Social Icons

Pages

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CHÂN DUNG SÁNG TỔ VOVINAM NGUYỄN LỘC

Một cuộc hội ngộ rất tình cờ, rất thú vị, đã mở ra trong tôi những điều mà trước đây tôi cũng như rất nhiều người chưa từng biết!

Thật hạnh phúc khi có được tấm ảnh chân dung vô cùng giá trị của một vị thiên tài mà cả cộng đồng Vovinam từng lấy đó làm niềm kiêu hãnh.

Tấm hình chân dung của Cố Võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập ra môn Vovinam này đã từng là di ảnh mà gia đình của Người phụng thờ tại tư gia trước tháng 4 năm 1975 (lúc còn ở Bình Lợi, thành phố Sài Gòn cũ).

Chân dung Sáng tổ Vovinam Nguyễn Lộc
Chân dung Sáng tổ Vovinam Nguyễn Lộc 

Việc bức ảnh chân dung xuất hiện trong nhà riêng của một võ sư cao đẳng thuộc thế hệ môn sinh những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng bao trùm một câu chuyện khá ly kỳ.

Và bên cạnh tình đồng môn của kẻ trước người sau ấy đã mở ra nhiều điều đáng học tập và suy gẫm.
Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đều cần có thời gian và sự chiêm nghiệm, kiểm chứng. Còn bây giờ, tôi trân trọng gửi đến quý đồng môn trên toàn thế giới, bức chân dung của Sáng Tổ Nguyễn Lộc, người mà chúng ta từng ngưỡng mộ và là niềm kiêu hãnh cho các môn đồ Vovinam.

(Bức ảnh do Thiện Tâm scan lại. Qua năm tháng, bức ảnh có vài chỗ nho nhỏ không còn giữ được y nguyên đã được chấm lại đôi chút, nhưng tuyệt đối không sửa.)

TPHCM TIẾP TỤC DẪN ĐẦU GIẢI CÁC ĐỘI MẠNH VOVINAM TOÀN QUỐC

Với 8 HCV sau 2 ngày thi đấu, các võ sĩ TPHCM củng cố ngôi đầu khá vững bên cạnh đó chủ nhà Bến Tre cũng có HCV đầu tiên.

Ngày thi đấu thứ 2 (17/9) của Giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần V năm 2014 tranh Cúp VINATEX diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh Bến Tre tranh tài 5 hạng cân đối kháng (51 kh nam, 54 kg nữ, 57 kg nữ, 60 kg nữ, 63 kg nữ) và 5 nội dung quyền (Nhật nguyệt đại đao, thái cực đơn đao, tứ tượng côn pháp, tinh hoa lưỡng nghi kiếm, tứ đấu tay không nam).

Nội dung quyền các võ sĩ TPHCM tiếp tục thi đấu thành công khi giành 2 chiếc HCV.  Ở nội dung Nhật nguyệt đại đao, VĐV Huỳnh Khắc Nguyên có phần trình diễn xuất sắc để giành HCV khi vượt qua VĐV chủ nhà Bến Tre – Nguyễn Hoài Bảo (HCB) và Phan Hạt Nhân (Bà Rịa – Vũng Tàu). Trong khi đó, với việc mang về HCV thái cực đơn đao, Hứa Lê Cẩm Xuân đã giành HCV thứ 2 cho riêng mình tại giải.

Chủ nhà Bến Tre có HCV đầu tiên khi võ sĩ Nguyễn Hoàng Tấn chiến thắng ở bài thi tứ tượng côn pháp. Xếp sau anh lần lượt là Phạm Văn Thắng của Cần Thơ và Phạm Ngọc Duy đến từ Hà Nội. Một đơn vị Đồng bằng sông Cửu Long khác cũng giải cơn khát vàng là Vĩnh Long khi Nguyễn Thị Ngọc Trâm giành ngôi đầu ở bài thi Tinh hoa lưỡng nghi kiếm. Chiếc HCV còn lại thuộc về Cần Thơ khi bộ tứ Trần Công Tạo – Trần Tuấn Lập – Đoàn Hoàng Thâm – Nguyễn Phúc Thịnh có số điểm cao nhất trong bài thi tứ đấu tay không nam.
TPHCM tiếp tục dẫn đầu giải các đội mạnh Vovinam toàn quốc
TPHCM tiếp tục dẫn đầu giải các đội mạnh Vovinam toàn quốc


Trong khi đó, các hạng cân đối kháng TPHCM và Thanh Hóa tiếp tục cho thấy cái “duyên” khi có 2 trận gặp nhau ở chung kết. Ở hạng cân 57kg nữ, Trần Thị Phương Dung (TPHCM) được đánh giá cao hơn Lê Thị Hiền (Thanh Hóa) khi cô có nhiều kinh nghiệm chinh chiến ở các đấu trường trong nước và quốc tế hơn đối thủ dù mới trở lại sau chấn thương dây chằng. Dẫn trước đối thủ 1 điểm ngay từ hiệp 1, nhưng cuối hiệp 2 cô bất ngờ bị đối thủ đánh trúng một đòn chân hiệu quả và bị dẫn lại 2-1. Sang hiệp 3, do nôn nóng gỡ điểm nên Phương Dung không thể tận dụng cơ hội và để vuột mất HCV vào tay đối thủ.

Trận chung kết hạng cân 54kg giữa 

diễn ra khá căng thẳng khi cả 2 khá thận trọng. Ở hiệp 3, Thùy Dương tung đòn đá trúng ngực đối thủ vượt lên dẫn điểm, tuy nhiên ngay sau đó Thị Châm cũng thực hiện đòn đánh ngã chính xác để san bằng điểm số. Ở những giây cuối cùng, Thùy Dương tung cú đá vòng cầu trúng mặt được các trọng tài cho 2 điểm để rồi giành chiến thắng chung cuộc 3-1 mang về chiếc HCV thứ 8 cho TPHCM.

Ở các hạng cân còn lại, Huỳnh Phi Long của Bà Rịa – Vũng Tàu giành HCV hạng cân 51 kg nam; Lê Thị Hậu (Đồng Nai) giành HCV 60kg nữ, Nguyễn Sơn Ca (Quân đội) giành HCV 63kg nữ.

Sau 2 ngày thi đấu, TPHCM tiếp tục dẫn đầu với 8 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; xếp sau là Cần Thơ (3, 3, 1) và Thanh Hóa (3, 1, 1).

GIẢI VOVINAM TOÀN QUỐC CẦN THƠ BỨT PHÁ

Giành 3 HCV trong ngày thi đấu thứ 3 (18/9) Cần Thơ tạo cuộc rượt đuổi huy chương gay cấn với TPHCM cho vị trí đầu toàn đoàn.

Ở ngày tranh tài thứ 3 của Giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần V năm 2014 tranh Cúp VINATEX đang diễn ra tại Bến Tre, dù không giành được HCV nào nhưng đoàn TP.HCM tiếp tục dẫn đầu với 8 tấm HCV, 3 HCB và 2 HCĐ.

Tuy nhiên, vị trí đầu bảng của TP.HCM đang bị “đe dọa” trước sự bứt phá của đoàn Cần Thơ. Theo đó, ở ngày thi đấu thứ 3, các VĐV thi đấu ở 5 nội dung quyền và 4 hạng cân đối kháng, các võ sĩ Cần Thơ tạo nên những bất ngờ lớn khi giành 3 HCV ở các nội dung quyền.

2 nữ võ sĩ Nguyễn Thị Cẩm Thùy và Nguyễn Thị Thanh Hoa mở hàng ngày vàng cho đoàn vovinam đến từ đất Tây đô khi chiến thắng ở nội dung Song luyện 3. Sau đó, Lê Toàn Trung và Lâm Trí Linh tiếp tục đem tin vui cho Cần Thơ khi giành HCV ở bài thi Song luyện vật 2.

Chiếc HCV thứ 3 trong ngày thi đấu này của đoàn Cần Thơ được bộ tứ Nguyễn Thị Thu Thảo – Lâm Trí Linh – Nguyễn Phúc Thịnh – Phan Lê Hữu Tâm đem về ở nội dung tứ đấu tay không nữ. Đây là chiếc HCV không hề dễ dàng khi họ phải chia sẻ ngôi đầu với Quân đội do cùng có số điểm chung cuộc là 268.
Giải Vovinam toàn quốc: Cần Thơ bứt phá
Giải Vovinam toàn quốc: Cần Thơ bứt phá
Với 3 HCV giành được, Cần Thơ tạm thời vươn lên đứng vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp với 6 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ.

Về phía Quân đội, họ cũng có ngày thi đấu thành công khi giành thêm 1 chiếc HCV ở nội dung Long hổ quyền (đồng đội nam), xếp sau lần lượt là Đồng Nai và Cà Mau. HCV nội dung quyền còn lại thuộc về Vĩnh Long khi vượt qua chủ nhà Bến Tre (HCB) và Bà Rịa Vũng Tàu (HCĐ).

Trong khi đó, ở các hạng cân đối kháng cũng diễn ra quyết liệt với nhiều bất ngờ. Trong trận chung kết 51 kg nữ, tay đấm kỳ cựu Bùi Thị Cẩm Bình (Tiền Giang) được đánh giá rất cao cho chiếc HCV.

Tuy nhiên cô bất ngờ bị đánh bại bởi nữ võ sĩ Trần Thị Vân Anh của Công an nhân dân. Dẫu vậy, Tiền Giang cũng được hưởng hương vị chiến thắng khi Trần Thị Quỳnh Như đánh bại Nguyễn Hải Hường ở chung kết 70 kg nữ.

Đoàn Quảng Nam giành HCV đầu tiên khi Đỗ Thế Vũ vượt qua Trần Văn Thống của Bình Thuận ở hạng cân 87 kg nam. Trước đó, anh có chiến thắng knock-out trước Lê Văn Mạnh của Hà Tĩnh.

Ở hạng cân 68 kg nam, Phạm Trường Sa giúp Đồng Nai có HCV thứ 2 sau khi vượt qua Quách Gia Thắng của TPHCM. Trong khi đó Trần Quốc Tuấn đã đem về chiếc HCV thứ 2 cho Bà Rịa Vũng Tàu, anh đánh bại Nguyễn Thành Phước trong trận chung kết hạng cân 60 kg nam đầy kịch tính.

VÕ SƯ TRẦN VĂN PHƯỚC – CÂY ĐẠI THỤ TRONG LÀNG VOVINAM QUA ĐỜI Ở TUỔI 79

Võ sư Trần Văn Phước sinh năm 1936, hiện mang đẳng cấp Hồng đai nhị, nguyên Chi Hội trưởng Hội Vovinam – Việt Võ Đạo quận Gò Vấp TPHCM  và nhiều năm liền là Ủy viên tài chính, Hành chính BCH Hội Vovinam – Việt Võ Đạo TPHCM đã từ trần vào lúc  23h30 ngày 30 tháng 09 năm 2014 tại nhà riêng số 80, đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM, hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 09 giờ ngày 01/10/2014.

Chân dung võ sư Trần Văn Phước (1936 – 2014)
Chân dung võ sư Trần Văn Phước (1936 – 2014)

Cả cuộc đời võ sư Trần Văn Phước đã gắn bó và có công lớn trong sự phát triển của phong trào Vovinam. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn của làng võ Việt nói chung và môn Vovinam nói riêng. Dưới đây là bài viết tóm tắt về tiểu sử và quá trình phát triển Vovinam của võ sư Trần Văn Phước do võ sư Châu Minh Hay thực hiện.

TIỂU SỬ VÕ SƯ TRẦN VĂN PHƯỚC

Võ sư TRẦN VĂN PHƯỚC Sinh 1936 Tại Thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Hiện nay ông cùng gia đình đang sống tại số nhà 80 đường Trần Bình Trọng Phường 1, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
Là võ sư hiện mang đẳng cấp Hồng Đai Đệ nhị đẳng, đã nhiều năm liền ông là Ủy viên Tài chính, Hành chính BCH Hội VoViNam – Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Chi hội trưởng Chi hội VoViNam-Việt Võ Đạo Quận Gò Vấp. Gần như cả cuộc đời ông theo nghiệp võ. Ngoài ra ông còn là một nghệ sĩ hài, một diễn viên điện ảnh của những năm trước 1975.

Cuối mùa xuân năm 1968 võ sư Trần Văn Phước được Tổng cục VoViNam V.N phân công, và do VS Chưởng môn Lê Sáng ký quyết định bổ nhiệm về khai phá và đặt nền móng VoViNam – Việt Võ Đạo tại Thị xã Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Cùng đi với ông lúc bấy giờ còn có HLV Vooeng Long .
Lạ đất lạ người! Song với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên đến độ chín mùi, và tinh thần dấn thân vì sự nghiệp môn phái cao độ, võ sư Trần Văn Phước tìm thuê đuợc căn nhà số 22/6 trong một hẻm nhỏ đường Cao Thắng, Thị xã Tuy Hoà, dùng làm võ đường và bắt tay vào công việc chiêu sinh.

Trong những năm cuối của thập kỷ 1960, phong trào thanh niên, học sinh đua nhau học võ là rất đông, nhưng hầu hết họ theo học môn Taekwondo, vì bấy giờ môn võ này được quân đội Đại Hàn phổ biến rộng khắp và dạy miễn phí. Tuy tình hình không mấy thuận lợi, nhưng với bản lĩnh võ thuật vững vàng và tính tình đôn hậu vui vẻ , võ sư Trần Văn Phước không tốn nhiều thời gian mấy cho việc chiêu sinh, khi mà người dân đất Phú còn rất xa lạ với môn võ xem ra khá mới mẽ này.

Ít lâu sau, vào ngày 09 tháng 5 năm 1968 khoá học đầu tiên được khai giảng. Người dân Tuy Hoà được dịp biết đến những đòn thế lạ mắt, uy dũng và hiệu quả của môn võ có tên gọi là VoViNam. Chẳng bao lâu, người ghi tên theo học mỗi ngày một đông. Võ sư Trịnh Ngọc Minh, Cục Trưởng Cục Huấn luyện Miền Trung cử thêm võ sư Trần Tấn Vũ ra tăng cường.

Với căn nhà số 22/6 Cao Thắng không đủ để những thanh thiếu niên nam, nữ ngày đêm luyện tập. Thế là thầy trò phải chuyển xuống Trường Tiểu Học Đức Trí gần rạp ciné Đại Nam.

Cũng từ đó VoViNam được hình thành và không ngừng phát triển. Đồng thời võ sư Trần Văn Phước, Người Thầy đầu tiên đặt viên đá xây dựng ngôi nhà VoViNam tại Phú Yên, cũng đã đạo tạo được không ít những môn sinh ưu tú tiếp nối công việc xây dựng và phát triển môn phái cho đến bây giờ như: võ sư Trương Sỹ Anh, võ sư Nguyễn Quý, võ sư Đoàn Văn Bình…

Sau 3 năm huấn luyện tại đất Phú Yên, tháng 11 năm 1970 .Vì yêu cầu công tác, võ sư Trần Văn Phước phải rời xa Tuy Hoà, để lại trong lòng lớp môn đệ đầu tiên của Người một tình cảm sâu đậm và những kỷ niệm không thể nào quên.

HỨA LÊ CẨM XUÂN - NỮ QUÁN QUÂN VOVINAM THẾ GIỚI

Không chỉ xuất sắc trên sàn đấu với 5 lần vô địch thế giới, Hứa Lê Cẩm Xuân còn là cô giáo rất được học trò quý mến tại trường THCS Lý Phong, Q.5, TP. HCM.

Thành danh nhờ học nhầm môn võ

Trong làng vovinam TP. HCM, Cẩm Xuân được biết đến với tư cách là một vận động viên tài sắc vẹn toàn, thành công trong sự nghiệp cũng như có một công việc ổn định. Cô nổi danh với 5 lần vô địch thế giới ở nội dung quyền. Tại SEA Games 27 vừa qua, Cẩm Xuân cũng xuất sắc đoạt 3 HCB.

Cũng như nhiều VĐV khác trong làng thể thao Việt Nam, Cẩm Xuân đến với vovinam nhờ 1 ngả rẽ tình cờ. “Năm học lớp 6 (năm 2000), tôi được anh trai dẫn đi tập võ. Ý định ban đầu là kiếm nơi học karatedo nhưng không ngờ anh lại dẫn đến học vovinam. Tôi vô tư học được 1 tuần mới biết là học lộn môn, nhưng thấy vovinam cũng tốt nên quyết định theo luôn”, Cẩm Xuân cười tươi khi kể lại cơ duyên đưa mình đến môn Việt võ đạo.
Hứa Lê Cẩm Xuân - Nữ quán quân Vovinam thế giới
Hứa Lê Cẩm Xuân - Nữ quán quân Vovinam thế giới

Tại SEA Games 27, Hứa Lê Cẩm Xuân đoạt 3 HCB.

Quê gốc ở xứ dừa Bến Tre nhưng từ nhỏ Cẩm Xuân đã theo gia đình lên TP. HCM lập nghiệp. Là con út trong gia đình có 4 anh chị em, được bố mẹ bao bọc nhưng Cẩm Xuân có ý thực tự lập từ sớm và rất siêng năng với vovinam. Tuy nhà ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhưng hàng ngày cô vẫn đạp xe với quãng đường xa đến tập tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8).

Khởi đầu, vận động viên xinh đẹp này thi đấu đối kháng ở hạng cân 42-45kg ở các giải vô địch học sinh của TP. HCM từ năm 2002-2003 cho đến năm 2005-2006. Nhưng về sau cô nhận thấy mình thích hợp hơn với các nội dung quyền. Từ sau tấm HCV ở giải vovinam quốc tế TP. HCM mở rộng 2005 với bài Long Hổ Quyền, Cẩm Xuân đã quyết định chuyển sang thi đấu quyền.

Hiện tại, Cẩm Xuân mang chuẩn hồng đai (danh xưng võ sư chuẩn cao đẳng) của vovinam. Cô là vận động viên nổi bật của vovinam TP. HCM cũng như tuyển Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ thi đấu xuất sắc, Cẩm Xuân cũng nỗ lực học tập để trở thành cô giáo dạy vật lý như hiện nay.

Vững vàng nhờ vovinam nhưng yêu nghề giáo

Theo nghiệp vận động viên thể thao chuyên nghiệp, không phải ai cũng chăm lo chu toàn cho việc học. Nhưng Cẩm Xuân thì khác, cô đã hứa với bố mẹ chắc chắn sẽ thực hiện được ước mơ làm cô giáo. Năm 2007, thời điểm Cẩm Xuân đoạt HCV thế giới cũng là lúc cô thi đấu vào trường CĐSP TP. HCM rồi sau đó học liên thông tại trường ĐHSP. Cách đây 4 năm, cô trở thành giáo viên dạy vật lý của trường THCS Lý Phong.

Hiện tại Cẩm Xuân cũng đang giảng dạy vovinam cho một trung tâm tại Quận 7, TP. HCM.

Nghề giáo viên vốn giờ giấc chặt chẽ, trong khi nghiệp VĐV thường xuyên phải đi tập luyện, thi đấu. Thế nên, để chu toàn được cả 2 việc là điều không hề dễ dàng. “May cho tôi là các thầy cô trong trường thông cảm cho tôi mỗi lúc đi thi đấu, chứ tập luyện suốt ngày, rồi đứng lớp, chấm bài thi, tôi không biết xoay xở thế nào”, Cẩm Xuân tâm sự.

Nghề giáo không cho Cẩm Xuân một mức thu nhập cao nhưng giúp cô có được 1 công việc ổn định để có thể chăm lo được cho bản thân sau khi chia tay sàn đấu. Đây là điều không phải VĐV nào cũng đạt được, bởi thời gian sung sức nhất họ đã cống hiến cho thể thao.

“Làm giáo viên hiện tại tôi nhận mức lương cơ bản hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này không thể so lại với chế độ ở một môn có thành tích như vovinam. Nhưng đó là công việc tôi yêu thích và sẽ gắn bó lâu dài. Với vovinam, đó là duyên nghiệp giúp tôi trường thành và tích lũy cho mình được 1 ít để vun vén cho tương lai”, Cẩm Xuân giãi bày.

Hiện tại ngoài giờ làm tròn bổn phận của 1 giáo viên dạy lý hiền hậu trên giảng đường hay mạnh mẽ trên sàn đấu vovinam, Cẩm Xuân vẫn là cô con gái út được bố mẹ thương yêu hết mực. Ở tuổi 26, khi các anh chị em đều đã có gia đình, Cẩm Xuân cũng đã muốn tìm một người để sánh bước chung đôi…

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

LỊCH SỬ MÔN PHÁI VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO

I. Vovinam Việt Võ Đạo là gì?

- Vovinam Việt Võ Đạo là môn võ thuật – võ đạo được Võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai đồng thời ông đề ra chủ thuyết “Cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.

- Về nội dung, Vovinam có hai phần: võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và võ đạo Việt Nam (Việt Võ Ðạo)

- Trong cái tên Vovinam Việt Võ Đạo thì Vovinam là gốc rễ, cội nguồn, còn Việt võ Ðạo là hoa trái của Vovinam sau quá trình mấy chục năm phát triển. Có thể gọi Vovinam hay Việt Võ Ðạo cũng Ðược. Cách gọi đầy đủ và đúng nhất là Vovinam Việt Võ Ðạo.

- Vovinam là từ quốc tế hóa của từ võ thuật – võ đạo Việt Nam. Bên cạnh việc tập luyện võ thuật, binh khí, các võ sinh còn tập luyện ngoại công, khí công và coi trọng việc trau dồi nhân tính. Vovinam có các đòn bay cao kẹp cổ nổi tiếng còn gọi là “Đòn chân tấn công”, luôn có mặt trong các buổi biểu diễn.

- Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha…

- Vovinam Việt Võ Đạo được sáng lập bởi Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912 – 1960). Dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền của dân tộc, Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam vào năm 1938.
Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc
Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc

II. Các mốc lịch sử của môn võ Vovinam

- Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc giới thiệu Vovinam ra công chúng.

- Cuộc biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939.

- Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng vào đầu mùa Xuân năm 1940 tại trường Sư Phạm (École Normal) đường Cửa Bắc, Hà Nội.

- Từ 1960, sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng Môn môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.
Cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng
Cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng
- Ở Pháp, giáo sư Phan Hoàng có công gầy dựng nền móng phát triển Vovinam ở Âu châu kể từ thập niên 1970.

- Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1966 trở đi, môn Vovinam được đưa vào giảng dạy ở một số trường công lập thuộc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.

- Tháng 10 năm 2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tháng 9 năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi tên thành Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF).

- Tháng 2 năm 2009, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Châu Á (AVF) diễn ra tại Tehran.
Ngày 31 tháng 3 năm 2010, Chưởng Môn Lê Sáng ký quyết định thành lập Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn Phái. Người đứng đầu hội đồng này được gọi dưới danh hiệu là Chánh Chưởng Quản và là người đứng đầu môn phái.

- Như vậy, danh xưng Chưởng Môn trong môn phái sẽ không còn dùng trong tương lai nữa. Kể từ đây, khi gọi Sáng Tổ Nguyễn Lộc, Chưởng Môn Lê Sáng thì đó là những danh hiệu riêng biệt, liên quan đến những thời kỳ đặc biệt của môn phái. Cũng kèm theo đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bổ nhiệm làm Chánh Chưởng Quản môn phái.

- Ngày 27 tháng 9 năm 2010 (nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần), võ sư Chưởng Môn Lê Sáng qua đời.

- Ngày 16 tháng 10 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) diễn ra tại Paris.

- Ngày 28 tháng 12 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (SEAVF) diễn ra tại Campuchia.

- Năm 2011, Vovinam lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 26.

Tiếp tục cập nhật............