Social Icons

Pages

Featured Posts

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

CLB Vovinam Nhà thiếu nhi tỉnh Hà nam tuyển sinh hè 2016.

    Nhằm  tạo ra sân chơi bổ ích lành mạnh cho học sinh,sinh viên đồng thời rèn luyện sức khỏe,khả năng tự vệ,kĩ năng chiến đầu,sự tự tin,năng động cho bản thân...

   CLB Vovinam nhà thiếu nhi tỉnh Hà nam thông báo:
Tuyển sinh lớp võ thuật Vovinam dành cho các bạn học sinh,sinh viên và các em nhỏ từ 5 tuổi trở lên có sở thích,đam mê rèn luyện võ thuật trên địa bàn TP Phủ lý và các huyện lân cận.

Thời gian: từ 18h đến 19h30 các ngày thứ 2,4,6 trong tuần.
Địa điểm: Sân nhà thiếu nhi tỉnh Hà nam.
Địa chỉ: Số 244A Đường Trường trinh- TP Phủ lý- Hà nam.
Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp:
HLV Trần Thanh Sơn. SĐT: 0976700668.
HLV Cù Duy Vũ. SĐT : 0967680669.
Xin Chân thành cảm ơn.!


1 số hình ảnh của CLB
1 buổi tập luyện của các bạn nhỏ.











Dù trời nắng nhưng các em đi tập rất đông đủ





HLV Trần Sơn cùng các võ sinh

HLV Duy Vũ











Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Trung Tâm Huấn Luyện Võ - Vật Cổ Truyền Lý Nhân - Hà Nam

Trung Tâm Huấn Luyện Võ - Vật Cổ Truyền Lý Nhân tỉnh Hà Nam được khai trương vào ngày 22/10/2015 do võ sư Nguyễn văn An làm chủ nhiệm.Với diện tích gần 300m2 Trung tâm có sức chứa đến 60 người có thể tham gia tập luyện.

     
Phía ngoài của trung tâm


   Trung tâm liên tục tuyển sinh lớp võ thuật Vovinam với các nội dung phù hợp với thể tạng vốn bé nhưng nhanh lẹ của người Việt Nam.Những bạn yêu thích đam mê võ thuật hãy tự tin đăng kí tham gia lớp tập để hoàn thiện bản thân.Với đội ngũ võ sư,hlv có kinh nghiệm chúng tôi sẽ đem lại cho các bạn rất nhiều lợi ích khi tham gia như:

- Rèn luyện sức khỏe.
- Tự vệ hữu hiệu cho bản thân.
- Giảm stress sau những giờ học tập và làm việc mệt mỏi.
- Khỏe mạnh vượt qua mọi thử thách.
- Năng động và tự tin hơn.
- Rèn luyện nhân cách đạo đức.
 - Nhiều cơ hội giao lưu học hỏi.

1 số hình ảnh của trung tâm
Các học sinh nhỏ tuổi của môn Vovinam





Phòng tập đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện












phòng trưng bày của trung tâm



1 buổi tập của các em.





Mọi chi tiết xin liên hệ trực tiếp:
HLV Nguyễn văn An vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hàng tuần
Thời gian từ 17h30' đến 19h00
Địa điểm: Trung tâm huấn luyện võ - vật cổ truyền lý nhân.
Địa chỉ: Đường trần nhân tông -  thị trấn vĩnh trụ - tỉnh Hà Nam
Hoặc qua số đt: 0987232669


Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Khán giả điêu đứng với những đòn chân “siêu đỉnh” của Vovinam

Đòn chân của Vovinam cuốn hút khán giả

Với những đòn chân đẹp mặt, màn trình diễn môn võ Vovinam để lại ấn tượng sâu đậm đối với không chỉ khán giả trong nước mà cả bạn bè quốc tế tại Liên hoan võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016.
Môn sinh Arnis “choảng” nhau trước Nhà hát lớn TP.HCM
Bài Kata – Bunkai đẳng cấp của Karate Việt Nam tại Liên hoan Võ thuật
Tham gia trình diễn giao lưu tại Liên hoan võ thuật sinh viên TP.HCM, một sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan võ thuật Quốc tế 2016, các bạn sinh viên trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM đã có màn biểu diễn ấn tượng với môn Vovinam.  Điều gây sức hút nhất có lẽ chính là những đòn chân trong môn võ này. Bạn khán giả Hoàng Hiểu Minh ( 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết: “Mình rất hay tìm hiểu về các môn võ, nhưng khi đến đây xem trực tiếp thì mình thực sự ấn tượng với môn võ Vovinam – Việt Võ Đạo, đặc biệt là các đòn chân, các bạn sinh viên trình diễn rất cuốn hút.”
Hệ thống đòn căn bản của Vovinam bao gồm các thế hóa giải (phản đòn) đòn tấn công của đối thủ, khóa gỡ, 21 đòn chân cơ bản (sau năm 1975 đổi tên thành 21 đòn chân tấn công) và các thế vật. Trong đòn chân cơ bản có các đòn móc chân, đạp 2 chân, đá 2 chân còn “quặp cổ” là các đòn khóa cổ và vật bằng chân cao cấp của Vovinam.

Cùng xem loạt ảnh ấn tượng của Vovinam tại Liên hoan võ thuật Quốc tế TP.HCM 2016:













Vovinam Hà Nam

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Tìm hiểu đầy đủ về côn nhị khúc ở Việt Nam và Bài Quyền Nhị Khúc Vovinam



I. Tìm hiểu đầy đủvề côn nhị khúc ở Việt Nam.

Côn nhị khúc, côn hai khúc hay lưỡng tiết côn, song tiết côn là loại vũ khí được rất nhiều môn sinh yêu mếm và luyện tập và sử dụng để tự vệ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đầy đủ về côn nhị khúc ở Việt Nam ta.

1. Lịch sử côn nhị khúc ở Việt Nam.

Vào khoảng tháng 8 năm 1985, môn sinh Lê Lý Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, sáng tạo và hệ thống hóa các kỹ thuật côn nhị khúc thành chương trình đào tạo hoàn chỉnh, theo 3 bậc chuyên môn: sơ cấp, trung cấp & nâng cao. Trong những cố gắng hoàn thiện trên, nổi bật nhất là sự sáng tạo 04 kỹ thuật lăn cơ bản đã góp phần đưa côn nhị khúc từ một binh khí thông thường trở thành một môn thể thao nghệ thuật.
Ngày 20 tháng 5 năm 2005, Bộ môn Côn nhị khúc của Trung tâm đào tạo Huấn luyện viên võ thuật Việt Nam (từ 12/9/2011 đã đổi tên thành Trung tâm đào tạo Huấn luyện viên thể thao Việt Nam), gọi tắt là Trung tâm MIC đã thông qua “Luật thi đấu côn nhị khúc” do thầy Lê Rích Tô - giáo viên côn nhị khúc của Trung tâm MIC nghiên cứu xây dựng. Điểm lưu ý của luật này là đã thể thao hóa côn nhị khúc với cả hai dạng thức thi đấu quyền thuật côn nhị khúc và đối kháng côn nhị khúc. Theo luật này, quyền thuật côn nhị khúc là loại hình thi đấu hoàn toàn sáng tạo - riêng biệt của mỗi thí sinh, không có các bài quyền mẫu như hệ thống thi đấu của các môn võ thuật khác.

2. Khái niệm.

– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí gọn nhẹ, dễ mang theo trong người một cách bán hợp pháp.
– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí rất nguy hiểm vì có thể gây sát thương và dẫn đến tử vong một cách bất ngờ và nhanh chóng mà không gây ra tiếng động lớn.
– Nhị khúc côn là 1 loại vũ khí giết người mà nạn nhân không bị đổ máu và không kịp kêu cứu.

3. Hình dáng và kích thước.

– Gồm 2 đoản côn hình trụ được nối với 1 dây xích. Có tổng chiều dài trung bình là 80 cm.
- Mỗi đoản côn có chiều dài được đo từ giữa lòng bàn tay đến mút cùi chỏ ( trung bình 32 cm ).
- Mặt cắt của đoản côn hình đa giác đều ( 7 cạnh )
- Đường kính của mặt cắt bằng 1 vòng tròn kép kính giữa đầu ngón tay cái và ngón trỏ ( khoảng 3 cm).- Đoản côn được làm bằng 1 loại gỗ cứng chắc và bền ( gỗ,căm xe, …) hoặc bằng kim loại ( nhôm, sắc, inox…)
- Đoạn dây xích nối 2 đầu côn có chiều dài trung bình từ 16 à 20cm tùy theo vòng bụng của người sử dụng.

4. Công dụng.

– Phòng thủ : Đỡ, chặn, bắt, khóa, xiết, trói… Tất cả các loại vũ khí khác ( Dao găm, Kiếm, Đao, Côn, Thương, Mã tấu)
- Tấn công : Phóng, Đập , Đánh, Bổ, Mỗ, Gõ, Tạt, Vớt, Quất, Đâm, Thọc, Quét…

5. Cách sử dụng.

– Nhị Khúc Côn được sử dụng 1 tay hoặc cùng lúc cả 2 tay và có thể chuyển đổi từ tay này qua tay kia
- Người sử dụng Nhị Khúc Côn có thề linh hoạt di chuyển bàn tay từ đầu côn đến cán côn tùy theo thế đánh đở và loại vũ khí mà đối phương tấn công mình (trung bình ngón cái nằm ở chính giữa côn kể từ 2 đầu).
- Các thế phòng thủ và tấn công phải kết hợp với bộ pháp (bao gồm : Thân pháp, Tấn pháp, Thủ pháp).
- Các đòn đánh ra phải được thu về theo đúng các định luật Vật Lý và Chuyển Động Học .
- Tấn công bằng đoản côn và phòng thủ bằng dây xích .
- Phải liên tục chuyển đổi thế thủ và chuyển côn từ tay này qua tay kia để đánh lạc hướng và làm cho đối phương không phán đoán được hướng tấn công.

6. Tính khoa học và hiện đại.

– Nhị khúc côn dựa trên các nguyên lý định luật và vật lý. Trong chuyển động học như : Lực, Phản lực, Lực ly tâm, Định luật quán tính, Sự cân bằng, Trọng tâm, Gia tốc, Chuyển động tròn, Chuyển động sin, Đòn bẩy…
- Nhị Khúc Côn là 1 loại vũ khí mới, mang tính cận đại, không có suất xứ đặc thù riêng của một quốc gia nào.
- Nó phù hợp với tất cả mọi người già trẻ Nam Nữ Âu Á …
- Nó được xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ 20 cùng với Tài Tử Lý Tiểu Long (Người Trung Hoa nhưng sống và sử dụng Nhị Khúc Côn ở Mỹ).
- Nó được khá nhiều người mang theo trong người để phòng thân dù ít ai biết cách sử dụng và khai thác triệt để.
- Đến nay các võ sư và HLV của các võ phái đều tự luyên riêng cho mình những thế đánh đỡ nhị khúc côn và truyền dạy cho môn sinh nhưng chưa có võ Phái nào hình thành và hệ thống hóa các đòn thế thành một bài bản đầy đủ mang tính thuyết phục đại bộ phận quần chúng.

II. Bài Quyền Nhị Khúc Vovinam. 

Côn nhị khúc, côn hai khúc hay lưỡng tiết côn, song tiết côn (âm romanji tiếng Nhật là nunchaku) là một dạng đoản côn có hai khúc được nối với nhau bởi một đoạn dây mềm. Sử dụng thịnh hành trong võ phái Karatedo Nhật Bản và hiện nay, do tính chất tiện lợi của nó, côn nhị khúc đã được nhiều môn sinh của các võ phái khác nhau ưa chuộng trong luyện tập và tự vệ.
Do trong quá trình tôi luyện tập Vovinam, võ sư cấm tập côn nhị khúc (chỉ ở chỗ tôi bị cấm), nhưng do đam mê với dòng vũ khí này nên tôi quyết định tìm hiểu và trời không phụ lòng người, tôi đã tìm được bài côn nhị khúc của vovinam, tài liệu khá hiếm, lại không có clip nên tôi xin chia sẻ tài liệu lý thuyết...tôi sẽ cố gắng hoàn thành bài này thành 1 clip hoàn chỉnh và chia sẻ với các bạn...mong các bạn ủng hộ :)
Côn nhị khúc là binh khí hài hòa cương – nhu, công thủ toàn diện. Bài Nhị Khúc Côn của Vovinam đã khai thác triệt để thế mạnh của loại binh khí này.
Sau đây là nội dung bài quyền được giới thiệu bởi võ sư Nguyễn Văn Hóa.
Nghiêm lễ, bái tổ thu quyền (Nhị khúc dắt bên hông trái)
1. Lui chân phải chảo mã, tay phải rút nhị khúc côn kéo cao lên trước trán, tay trái vòng chém đứng ra phía trước (mặt tiền).
2. Chân phải bước lên đồng thời tay phải phóng côn về phía trước, sau đó chuyển trọng tâm về chảo mã trái. Tay phải quay côn tròn bên phải ngược chiều kim đồng hồ.
3. Phóng chân phải tới trước, bổ côn từ trên xuống. Rút chân phải về chảo trái. Theo đà đưa côn về kẹp cứng ở nách phải.
4. Phóng chân phải tới trước, bổ côn từ trên xuống. Rút chân phải về chảo trái. Hất ngược côn ra sau, tay trái đón bắt côn dưới nách phải.
5. Chuyền đổi tay qua lại nhiều lần rồi về thế thủ căn bản.

Phản thế số 1 (có thể quay vài vòng trước khi bổ xuống).

– Xoay lại (mặt sau) bước chân phải lên chảo mã trái, quay số 8 xuống vài vòng.
– Phóng chân phải tới, đinh tấn phải. Đánh xéo từ trên xống 3 lần chuyển bộ về đinh trái. Tay trái đón bắt côn.
– Kéo chân phải, thủ chảo mã trái, lui chân phải ra sau, thủ chảo mã phải (cơ bản).

Phản thế số 2 (có thể quay côn bên phải vài lần trước khi tay trái đón bắt).

– Chuyền côn sau thắt lưng, chảo trái chuyền côn xéo sau lưng (mặt hữu) xoay lại chảo phải chuyền côn xéo sau lưng (mặt tả).
– Quay tròn côn trên đầu vài vòng theo chiều kim đồng hồ
– Quất ngang vào (lên chân phải). Hai chân xoắn lại xích tấn. Hai tay đan chéo trước ngực, côn vòng ra sau lưng, tay trái đón bắt.
– Chuyền côn sau thắt lưng, chảo trái chuyền côn dưới nách phải. Lui chảo phải chuyền côn dưới nách trái. Thủ cơ bản.

Phản thế số 3 (động tác xiết cổ dừng lại ở thế thủ chữ T bên phải)

– Xoay lại (mặt hữu) đổi tay thủ chữ T bên trái, thủ cơ bản
– Quay tròn côn trên đầu vài vòng theo chiều kim đồng hồ
– Bước dài chân phải tới trước, đinh tấn phải thấp. Quét tròn dưới chân. Hai chân xoắn lại, xích tấn thấp. Hai tay chéo trước bụng. Tay trái đón bắt.
– Chuyền côn sau thắt lưng,chuyền côn xéo sau lưng, chuyền côn nách phải lui chân phải thủ cơ bản.

Phản thế số 4 (động tác đánh xéo lên có thể quay số 8 lên vài vòng)

– Chuyền côn nách phải, quay ra trước (mặt tiền)
– Lên chân phải, bổ côn xuống, lót chân trái theo sau chân phải, hất ngược côn về vai phải, tay trái bắt dưới nách.
– Lên đinh tấn phải, thọc côn phải vào bụng.
– Rút phải về chảo mã trái quay số 8 lên vài vòng rồi bắt côn xéo sau lưng chuyền nách trái, chuyền nách phải. Lui chân phải về thủ cơ bản.

Phản thế số 5– Quay lại (mặt hậu) chảo mã trái, phóng côn kẹp nách lui chân phải, chảo mã phải, hất ngược côn xéo sau lưng, tay trái bắt.

- Lên đinh tấn phải đánh xéo xuống 2 lần (có thể quay số 8 xuống)
- Vòng côn sau thắt lưng, tay trái đón bắt
- Chuyền nách trái, chuyền nách phải. Thủ cơ bản.

Phản thế số 6 (động tác xiết cổ dừng lại ở trung bình tấn, giăng côn ngang trước ngực).

– Bước chân phải qua (mặt hửu) chảo mã trái, đan chéo côn chận trước gối phải.
– Lên đinh tấn phải, đỡ côn ngang trên đầu. Quay lại (mặt tả) hai tay thu côn ngang sau cổ. Chảo mã phải.
– Lên đinh phải quất côn vòng ngang đầu, chuyển bộ quất vòng ngược lại vào hông. Theo đà vòng ra sau thắt lưng, tay trái đón bắt.
34. Chuyền nách trái, chuyền nách phải, thủ cơ bản.

Phản thế số 7 (động tác xiết cổ dừng lại ở thế thủ chữ T bên trái).

– Xoay lại (mặt hữu), đổi tay thủ chữ T bên phải. Thủ cơ bản.
– Lên tam giác tấn trái, quét vào chân.
- Lên tam giác tấn phải, quét vào chân ngược lại. Vòng bắt côn sau thắt lưng.
39. Chuyền xéo sau lưng, chuyền xéo sau lưng, chuyền nách trái. Thủ cơ bản.

Phản thế Số 8

– Chuyền côn sau thắt lưng, chuyền côn nách phải, kẹp côn nách phải (mặt tiền).
– Phóng chân phải tới, bổ côn xuống, lòn chân trái theo sau chân phải. Bắt côn dưới nách phải, thọc côn dưới bụng
– Lên đinh phải, thọc côn xéo lên cao
– Rút phải về chảo trái, kẹp côn nách phải, bắt côn nách phải. Thủ cơ bản.

Phản thế số 9 (động tác khóa tay vắt số 3 dừng lại ở đinh tấn phải. Hai tay đan chéo trước bụng, côn giăng ngang).

– Bước chân trái chéo sau chân phải, lật 2 tay lại, thọc côn phải.
– Xoay lại (mặt hậu). Thủ treo côn sau vai phải. Chảo mã phải.
– Bước chân lên chảo mã trái phải, quất xéo lên 2 lần (có thể quay số 8 lên). Lên phải đinh tấn, vòng côn qua đầu phạt ngang vào. Tay trái đón bắt.
– Lui chân phải, chảo phải, thủ cơ bản

Phản thế số 10

– Chuyền côn về nách phải lùi chân phải, chuyền côn về nách trái. Xoay qua (mặt tả) chuyền côn xéo sau lưng
– Lên đinh tấn phải, đánh xéo xuống 2 lần (quay số số 8 xuống). Lên chân trái sau chân phải, hất ngược côn bắt dưới nách
– Lên đinh tấn phải, thọc côn vào bụng.
– Lui chân phải về sau. Thủ cơ bản.

Phản thế số 11 (khóa tay vắt số 6 dừng lại trung bình tấn, côn trái thẳng đứng trước ngực, côn phải vuông góc với côn trái)

– Rút chân phải về chảo mã trái. Vòng tay thủ chữ trái bên phải (mặt tả)
– Xoay chéo chân (mặt hữu), căng côn ngang trên đầu (quay tròn)
– Lên đinh phải, quất vòng ngang vào cổ, chuyển tam giác tấn phải, quét ngang cổ chân. Chuyển đinh tấn phải, móc ngược từ dưới lên. Bắt dưới nách.
– Lui chân phải về thủ cơ bản

Phản thế số 12 (động tác trói binh khí là đập côn xuống đất)

– Động tác quật ngược phóng binh khí là quay cổ tay rồi quất ngang về phía đối phương. Quay lại (mặt tả) qụy tấn phải đập côn xuống đất. Đứng lên, giật ngược thu 2 côn về một tay, giắt trở lại vào hông trái.
Quay về (mặt tiền) bái tổ. Nghiêm lễ.

Võ sư Nguyễn Văn Hóa

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN - CUỘC ĐỜI, HÀNH TRẠNG VÀ NƠI THỜ PHỤNG


Nữ tướng Lê Chân (Hồng Sơn - Thanh Sơn - Kim Bảng - Hà Nam)
Nữ tướng Lê Chân - cuộc đời, hành trạng và nơi thờ phụng
Trong lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn song hành cùng nam giới, làm nên những chiến công bất hủ. Năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, phụ nữ đóng vai trò then chốt cả về chỉ huy và chiến đấu. Bà Lê Chân là vị nữ tướng xuất sắc, công lao, chiến tích của bà lưu dấu ấn sâu đậm ở nhiều địa phương.
Từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội...

Theo thần tích, truyền thuyết và các tư liệu khác về bà Lê Chân vào những năm đầu công nguyên nước ta bị nhà Đông Hán (Trung Quốc) thống trị. Ở làng An Biên (tên nôm làng Vẻn) huyện Đông Triều, xứ Đông (nay thuộc xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) có ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc, tính nhân từ, hay giúp đỡ người nghèo khó. Vợ ông là Trần Thị Châu cũng là người thuần hậu. Hiềm nỗi, ông bà tuổi đã cao mà chưa có con. Nghe tiếng ngôi chùa ở núi Yên Tử trong huyện rất linh ứng, ông bà tìm đến cầu tự. Quả nhiên, bà Châu có mang, ngày mồng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (20) bà sinh con gái khôi ngô, bụ bẫm. Ông, bà đặt tên con là Chân. Năm Lê Chân 18 tuổi, sắc đẹp và đức hạnh của nàng nổi tiếng khắp vùng.
Thái thú Tô Định, một kẻ tham tàn, bạo ngược "thấy tiền thì giương mắt lên" đi kinh lý qua Đông Triều. Nghe kẻ nịnh thần tâu bày về sắc đẹp của nàng Lê Chân, Tô Định bèn dùng quyền thế ép nàng làm tì thiếp. Lê Chân dứt khoát chối từ. Tức tối, Tô Định hãm hại cả bố, mẹ nàng. Căm giận quân cướp nước, Lê Chân nung nấu căm thù, quyết trả thù nhà, nợ nước. Nàng tìm thày học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng. Khi võ nghệ đã tinh thông, nàng cùng bạn bè tâm phúc sang đất An Dương (Hải Phòng), lúc ấy là một vùng đất bãi phù sa mới bồi. Nàng chiêu dân tứ xứ khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm sanh vũ khí, tích trữ lương thảo sẵn sàng khởi nghĩa.
Nghe tin ở xứ Đoài, Hai Bà Trưng cũng đang mưu nghiệp lớn, Lê Chân chẳng ngại đường sá cách trở tìm đến đất Mê Linh. Bà Trưng Trắc phong Lê Chân làm tướng được cùng bàn luận kế sách khởi nghĩa rồi phái nàng trở lại quê nhà, chiêu tập thêm binh sĩ, chuẩn bị sẵn lương thảo, chờ thời cơ hành động.
Tháng 3 năm Canh Tý (40) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống bè lũ thống trị Đông Hán. Hưởng ứng lời hịch của Hai Bà, thủ lĩnh và nhân dân khắp 4 quận Giao Chỉ (Bắc bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung bộ), Hợp Phố (Quảng Tây, Quảng Đông Trung Quốc) đã nhất tề nổi dậy, hợp sức với đạo quân chủ lực của Hai Bà, tấn công địch ở khắp nơi. Đạo quân của Lê Chân từ mạn biển xứ Đông đánh thốc lên Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) lỵ sở quận Giao Chỉ, nơi có bộ máy thống trị của bè lũ Tô Định, phối hợp với quân của Hai Bà Trưng và các thủ lĩnh nghĩa quân khác, giải phóng quận thành. Tô Định vội vã tháo chạy về đất Nam Hải (Trung Quốc) xin quân cứu viện.
Với khí thế tiến công như vũ bão, chỉ trong 2 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì, đập tan ách thống trị của nhà Đông Hán. Đất nước sạch bóng quân thù, bà Trưng Trắc được tướng sĩ, nghĩa quân tôn làm vua (Trưng Vương). Trưng Vương xét công lao ban thưởng tướng sĩ. Lê Chân khi ấy 24 tuổi, được phong là Thánh Chân công chúa,
Nữ tướng Lê Chân đem quân trở về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp lập ra trang An Biên (lấy tên quê gốc). Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc ven sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt. Chỉ trong thời gian ngắn, trang An Biên dân cư đã đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều nhà dân giàu có. Bà Lê Chân thường xuyên cho luyện tập trận thế, mở những lớp  đấu vật, đài thi võ để nâng cao sức khỏe, khả năng chiến đấu của binh sĩ, dân chúng.
Trong thời gian bà Trưng Trắc làm vua, nhà Đông Hán phải lo đối phó với biến loạn lớn trong nước, nên không thể phát quân xâm lược nước Âu Lạc. Song triều đình Hán đã sửa soạn kỹ cho cuộc đàn áp. Mùa hạ, tháng 4 năm Kiến Vũ thứ 18 (42), vua Quang Vũ phong lão tướng 58 tuổi Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân thống suất quân sĩ sang xâm lược nước ta. Mã Viện xảo quyệt, mưu mô, có tài chinh chiến, dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Lực lượng quân sự Đông Hán huy động ở mấy quân phía Nam Trung Quốc binh lính thiện chiến quen với thung thổ, khí hậu nhiệt đới, gồm 2 vạn quân chủ lực, 2000 thuyền, xe lớn, ngoài ra còn quân chèo thuyền, dân phu tải lương, phục dịch.
Mã Viện chỉ huy cả hai đạo quân, chia hai đường thủy bộ, vừa dùng thuyền vượt biển, vừa đi đường ven chân núi phát cây mở đường hơn nghìn dặm; hai cánh quân thủy, bộ không cách xa nhau lắm để còn liên hệ phối hợp với nhau. Từ vùng ven biển vịnh Bái Tử Long, Hạ Long, hai đạo quân thủy, bộ Đông Hán tiến đến cửa sông Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng) để vào nội địa nước ta.
Đội quân thường trực phòng thủ ven biển Đông Bắc do Chưởng quản binh quyền Lê Chân chỉ huy đã ra quân kịp thời chặn đánh quyết liệt đoàn thuyền binh đông đảo của giặc ngay từ cửa sông Bạch Đằng. Theo lệnh của Trưng Vương trên bộ nữ tướng Thánh Thiện đem quân lên đánh giặc ở biên giới; nữ tướng Bát Nàn chặn cánh quân trên bộ của Mã Viện ở cửa biển, phối hợp với nữ tướng Lê Chân.
Suốt dọc sông Bạch Đằng, Đá Bạc, dưới nước và trên bờ hai đạo quân, đa số là phụ nữ chiến đấu quyết liệt. Lê Chân cho dựng chướng ngại vật trên sông, dùng những chiếc thuyền chiến nhỏ, nhẹ, dễ cơ động tập kích vào mạn sườn đoàn thuyền to lớn, nặng nề của giặc, làm chúng tổn thất không ít. Song do quá chênh lệch về lực lượng, trang bị, vũ khí so với địch, nên hai nữ tướng phải lui quân.
Đội thuyền binh của Lê Chân nhỏ nhẹ, ngược sông Bạch Đằng tiến rất nhanh, còn binh thuyền của Mã Viện to lớn, nặng nề nên đuổi theo rất chậm. Chẳng mấy chốc quân ta đã bỏ xa quân địch. Theo đường sông Bạch Đằng - Kinh Thầy - sông Đuống, thủy quân của Lê Chân tập kết về vùng hồ Tây, Hoàng Mai bên bờ hữu sông Hồng. Trong thời gian ngắn trú quân ở đây, nữ tướng Lê Chân gấp rút củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, đóng thêm thuyền chiến. Bà cho binh sĩ luyện tập võ nghệ, mở lò đấu vật. Mọi việc đã xong, nữ tướng Lê Chân gấp rút hành quân về bảo vệ kinh đô Mê Linh.
Chờ đợi không thấy quân Mã Viện tấn công, Hai Bà Trưng đã chủ động tiến quân từ Mê Linh, qua Cổ Loa (Tây Vu), xuống Lãng Bạc đánh quân xâm lược đang đóng tại đây. Quân ta chiến đấu ngoan cường, đội quân tiên phong do nữ tướng Lê Chân chỉ huy tả xung, hữu đột. Bị cầm chân nhiều ngày, quân tướng địch đã có phần nao núng. Nhưng kẻ địch còn rất mạnh, quân đông, thủy bộ phối hợp lại thạo đánh tập trung do tên lão tướng Mã Viện quỉ quyệt chỉ huy, nên dần xoay chuyển tình thế. Quân Hai Bà Trưng trang bị thiếu, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, chưa quen đánh kiểu trận địa nên bị thiệt hại nặng, Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân và một số tướng lĩnh phải chuyển sang hữu ngạn sông Hồng, rồi lùi về căn cứ Cấm Khê (Kim Khê) - thung lũng suối Vàng ở chân dãy núi Ba Vì (Hà Nội). Đây là vùng núi rừng hiểm trở, ba mặt có sông lớn (sông Đà, sông Hồng, sông Đáy) ở thế thiên hiểm, tốt cho việc phòng ngự.
Quân thù kéo tới vây hãm, mở nhiều đợt tấn công. Quân ta kháng cự quyết liệt nhưng dần vào thế bất lợi. Mở đường máu Hai Bà Trưng và các nữ tướng Lê Chân, nàng Tía, lão tướng Đô Dương đem lực lượng còn lại rút theo hai đường thủy, bộ. Đường thủy theo sông Tích ra sông Đáy. Để bảo toàn khí tiết, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông tự tận. Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng. Đạo quân của Đô Dương, nàng Tía rút theo đường thượng đạo đi len lỏi dưới chân dãy núi đá vôi 99 ngọn từ Ba Vì, Hòa Bình vào đất hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm (gọi là dãy Nam Công) rồi qua Ninh Bình vào Cửu Chân (Thanh Hóa).
Đến căn cứ Lạt Sơn
Chụp tổng thể khuôn viên đền chính
Sông Đáy - chi lưu bên hữu ngạn sông Hồng, bắt nguồn ở xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội) chảy qua vùng đồng bằng vào đất Hà Nam thì gặp núi ở thôn Vĩnh Sơn (xã Tân Sơn - Kim Bảng) ở cả hai bờ. Sông tiếp tục uốn khúc qua hai xã Khả Phong, Thi Sơn với những khối núi, quả núi độc lập nằm bên hữu ngạn, đến địa phận xã Liên Sơn, Thanh Sơn núi kết thành dải, trùng điệp, cây mọc thành rừng. Từ địa phận thôn Đồng Sơn hiện nay (xã Liên Sơn) cũng bên hữu ngạn sông Đáy, sông Ngân nhận nước sông mẹ, chảy ngoằn ngoèo ven dãy núi qua các thôn Bút Sơn, Lạt Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng), Tân Lâm, Nam Sơn (thị trấn Kiện Khê) rồi đổ nước vào sông Đáy ở địa phận thôn Đò (xã Thanh Thủy) huyện Thanh Liêm.
Cổng đền thờ

Nữ tướng Lê Chân đã chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán, để một bộ phận nghĩa quân của nàng Tía, lão tướng Đô Dương tiếp tục rút về Cửu Chân (Thanh Hóa) vì tuyến đường thượng đạo từ Ba Vì cũng qua đây. Căn cứ Lạt Sơn lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2.000 năm vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận đánh cuối cùng của bà Lê Chân.
Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh(1). Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể, thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi phía Nam thung Bể là nơi đặt tổng hành dinh. Phía Tây thung Dâu là núi Thượi cao khoảng 225 m đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân, có lẽ là địa điểm tập hợp kiểm đếm số lượng binh sĩ. Sau thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì nơi trú đóng của hai đội quân. Đồi Ông Tượng, điểm cuối căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Cách vị trí đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3 km là thung Trống, nhân dân địa phương giải thích là nơi có lầu trống dùng để đánh cầm canh và hiệu lệnh chiến đấu. Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dớn, non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng mấy chục mẫu cần xác minh thêm về ý nghĩa.
Cùng với xây dựng căn cứ, nữ tướng Lê Chân gấp rút chiêu mộ thêm binh sĩ chủ yếu là người Lạt Sơn và các vùng lân cận, lập nhiều cơ đội. Đạo quân của Đô Dương đã bổ sung một bộ phận binh sĩ, trong đó có nhiều người họ Dương cho căn cứ Lạt Sơn(2).
Căn cứ còn chưa vững chắc, Mã Viện đã đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, hơn nữa lão tướng Đô Dương, nàng Tía đã rút lui an toàn, Bà cho binh sĩ bí mật rút khỏi căn cứ để mưu kháng chiến lâu dài, còn Bà và số ít tướng lĩnh, một bộ phận quân sĩ ở lại tử thủ. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở Đồng Loạn, nữ tướng Lê Chân cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc, (núi này cách đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3 km về phía Tây). Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quí Mão (43). Mấy tướng tâm phúc đã mai táng Bà ở một hang động trong căn cứ(3).
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng in đậm dấu son trong sử sách, trong ký ức dân gian qua nhiều thế hệ. Các nữ tướng, nam thần của cuộc khởi nghĩa đều có đền thờ, được nhân dân đời đời khói hương tưởng kính. Nữ tướng, Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền Lê Chân được nhiều địa phương thờ phụng. Đó là: Đền An Biên (xã Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh) quê hương nữ tướng; đền Nghè (An Biên cổ miếu), đình An Biên (phường An Biên), đình Vẻn ngoài (phường Trại Cau) quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là nơi Bà khai hoang, lập nên trang ấp, xây dựng lực lượng và chặn đánh cuộc xâm lược của Mã Viện; đình Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nơi bà lập sới vật để rèn luyện quân sĩ. Đặc biệt tại căn cứ Lạt Sơn xưa, từ bao đời nay nhân dân địa phương, khách thập phương xa gần tụ về chiêm bái, đông nhất vào kỳ lễ hội, ngôi đền thờ Bà Lê Chân, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng dành trọn cuộc đời mình vì nghĩa lớn. Cũng nơi đây trên vách đá thung Bể còn lưu lại ba tấm bia niên đại năm 1671, 1672 triều vua Lê Gia Tông thời Hậu Lê, nói đến việc xây chùa Thánh Chân, khởi nguồn là Tiên động Thánh Chân, một bia có khắc hình con hổ, gợi liên tưởng đến sự dũng mãnh như hổ của nữ tướng Lê Chân, điệp thêm sự tôn kính, nâng Bà lên hàng Thánh Mẫu, Phật Mẫu.
Không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam mà cả nước đều tôn vinh, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân, bởi vì bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương chói lọi vì nước, vì dân./.
 Chú thích:
(1) Bia ma nhai trên vách đá ở thung Bể (Lạt Sơn) có khắc hình con voi thêm một căn cứ về sự có mặt của đội tướng binh.
(2) Đô Dương quê làng Dương Xá (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Ông là đô vật nổi tiếng. Đô Dương có nghĩa sau: Đô vừa là đô vật vừa chỉ chức quan võ chỉ huy một đạo quân, Dương là họ, không phải tên. Bia ma nhai ở thung Bể (Lạt Sơn) khắc tên nhiều người họ Dương công đức xây chùa Thánh Chân, gợi liên tưởng về sự tham gia của người họ Dương ở căn cứ Lạt Sơn. Tộc phả họ Dương ở Lạt Sơn cho biết tổ tiên vốn người Cửu Chân (xã Gia Miêu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
(3) Bia Lạt Sơn, niên đại 1671 nói đến Tiên động Thánh Chân, phải chăng bà được mai táng tại đây nên mang tên này.
Mai Khánh


LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LIỄU ĐÔI

“Nghìn năm vật võ đua tài; Vạn năm sông rộng núi dài tổ tiên”
Hội vật Liễu Đôi được tổ chức ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ở các lễ hội khác, vật võ chỉ là trò vui thể thao thì trong lễ hội Liễu Ðôi này, vật võ lại là nội dung chính của ngày hội.
Liễu Đôi là một mảnh đất giàu truyền thống thượng võ. Ở đây có hội vật nổi tiếng, thu hút các đồ vật gần xa đến tham dự đua tài. Người dân Liễu Đôi lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của hội vật và cả những truyền thuyết liên quan đến vật võ và hội vật võ mà di tích còn in dấu đậm đặc trên mảnh đất này.
Lễ hội bắt đầu từ sáng mồng 5 và kết thúc vào mồng 7 Tết



Một số hình ảnh diễn ra trong Hội Vật Liễu Đôi
Truyền thuyết Liễu Đôi kể rằng ở đây có một chàng trai họ Đoàn có sức mạnh phi thường lại giỏi võ, một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở Nương Cửi, tự nhiên có một ánh sáng xanh chói lòa phát ra, dân làng vô cùng hoảng sợ, chỉ có chàng trai họ Đoàn nọ dám đi tới và nhận thấy ánh sáng ấy phát ra từ một thanh gươm đặt trên một tấm khăn đào. Chàng trái bái tạ thần linh, tay cầm gươm, lưng thắt chiếc khăn đào, múa gươm cho dân làng xem. Khi có giặc phương Bắc kéo tới, chàng trai mang gươm ra trận. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi đến viếng mộ chàng nhưng quá đau thương nên đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước. Dân Liễu Đôi thương nhớ, lập đền Ông thờ chàng, gọi là Thánh Ông, lập đền Bà thờ nữ tướng, gọi là đền Tiên Bà. Hàng năm làng mở hội vật để tưởng niệm, gọi là hội Thánh Tiên (gọi tắt hai chữ Thánh Ông–Tiên Bà), đó là hội Vật võ Liễu Đôi.
Hai đô vật so tài trận mở màn lễ hội vật Liễu Đô  Ảnh: Nguyệt Anh
Hàng năm, vào ngày 05 tháng Giêng âm lịch cho đến hết ngày mồng 10 tháng Giêng lại diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống Liễu Đôi, trong không khí chuẩn bị Tết nguyên đán, dân Liễu Đôi làm mọi công việc cần thiết để phục vụ cho Lễ hội. Trong Lễ hội này sôi động nhất là phần tổ chức vật võ (gọi tắt là Hội Vật võ Liễu Đôi) đây là một tục lệ tiêu biểu cho văn minh, văn hóa Liễu Đôi. Đoạn đường từ đền Ông đến xới vật (tức Nương Cửi) được dọn quang. Trường diễn hay gọi là dóng vật được chọn đặt trên mảnh đất truyền thống, đó là Nương Cửi, nơi chàng trai họ Đoàn được gươm thần thuở trước. Tham dự hội là dân làng Liễu Đôi và các làng có truyền thống vật võ gần xa. Hội vật võ Liễu Đôi cho phép phụ nữ được tham gia, chị em cũng được ra đóng với đao, côn, kiếm, quyền… không thua kém con trai. 


Nghi thức tiến hành Lễ hội Văn hóa truyền thống Liễu Đôi được diễn ra như sau: Đầu tiên là Lễ rước Thánh vào dóng, Dóng tức là nơi tổ chức vật, rước thánh vào dóng tức rước kiệu Thánh Ông từ đền vào dóng vật. Lễ vật dâng thánh là lễ chay, gồm mấy phẩm oản, vài bẹ chuối, một nậm trà (thay cho rượu). Một cụ già tay cầm gương đi giật lùi dẫn đầu cuộc rước, khi kiệu Thánh vào dóng thì làm lễ tế. Sau lễ tế Thánh là Lễ phát hoả. Người ta đốt lên một ngọn lửa lớn để tưởng nhớ lại ngọn lửa xanh thần diệu bốc lên từ thanh gươm phát hỏa mà trời ban cho đất Liễu Đôi ở cánh Nương Cửi. Tiếp đó là Lễ trao gươm và thắt khăn đào tưởng nhớ việc chàng trai họ Đoàn nhận thanh gươm thần và tấm khăn đào. Ông Trùm là một người cao tuổi có uy tín được cử cầm trống cái cho hội trao chiếc gươm trên kiệu thánh và thắt khăn đào cho một đô vật danh dự được cử ra ngồi dưới cây dải trước rạp. Sau đó là Lễ múa cờ tụ nghĩa, điệu múa này còn có tên là "thiên nhân kỳ trận". Điệu múa này có hai hoặc bốn người tham gia, mỗi người một lá cờ đỏ hình vuông, tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa đóng theo hiệu trống mà múa. Theo tiếp là Lễ thanh động. Lễ này bắt đầu bằng tiếng trống cái ở dóng nổi lên liên hồi cùng với tiếng pháo nổ ran, tiếng chuông, cồng, mõ, thanh la tại khu vật võ và tất cả các đền chùa trong vùng đều nhất tề hưởng ứng hoà với tiếng reo hò cổ vũ sôi nổi.


Sau những nghi thức trên thì đến cuộc vật võ. Hội vật võ có nhiều nghi thức bắt buộc. Đầu tiên là nghi thức gọi là “năm keo trai rốt”. Trai rốt là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua. Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt ra vật năm keo trình làng, lễ thánh. Tất nhiên trai rốt hãy còn bé chưa vật được nên bố phải ra vật thay. Lệ quy định, hai ông bố chỉ vật biểu diễn, không được vật thật để đối phương ngã, bởi vì hai ông bố ra vật với mục đích trình làng, trình Thánh chứng giám để hai đứa trẻ tương lai sẽ trở thành hai đồ vật võ. Vì vậy nếu để bị ngã thì làng sẽ bắt phạt cả hai. Có khi bố đi vắng thì ông ra vật thay, không được bỏ cuộc. Với lệ này, người dân Liễu Đôi muốn nhắn nhủ con cháu là sinh ra làm anh con trai thì trước hết phải là trai vật võ. Tiếp theo là nghi thức “đô xã làm nền”, có nghĩa là đô Liễu Đôi vào dóng trước, giao đấu trước để gây không khí, khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương. Khi đô vật bốn phương đã hăng say rồi thì đô vật Liễu Đôi rút ra, nhường dóng cho khách, chỉ đứng ngoài cổ vũ động viên là chính. Vào giải, ai thắng được 5 keo liền thì được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô trong vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Như vậy, cả người thua cũng có giải. Phần thưởng trao giải là tiền hảo tâm của thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải, nếu còn chút ít thì cho người nghèo ngay tại chỗ, tuyệt không được chi dùng vào việc khác. Vào dóng, đô vật chỉ được đóng khố, không được mặc quần áo. Các đô vật có tục kiêng cởi áo và xỏ áo tay phải trước, vì tay phải là tay cầm giáo, cầm gươm, tay lợi thế trong đấu vật. Cần cởi áo hoặc xỏ áo, họ dùng tay trái trước, vì thế, tay trái còn gọi là tay áo. Trong dóng, những miếng hiểm độc làm hại đối phương bị cấm ngặt. Ai phạm luật bị xử rất nghiêm khắc. Người phạm luật bị phạt đứng giữa đóng cho một đô vật khoẻ hơn bê vứt ra khỏi dóng và năm đời con cháu không được tham gia vật võ. Liên quan đến hội vật võ Liễu Đôi còn có hội thi món ăn đặc sản trước hôm mở hội, món ăn nào được làng trao giải mới được đem bán phục vụ khách thập phương trong những ngày hội.

Giải thưởng cho chức vô địch là 150.000 đồng
Tinh thần thượng võ của người dân Liễu Đôi còn được thể hiện ở “lễ trầm tự”,được tiến hành vào đêm 30 tết tại chùa Ba Chạ. Trầm tự có nghĩa là chém chữ. Tương truyền có một vị tướng đời nhà Trần khi về đây thao binh luyện tướng đến khi ra quân đã trao lại cho 5 làng của xã Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là “Võ trận”. Người dân Liễu Đôi truyền đời phải học thuộc cuốn binh thư đó. Đêm ba mươi tết, các tộc trưởng đeo gươm vào đền thờ Thánh trước mặt là băng giấy ghi chữ đầu trang của tập “Võ trận”. Đúng giao thừa, đèn nến vụt tắt, mỗi tộc trưởng vung gươm chém một nhát lên băng giấy trước mặt. Chém được đoạn giấy nào thì nhận lấy đoạn giấy ấy. Xong lễ, đèn nến sáng trở lại, từng họ xem các chữ đầu của băng giấy biết được họ mình năm đó phải học thuộc đoạn nào trong sách. Nhiều năm như thế, các dòng họ có thể thuộc lòng quyển binh thư. Đến thời Pháp thuộc, việc dùng gươm chém băng giấy đã được thay bằng việc rút thẻ. Ngày nay, cuốn “Võ trận” không còn nên lễ trầm tự cũng không còn nhưng ký ức về tục lệ đó đã chứng tỏ tinh thần thượng võ sâu đậm của người dân Liễu Đôi.
Thanh Sơn

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu nhận báu kiếm núi Nưa



Tối 6/10, ông Lê Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá đã trao thanh Kiếm lệnh núi Nưa cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh Chưởng quản Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo/Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam.


Ông Lê Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá
đã trao thanh Kiếm lệnh núi Nưa cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu
Đây là phiên bản của thanh được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1961 ở căn cứ khởi nghĩa của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) tại chân núi Nưa, xã Tân Ninh, H.Triệu Sơn (Thanh Hóa). Thanh kiếm báu núi Nưa được dân gian liên tưởng đây là thanh Kiếm lệnh của Bà Triệu trong cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phương Bắc. Với thanh kiếm lệnh này, Bà Triệu uy mãnh xuất trận trên bành voi, khiến lũ giặc Ngô phải kinh hồn bạt vía. Kiếm núi Nưa được chế tác bằng đồng, có lưỡi dài 46,5 cm, rộng 5 cm, chuôi kiếm dài 18 cm, nặng 620 gr, được chế tác theo hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu với thanh kiếm do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trao tặng
Theo sử sách, vùng núi Nưa xưa kia vốn là nơi Bà Triệu cùng với người anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng đã dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phương bắc. Tại đây vào năm 248, Bà Triệu đã tập hợp nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn. Dù cuộc khởi nghĩa đã thất bại sau đó và Bà Triệu phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa ngày nay), nhưng hình ảnh người phụ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.



Cho tới nay, đã có rất nhiều người theo đuổi võ Vovinam, một phần đó là nhờ công sức của VS Chiếu, người đã dành hơn bốn thập kỷ để bồi dưỡng phát triển truyền bá tinh hoa võ Việt. Trong đó có sự phát triển lớn mạnh của vovinam Thanh Hóa (chủ nhà giải vô địch vovinam toàn quốc lần thứ 23). Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quyết định gởi tặng cho vị võ sư này thanh kiếm báu núi Nưa với ý nghĩa mong muốn võ sư Nguyễn Văn Chiếu sẽ tiếp tục đưa môn võ Vovinam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, với thanh Kiếm lệnh của Bà Triệu trên tay giúp ông cùng Vovinam chiến thắng mọi khó khăn và chiếm lấy trái tim của mọi người yêu võ thuật trên thế giới.

Giang Thanh