đời?
Võ đạo ghi dấu một thời
Luyện gan, luyện thép, luyện người thế sao?”
Đúng vậy, học võ không chỉ để phòng vệ, để rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng, sự khổ nhục, để mạnh mẽ và bản lĩnh mà song song với đó là học cách quên mình vì người khác, biết bênh vực lẽ phải và nêu cao tinh thần thượng võ. Ở đây, vovinam đã dạy tôi như thế : võ thuật và võ đạo – một điều thật đặc biệt mà chỉ có thể là vovinam.
Quay ngược dòng thời gian về lại với hồi ức xa xưa ấy, các bạn sẽ không thể nào diễn tả được sự vui nhộn đượm nét người, nét đời trong lớp võ của anh tôi tại một bãi tập mơn man đồng cỏ (nếu tôi nhớ không nhầm). Không biết đó là tính cách của họ, tính tình chất phác, đơn sơ đậm chất Phú Yên? Hay tại vì qua một quá trình tham gia học tập, rèn luyện và mài giũa mà tinh thần của họ trở nên vô tư, nhiệt tình đến thế. Thế nhưng dù sao đi chăng nữa, học võ ở bất kì môn phái nào cũng vậy, nó đều luyện cho ta một tinh thần sắt đá, kiên vững không nguôi, một ý chí quyết tâm không bao giờ tắt trong suốt một thời gian tôi luyện, để rồi một ai đó đi qua và để lại “ồ! họ thật đáng khâm phục, đức tính của người học võ thật đáng để ta thấm nhuần trong tư tưởng”.
Không chỉ ngưỡng mộ các anh chị ấy ở những đức tính đáng trân trọng mà tôi còn rất ấn tượng với đòn kẹp cổ trong môn võ này. Kí ức thật khó nhạt phai khi tôi ngồi trên chiếc xe đạp và nhìn một cách rõ nét hai anh đang thể hiện đòn kẹp cổ, một anh bay lên kẹp cổ anh kia quật xuống và cho ngay một phát vào hạ bộ trông thật quyết liệt nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Mặc dù, lúc đó tôi thật ngây ngô và một đứa con nít mới lần đầu tiên tiếp ‘thị’ (3) với võ thuật như tôi cũng phải xôn xao trái tim mình và rồi cứ mơ mộng, tưởng tượng trong trí óc cực kì phong phú để ao ước một điều “mình cũng muốn được vậy”. Thế rồi, kì nghỉ hè năm ấy khép lại, tôi trở về với ngôi nhà hạnh phúc của mình và kể cho cha mẹ nghe từng chi tiết: từ việc tôi đạp xe rong rong trên con đường ấy rồi đói bụng quá ăn hết mấy chùm nhãn của dì cho đến việc mấy anh chị chở tôi đi chơi, rồi tôi khua tay, múa chân miêu tả thật chi tiết hình ảnh bay lên kẹp cổ vô cùng thú vị, đầy kịch tính của các anh ngày ấy. Sau câu chuyện, cha mẹ hứa hẹn sẽ cho tôi đi học võ và nó đã làm tôi nôn nao biết bao nhiêu, tâm thế sẵn sàng, trí tưởng tượng phong phú đã thoáng chốc biến tôi thành một võ sĩ tại nơi hình ảnh quá mờ nhạt để rồi ước mơ chỉ là mơ ước, hứa hẹn cũng chỉ là vô không vì ở nơi tôi đang sinh sống lúc ấy không mở lớp dạy vovinam mà chỉ có teakwondo của thầy Đôn là chủ yếu. Vậy nên ấn tượng khắc sâu – vovinam môn võ của thời gian cứ chạy xuyên qua ống dẫn kí ức đưa vào từng ngăn tủ phía trên rồi lại cất sâu vào ngăn tủ phía dưới để đến khi tôi nhìn thấy một ai học võ hay thậm chí là nhắc đến võ tôi lại kéo ra để hân hoan kể lại: ừ, vovinam trông tinh nhuệ lắm, kẹp cổ như vậy đấy nhé….!

Một khoảng thời gian trôi qua, cô bé năm xưa giờ đây đã là một cô gái của tuổi 18 – lứa tuổi đánh dấu bước trưởng thành. ‘Đôi chân áp đế’ cô ấy đặt lên giảng đường đại học tạo ra một sự lo lắng cho mẹ và cha để rồi, hai anh em lại hội ngộ tại ngôi làng đại học và cứ thế theo một cách rất tự nhiên ‘đôi chân trần’ cô ấy đặt lên nền đất, bắt đầu cho những bước đi chập chững trên con đường võ thuật mạnh mẽ, bản lĩnh, đầy sức sống.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, anh tôi bây giờ đã trở thành phó chủ nhiệm câu lạc bộ võ thuật làng đại học. Theo chân anh mình tôi có được nhiều niềm vui khi học võ, các anh chị, các bạn đồng trang lứa đã cho tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự bảo bọc của một gia đình – gia đình vovinam. Động lực được tiếp thêm, một cô gái cá tính như tôi đã có lập trường nay lập trường càng thêm vững. Rồi sau một thời gian tham gia vào lớp võ, cái mà tôi thấy được không chỉ là những đòn kẹp cổ, những đức tính đáng quí mà tôi còn rất ấn tượng với những pha nhào lộn, biểu diễn bằng vũ khí, cũng như cái cảm của tôi về tình đồng đội, tình anh chị em.
Mỗi lần có tâm sự, mỗi lần cảm thấy buồn lòng, tôi thường thích đi học võ hơn bao giờ hết. Ở nơi đó, mang lại cho tôi một cảm giác bình yên của mặt trời lặng lẽ lúc hoàng hôn. Ở nơi đó, sưởi ấm trái tim tôi bằng tình người ấm áp, bờ vai của những con người dung dị ấy thật mềm mại nhưng cũng rất cứng cáp, an toàn và… “em cứ khóc đi cho nhẹ lòng!” (4).
Xa gia đình và đến với vovinam tôi hiểu rằng học võ không dùng để tỉ thí với người khác mà nó chỉ dùng để bảo vệ người khác, để tự vệ, để xả thân, để hi sinh, để nêu cao tinh thần quả cảm, để rèn luyện sức khỏe và giúp mình bản lĩnh hơn. Vovinam đã giúp tôi nhân ra khi một con người rời xa nguồn cội họ rất cần đến tình đồng đội đoàn kết, san sẻ, yêu thương. Vovinam không chỉ dạy võ mà còn dạy  cả cách dung hòa với đạo làm người.

“Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại”
“Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích”
Nhờ đó, tôi đã nhận ra được một chân lý: “vì sao tôi sống? Vì đất nước cần một trái tim”. Điều mà tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải khắc cốt ghi tâm “sống đẹp nghĩa là cống hiến”.
Giờ đây, tôi là một cô sinh viên năm hai, bước qua tuổi 18 đến với tuổi 19 cùng trình độ lam đai, võ thuật tôi chẳng hơn ai, võ đạo tôi cũng chẳng thuộc làu làu nhưng tôi luôn rèn giũa mình, tiếp thu và thấm vào tư tưởng những gì tinh túy nhất mà các thầy truyền đạt cũng như vovinam đã để lại.
Ngô Hoàng Phương Linh
(Câu lạc bộ vovinam Nông Lâm – vovinam làng đại học)

Chú thích:
– (1)_ Tý: tên ở nhà (tôi hay gọi anh như thế) của thầy Võ Nhật Sơn – phó chủ nhiệm câu lạc bộ võ thuật làng đại học – anh họ tôi.
– (2)_ Min: tên cha mẹ đặt ở nhà cho tôi.
– (3)_Tiếp “thị”: không phải là từ trong kinh tế mà là một cách chơi chữ của tôi về cái nhìn cận cảnh trong đòn kẹp cổ lúc đó.
– (4) “Em cứ khóc đi cho nhẹ lòng!”: câu nói của chị Phương đồng môn của tôi đang học tại câu lạc bộ vovinam Nông Lâm TP.HCM an ủi lúc tôi có chuyện buồn.
(*) Đây là bài viết tự sự giúp tôi ôn lại những kỉ niệm đẹp một thời thơ bé, cũng như gợi nhớ lại một chút hình ảnh thân thương khi tôi mới bước chân vào câu lạc bộ.

TÔI TÌM LẠI CHÍNH MÌNH QUA VÕ HỌC


Tuy chỉ mới tập võ một tháng nhưng tôi đã nhận ra nhiều điều. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ tìm thấy điều gì đó mới mẻ để học hỏi, nhưng không ngờ, điều tôi tìm thấy lại là chính mình.

Thất bại đặc biệt

Tôi có một tính cách mạnh, bình thường giao tiếp vui vẻ nhưng khi vào công việc thì gần như tập trung hoàn toàn vào nó. Bạn bè xã giao thì nhiều nhưng gắn bó thì ít, hầu như không ai hiểu mình. Nói chính xác hơn: không ai thích ứng kịp với sự biến chuyển quá cứng nhắc của tôi. Mọi công việc, tôi đều bắt đầu như dự án cuối cùng của mình. Vậy nên tôi thường gây áp lực rất lớn cho những người đồng đội xung quanh. Tôi không thể tìm thấy sự dung hòa giữa đời thường và dự án, giữa bạn bè và những người đồng đội. Đối với tôi, khi kế hoạch vẫn chưa hoàn thành, một phút giây cười đùa cũng khiến tôi phải lo lắng.
Và rồi một thất bại làm cho tôi phải suy nghĩ. Một kiểu thất bại rất đặc biệt, lần đầu tiên tôi nếm trải: vội vã. Trước nó, tôi chưa từng nghĩ việc hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch là một thất bại. Tôi bị thay thế và ngày càng xa dần tập thể. Tôi cố tìm câu trả lời nhưng mọi người đều im lặng. Điều mà sau này tôi mới tự hiểu ra.
Tôi được một người chị khuyên đi học võ. Ban đầu, tôi phản ứng vì nghĩ  mình sẽ phí thời gian với việc chẳng liên quan này. Tuy vậy, một kẻ thích hơn thua đang mang trong mình quá nhiều áp lực và không biết chút gì về võ học, nên tôi vẫn cố hy vọng và quả quyết với chị: 6 tháng nữa tôi sẽ mang đai đen!
Tôi bắt đầu tìm hiểu về võ học. Vốn có lòng cảm mến văn hóa Nhật từ trước nên tôi quyết định sẽ chọn một môn võ Nhật. Thời gian có thể thay đổi nhưng tính vượt khó và sự cần cù của người Nhật thì không bao giờ đổi thay. Trong số nhiều môn, tôi tò mò với triết lý của môn Aikido nhất. Môn võ nhấn mạnh sự hòa hợp nhờ tình thương. “Nhờ vào nó mới có sự hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ, xóa bỏ hận thù và ganh ghét, bất tương tranh..  Aikido nhấn mạnh rằng nắm vững võ thuật là để nhận đòn và chuyển hướng nó đi một cách vô hại. Trong trường hợp lý tưởng, không chỉ người nhận mà cả người tấn công cũng vô hại”. Ngay lần đầu đọc được những dòng này, dường như có gì đã thôi thúc tôi. Nó quá là mới mẻ. Tôi tò mò tự hỏi: “Làm sao có môn võ nào lại hoàn hảo đến thế ?”. Nói cách khác, những triết lý này trái ngược hoàn toàn với những suy nghĩ của tôi trước đây.

Ngày đầu tiên đến sân võ

Ngày đầu tiên đến sân tập, tôi mang trong mình những hy vọng và nghi ngờ. Tôi cố gắng hỏi thăm và tìm hiểu xem liệu có ai đi tập với lý do giống như mình không. Câu trả lời là không một ai ! Tôi thất vọng. Tất cả chỉ thay đổikhi tôi tập đến động tác ngồi khuỵ gối (kiểu quì seiza) rồi ngã người về sau, nhờ nó mà tôi dần hiểu được ý của chị.

Đối với những môn sinh mới tập Aikido, đây thật sự là một thử thách. Trong động tác này, toàn thân của bạn phải dãn ra hết cỡ. Tôi gần như thét lên khi lần đầu tập nó. Bạn biết đấy, nếu cơ thể vẫn chưa quen, trong tư thế này, một hơi thở sai nhịp hay mạnh hơn bình thường cũng khiến bạn phải chịu những cơn nhói từ bụng và hai hong. Phải thật nhẹ và thật đều. Bình tâm lại, cảm giác đau đớn dần thay bằng sự tĩnh lặng và cân bằng… Tôi cảm thấy thời gian như trôi chậm lại. Lắng nghe cơ thể, tôi hiểu ra dường như, từ trước đến nay, mình đã quá vội vàng khiến cho suy nghĩ trở nên không thấu đáo. Suốt buổi tập đầu tiên và cả khi về nhà, tôi đều suy nghĩ về cảm giác lúc đó. Thật kì lạ ! Ban đầu tôi cứ nghĩ đến sân võ, tôi sẽ tìm thấy điều gì đó mới mẻ để học hỏi, nhưng không ngờ, điều tôi tìm thấy lại là chính mình.
Những ngày sau tôi bắt đầu học các đòn đánh như  shiho nage, kotegaeshi… Những động tác xoay tròn, té ngã giúp tôi nhận ra nhiều điều khác nữa. Dù tôi có thuần thục đến đâu nhưng nếu không thể hòa nhập và liên kết tốt với bạn tập thì không thể tiến bộ xa hơn được. Nhớ lại thất bại đặc biệt của mình, tôi đã quá cứng nhắc áp đặt lên mọi người, nên dù có đạt kết quả trước mắt nhưng càng về sau tôi chỉ khiến mọi người càng mệt mỏi và chán nản hơn. Sự gắn kết mới thật sự là yếu tố tạo nên thành công và tiến bộ trong tương lai.
Sau một tháng tập luyện, để cám ơn vì lời khuyên quý giá, tôi đã đến gặp chị. Nói ra mới biết, chị cũng có người anh học võ với lý do giống tôi. Cảm thấy võ học mang đến nhiều sự thay đổi tích cực nên chị mới khuyên tôi như thế. Chị hỏi tôi: em còn giữ ý định 6 tháng nữa đai đen chứ?. Tôi cười: Điều đó không còn quan trọng nữa rồi chị ạ!

Trần Thế Cường (Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8, TP.HCM)

6 TIÊU CHUẨN CỦA MỘT THẦY DẠY VÕ


Có nhiều tranh cãi tồn tại trong giới võ thuật về những tiêu chuẩn của người thầy dạy võ. Trong quá trình tìm kiếm ý kiến cộng đồng về vấn đề này, Cà Phê Võ Thuật tìm thấy nhiều ý kiến chung, cũng có nhiều yếu tố còn nằm trong vòng tranh cãi “Có thực sự cần ở một người thầy dạy võ hay không?”.
Bài viết sau đây là một trong số những ý kiến đầy đủ, khái quát và thuyết phục nhất CPVT (Cà phê võ thuật) đã đọc về vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu, tìm xem những điểm giống và khác với quan điểm của chính các bạn.

1- Trước hết, người thầy dạy võ phải có sức khỏe

Không nhất thiết vai u thịt bắp nhưng phải khỏe mạnh, rắn rỏi – dạy võ mà hom hem, hốc hác, hay liêu xiêu mỗi khi trái gió trở trời thì vừa khó coi vừa khó chấp nhận. Bởi mục đích đầu tiên của võ là mang lại sức khỏe cho người tập, vậy mà ông thầy võ ốm o xo bại thì không thuyết phục được ai.
Không chỉ có sức khỏe về mặt thể chất mà còn phải có sức khỏe về mặt tinh thần: sáng suốt, mạnh mẽ, kiên định, và một tâm hồn cao đẹp… khác với mẫu người lờ mờ, bạc nhược, buông thả, với con tim bệnh hoạn… Là một loại hình thể thao, võ thuật phải mang lại cho người tập “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Mà muốn được thế, ông thầy dạy võ phải là con người có “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

2- Thầy dạy võ cần có trình độ tri thức và văn hóa ở mức cao

Ngày trước thế giới nhỏ bé sau lũy tre làng, ngày nay thế giới mênh mông trong thời đại toàn cầu hóa. Ngày trước không ít thầy võ thất học, có cả trường hợp nhiều vị thi đậu đến tiến sĩ võ, mãi khi vào thi đình, ông vua mới phát hiện vị tiến sĩ nọ mù chữ; ngày nay ông thầy võ nhất thiết phải có học, có trình độ tri thức và văn hóa nhất định. Người thầy võ thật sự không chỉ am tường võ thuật, võ lý mà còn phải đạt đến tầng võ đạo. Giáo dục là một nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi người thầy phải có kiến thức tổng quát. Không có tri thức, không có khoa học, không có văn hóa thì lấy gì để dạy đạo làm người.

Trình độ tri thức và văn hóa còn giúp người thầy võ năng lực tiếp thu cái mới và công nghệ mới, trong đó có công nghệ internet. Làm sao có thể tưởng tượng được một ông thầy võ thời hiện đại mà không biết sử dụng internet. “Rừng văn biển võ” – cả biển võ mênh mông trải ra trước mắt chỉ cần bằng một động tác nhấp chuột. Không biết tận dụng lợi ích của internt, ông thầy võ tự bịt mắt mình, tự cô lập mình, tự đẩy mình về lại quá khứ hàng trăm năm trước.

3- Thầy dạy võ cần có năng lực tổ chức, điều hành tốt

Ngày nay, ông thầy võ thường là người đứng đầu một Câu Lạc Bộ, một Võ đường, Chi phái, Hệ phái, hay Liên Đoàn… Bởi thế, ông thầy võ còn phải có năng lực tổ chức, điều hành. Thiếu tiêu chuẩn này, ông thầy võ không thể duy trì nổi Câu Lạc Bộ, chứ chưa nói phát triển phong trào, hay nâng cao chất lượng rèn luyện và giáo dục.

4- Thầy dạy võ phải biết võ và liên tục tập luyện và tìm hiểu thêm về võ

Nhưng tiêu chuẩn quan trọng hơn cả là ông thầy dạy võ phải giỏi võ. Không chỉ là nhà chuyên môn mà phải có chuyên môn sâu về môn võ mình dạy. Võ có ba tầng: võ thuật, võ lý, và võ đạo. Võ thuật bao gồm hệ thống kỹ thuật, quyền pháp, đấu pháp; võ lý là những nguyên lý làm nền tảng từ đó xây nên hệ thống võ thuật. Về mặt này, đòi hỏi người thầy võ phải am tường và thông suốt cả hai. Hiện nay, không ít vị chưa đủ chuyên sâu nhưng cũng mở lò luyện võ. Nhà nước thiếu trách nhiệm kiểm soát, nhân dân thiếu quan sát chọn lựa. Hậu quả là người học học không tới đâu, không hứng thú, và không có hiệu quả, chưa nói đôi khi còn phản tác dụng. Ở các nước tiên tiến, cũng như mọi ngành nghề khác – bác sĩ phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ, y tá phải có bằng tốt nghiệp y tá, kỹ sư phải có bằng tốt nghiệp kỹ sư, thầy giáo phải qua quá trình đào tạo và thử nghiệm, thì thầy võ cũng phải có bằng huấn luyện võ thuật. Với thầy võ, đó mới chỉ là chứng chỉ chuyên môn, tuy thế không thể không có. Tất nhiên, ông thầy võ không nhất thiết phải là nhà cựu vô địch. Người đấu đá giỏi chưa hẳn là một Huấn Luyện viên giỏi, một huấn luyện viên giỏi chưa hẳn là một ông thầy võ giỏi. Rất tiếc, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn điểm này.

Có năng lực chuyên môn, ông thầy võ còn phải có tư tưởng sư phạm và phương pháp sư phạm. Giáo dục là một khoa học, với hệ thống chương trình, qui trình, phương pháp cụ thể theo đặc thù mỗi môn học. Không thể chủ quan, tùy tiện dạy gì cũng được, trước sau, nhanh chậm gì cũng được… Dạy võ không dừng lại ở quyền cước mà còn hướng đến dạy đạo làm người. Không coi võ sinh như một con người trừu tượng mà là một con người cụ thể, với từng đặc điểm riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng, tính khí tính cách riêng; không xúc phạm người tập, không đánh mất niềm tin, niềm tự hào của họ; luôn yêu thương, tôn trọng, và biết chờ đợi… Ông thầy võ thực sự phải vừa là một người thầy, người cha, người bạn.

5- Thầy dạy võ cần có phẩm chất và đạo đức tốt đẹp

Một tiêu chuẩn khác còn quan trọng hơn, ông thầy dạy võ phải có phẩm chất và đạo đức cần thiết. Phẩm chất, đó là: Khiêm tốn, điềm tĩnh, đúng giờ, giờ nào việc đó; có hoài bão, có ước mơ; không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình, không mắc những thói hư tật xấu như đánh lộn, nhậu nhẹt, cờ bạc, trộm cắp, bê tha… Đạo đức, đó là: Trung thành với tổ quốc, hiếu để với cha mẹ, trách nhiệm với gia đình, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người… Ngoài ra, ông thầy võ cần có tâm hồn cao đẹp, cao thượng, bao dung… cùng với  cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đỉnh đạt… Ông thầy võ phải luôn luôn là tấm gương cho võ sinh noi theo.

6- Thầy dạy võ phải hết lòng vì võ sinh

Sau cùng, ông thầy võ phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Ai không biết cho thì không thể là ông thầy võ lý tưởng: cho kiến thức, cho lời khuyên, cho thời gian, cho công sức, cho tâm huyết, đôi khi cả cho tiền – đây là điểm khác biệt giữa dạy võ và các loại hình buôn bán khác. Buôn bán phải sòng phẳng, “tiền trao cháo múc”, còn dạy võ, đôi khi chẳng thu học phí, đặc biệt đối với những võ sinh nghèo.

Đó chỉ là sáu tiêu chuẩn căn bản. Không nhất thiết phải hội đủ cả sáu mới gọi là ông thầy võ. Trong thực tế, đôi khi chỉ cần bốn hoặc năm cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ba tiêu chuẩn sau cùng thì dứt khoát không thể không có. Đó là: phải có năng lực chuyên môn, phải có tư cách đạo đức, phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Nói gọn lại, thầy võ chí ít cũng phải có Tài, có Đức, và có Tâm.
Võ thuật, môn phái nào cũng có cái hay riêng. Nhưng học võ, khâu quan trọng nhất là chọn thầy. Gặp ông thầy “chuẩn”, việc tập võ mang lại hứng thú và lợi ích rõ ràng; gặp ông thầy không chuẩn, việc tập võ nhàm chán và chẳng có lợi ích gì, đôi khi còn tác dụng ngược lại.

Nguồn: Nghĩa Dũng Karate