1. Tiểu sử cố võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc.
Dáng người dong dỏng cao, oai dũng. Mắt sáng, trán rộng, cằm nở. Nét mặt trầm mặc, cương nghị. Lối nhìn thẳng, sắc và sâu thẳm. Tiếng nói uy nghiêm, hòa ấm, thân mật. Nụ cười cởi mở, khoan dung, độ lượng. Đó là hình ảnh của Cố Võ Sư Nguyễn Lộc, vị Sáng Tổ Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.
SÁNG TỔ VOVINAM VIỆT VÕ ĐẠO
![]() |
Cố Võ Sư : Nguyễn Lộc (1912 - 1960) |
Ông lớn lên trong thảm cảnh mất nước, giữa lúc các phong trào cách mạng và phóng đảng đang phát triển trên đất nước. Ông phê phán và lên án gắt gao dã tâm của bọn thực dân, và Ông quan niệm muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một tinh thần dân tộc, một ý thức học tập tu dưỡng, một ý chí quật cường, một nghị lực quả cảm, song song với một thân thể khỏe mạnh, vững chắc, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ hữu hiệu.
Mang hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau rồi học vấn và đạo đức, Ông còn nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, luyện tập nhiều môn võ thuật khác nhau. Ông nhận thấy môn võ nào cũng có những ưu điểm, đặc điểm riêng, song với thể tạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt, nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi thì khó đạt được kết quả như ý. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại.
Với luận cứ đó, ông Nguyễn Lộc đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn Võ và Vật cổ truyền Việt Nam đến việc
phối hợp, thái dụng các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo thành một môn phái riêng, đặt tên là Vovinam. Năm 1938, cuộc nghiên cứu hoàn tất. Ông đem Vovinam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi để thể nghiệm môn võ mới do mình sáng tạo.
Hơn một năm sau, mùa thu 1939, Ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Hội Thân Hữu Thể Dục mời ông cộng tác, tổ chức những lớp võ cho thanh niên Hà Nội. Lớp đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường sư phạm Hà Nội.
Năm 1945, Ông Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh là con của cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ. Sau 15 năm chung sống, ông bà Nguyễn Lộc có được 9 người con (3 trai và 6 gái).
Năm 1954, Ông cùng một số môn đệ tâm huyết di cư vào Nam và mở trường dạy Vovinam tại đường Thủ Khoa Huân Sài Gòn và một số nơi khác.
Ông Nguyễn Lộc mất ngày mùng 4 tháng 4 năm Canh Tý (29 / 04 / 1960) tại Sài Gòn, sau khi ủy thác quyền lãnh đạo môn phái cho người môn đồ tâm huyết là Võ sư Lê Sáng, Chưởng môn Vovinam. Hiện nay di cốt của Cố Võ Sư Sáng Tổ được bảo quản tại Tổ đường Môn phái số 31 đường Sư Vạn Hạnh, Phường 3, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh để góp phần xây dựng môn võ đạo dân tộc Việt Nam, Ông đã để lại một sự nghiệp võ học lớn lao cho các môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo sau này. Hàng năm, những môn đồ kế nghiệp từ bốn phương trời hướng về ngày giỗ Ông – bậc Thầy của một môn phái võ đạo dân tộc - đốt nén hương tưởng niệm, đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái, cùng cúi đầu, thầm nhắc nhở : không ngừng rèn luyện thân thể, gắng công luyện tập võ thuật và trau rồi tinh thần võ đạo để phát triển Môn Phái ngày càng vững mạnh, trường tồn góp phần vinh danh dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhân lọai.
2. Sơ nét về gia đình và phong thái của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc.
Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 anh em (Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Dần, Nguyễn Ngọ, và Nguyễn Thị Bích Hà ). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ðình Xuyến, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa. Gia tộc cụ ông từng sinh sống làm ăn lâu đời tại làng Hữu Bằng. Một thời gian sau, vì sinh kế và muốn tiếp xúc với đời sống văn minh thành thị, cụ chuyển gia đình về Hà Nội và ngụ trong một ngôi nhà ở đường Harmand Rousseau (phía sau chợ Hôm). Khi người con trai đầu lòng cắp sách đến trường, cụ ông đã về làng đón một vị lão võ sư lên Hà Nội khai tâm cho con mình những thế võ và vật dân tộc để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.
Do óc thông minh, có năng khiếu võ thuật và nhờ sự khuyến khích của thân phụ ông đã nỗ lực luyện rèn, rồi sưu tầm, nghiên cứu nhiều môn võ. Ngày đêm ông thường bầu bạn với nhiều loại sách báo khác nhau, từ Triết học, Văn học, Sử học....đến cả Y học, Cơ thể học. Tất cả những ý tưởng quan trọng về võ học và những vấn đề liên quan đều được ông ký chú, phân loại cụ thể. Ngoài ra, ông còn đến tham quan các võ đường, dự khán những trận tỉ thí võ đài, mạn đàm cùng một số võ sư thời danh để tìm hiểu thêm về mọi môn võ thuật. Qua đó, ông đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu: Môn võ nào cũng có ưu điểm, nhưng có môn quá thiên về cương hoặc lại thuần nhu... trong khi sử dụng võ thuật, muốn đạt được mức tinh diệu phải phối hợp giữa cương và nhu, linh động biến hóa tùy theo thể tạng mỗi người, mỗi địa phương. Do đó, thông qua những bài bản xưa, những kỹ thuật nghiêng về hoa mỹ nhưng kém hiệu quả, ông đã đào sâu và tìm ra phương pháp huấn luyện mới đáp ứng được tính khoa học hiện đại, thực tiễn, phù hợp với nếp suy tưởng và sinh hoạt văn hoá thời đại mà vẫn giữ được tính dân tộc.
“Cương Nhu Phối Triển” là tính lý võ học ông đã vận dụng làm nền móng căn bản cho mỗi đòn thế của VOVINAM, cũng như “CÁCH MẠNG TÂM THÂN ” là định hướng tinh thần cho mỗi môn sinh trên đường tu dưỡng, rèn luyện. Ðường hướng sinh hoạt của VOVINAM đã có từ thời Sáng Tổ, tôn trọng trât tự, kỉ cương, truyền thống nhưng phóng khoáng, hào hiệp, dân chủ. Tư tưởng triết lý đầy dân tộc tính của ông lúc bấy giờ là hấp lực dẫn dắt thanh niên vào mọi cuộc tu tập và chiến đấu vì ?Cương Nhu Phối Triển?
Năm 1945, ông NGUYỄN LỘC lập gia đình cùng cô NGUYỄN THỊ MINH (THANH), học sinh trường Felix Faure, con gái thứ hai một đại điền chủ ở Thái Nguyên, là cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ với 6 người anh em (Nguyễn Ngọc Liệu, Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Ngọc Văn. Nguyễn Ngọc Chương, Nguyễn Thị Ðiền, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Viên).
Ông có 9 người con (3 trai 6 gái) là Nguyễn Ðạo, Nguyễn Chính, Nguyễn Quang, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thanh Phú, Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Thanh Mỹ.
Tuy là một nhà võ nhưng ông cốt cách, dáng vẻ của một văn nhân: Người dong dỏng cao, mắt sáng, trán rộng, cằm nở, gương mặt trầm tư, giọng nói ấm áp chân tình, nụ cười hiền hòa cởi mở. Thường nhật phải khắc khổ luyện tập để đạt tới đỉnh cao của võ thuật, nhưng trong con người ông vẫn tuôn chảy một dòng máu nghệ sĩ. Bên bình trà và bao thuốc lá, ông thường mải mê, ngồi đàm luận thơ, văn, hội họa, nghệ thuật, nhiếp ảnh .... suốt buổi sáng hoặc trọn đêm với môn đệ, bạn bè. Ông thân mật, hòa đồng, giản dị, với tất cả mọi người. Những học trò sống cận kề ông đều được hưởng những cảm tình đôn hậu và sự chăm lo chu đáo tận tình. Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc, học tập, ông Nguyễn Lộc lại rất nghiêm túc, cẩn trọng, luôn đặt yêu cầu cao đối với bản thân và các cộng sự. Giao lưu rộng rãi, tính tình hào hiệp, con thiếu sữa vẫn mang gạo tiền giúp đỡ bạn bè khi gặp cơn bĩ cực, vì thế ông đã có một ảnh hưởng lớn lao và được mọi người chung quanh tin yêu, quý trọng, gắn bó.
Sự nghiệp của ông Nguyễn Lộc sáng tạo và xây dựng ngắn ngủi chỉ có 30 năm, nhưng ảnh hưởng của nó lớn rộng khắp năm châu và tồn tại ngàn đời...qua các thế hệ môn đồ nối tiếp nhau xây dựng và phát triển bằng bàn tay thép và trái tim từ ái.
3. Ý nghĩa Kỳ Hiệu - Phù Hiệu.
Ý nghĩa Phù Hiệu và Kỳ Hiệu của Môn Phái Vovinam-Việt Võ Ðạo được căn cứ trên Màu Sắc và Hình Nét.
* Về Màu Sắc: Môn phái Vovinam-Việt Võ Ðạo đã chọn 4 màu chính để tượng trưng cho Ý nghĩa. đó là: xanh, vàng, đỏ, trắng.
Xanh: Trỏ Âm Tố, tượng trưng cho Biển Cả và Hy Vọng. Màu của biển thắm đồng xanh, và của năm châu bốn biển. Màu đậm nét Quê Hương. Hàm sức Sứ vụ mang Võ Ðạo quảng phát muôn phương.
Ðỏ: Trỏ Dương Tố, tượng trưng cho lửa sống hào hùng kiên quyết của dòng Việt xuyên suốt hơn bốn nghìn năm Dựng Nước.
Vàng: Màu Vương Ðạo Á Ðông, màu da chủng tộc, màu của vinh quang hiển hách.
Trắng: Trỏ Ðạo Thể huyền nhiệm Không Hình, Không Sắc điển trưng cho Xương Tủy, cho sự thâm viễn tuyệt vời. Màu của Tinh Hoa Nghệ Thuật và Quảng Ðại Bao Dung.
* Về Hình Nét Kỳ Hiệu: Bề ngang bằng 3/5 bề dài, chính giữa có vòng tròn Âm Dương. Giao Tương giữa Lưỡng Cực là bản đồ Việt Nam cong theo hình chữ S, vừa điển trưng cho sự Tương Thôi-Tương Giao, Tương Sinh, và Thường Dịch của dòng Sống Miên Sinh đun đẩy, phối hợp, hài hòa. Bao bọc Lưỡng Nghi là vòng tròn Trắng tượng trưng cho Ðạo Thể với sứ vụ Ðiều Hòa - Khắc Chế - Bao Dung giữa Âm Tố và Dương Tố để tác thành vĩnh cửu sự sống muôn loài.
Phù Hiệu: 1/2 trên hình vuông, 1/2 dưới thì hình tròn tượng trưng cho sự vuông tròn hướng về Chân - Thiện - Mỹ. Chính giữa cũng có vòng Âm Dương, bản đồ Việt Nam và vòng tròn Ðạo Thể với sự tương đồng Ý Nghĩa của Kỳ Hiệu
Ghi chú: Ý nghĩa Phù Hiệu và Kỳ Hiệu của Môn phái Vovinam-Việt Võ Ðạo cũng đã từng được nghiên cứu tỉ mỉ công phu, điển trưng cho lý tưởng Việt Võ Ðạo và Ðường Ði - Ðích Tới của Môn Phái và toàn thể các môn đồ xuyên suốt qua 65 năm.
Bản ý nghĩa chính thức xác minh về Nguồn Gốc và Ðường Lối chính tông Môn Phái cho các Môn Sinh Vovinam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét