Social Icons

Pages

Hiển thị các bài đăng có nhãn vo dao. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn vo dao. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

MỤC ĐÍCH HỌC VÕ - THƯ CHƯỞNG MÔN


Các môn đệ thân mến,
Làm việc gì cũng cần có mục đích. Mục đích phải mang lại lợi ích cho con người thì việc làm mới có ý nghĩa, mới được mọi người công nhận, và người thực hiện sẽ cảm thấy hứng khởi mà đặt hết tâm hồn vào công việc.
Học võ cũng vậy, nếu không có mục đích, chẳng khác gì người đi đường không biết mình đi đâu, người lính ra trận mà không biết mình ra trận để làm gì ? tuy vậy, có những mục đích cao xa đáng nâng lên thành lý tưởng, và có những mục đích tầm thường thiển cận, chỉ có giá trị và được đặt ra trong một giai đoạn nào đó mà thôi.
Người bắn cung, dù có lắp tên căng dây, nhưng nhắm mắt buông dây bừa đi thì đó là không có mục đích, sự bắn cung chẳng có ý nghĩa gì. Nếu chỉ nhằm những đích gần và thấp, rồi dí sát vào tận nơi mà bắn, hẳn dễ trúng lắm. Song sự bắn trúng đó chẳng mang lại cảm giác thích thú gì, vì đích đó tầm thường, thấp kém quá, có gì đáng hãnh diện? 
Cho nên khi mới học bắn có thể nhắm những đích gần và thấp, sau đó phải đặt lên một tầm mức cao xa hơn, việc bắn mới có ý nghĩa. Nhưng điểm quan trọng là ở chổ suy nghĩ để tìm phương cách làm thế nào đạt tới, làm sao cho trúng đích? Chính những tính toán và sự sửa soạn để vương tới thành quả đó là một cơ hội cho ta tự kiện toàn chính mình, gặt hái được nhiều kinh nghiệm để trở nên trưởng thành hơn.
Học võ cũng vậy, có mục đích mới có hứng thú để tạo đà tiến bộ. Cũng như học bắn cung, lúc đầu có thể nhắm những đích gần và thấp, như học võ để tự vệ, học võ vì ham thích võ thuật, muốn trở thành nhân vật giỏi võ. Ðó chỉ là ý nghĩ đầu tiên của những người mới bước chân vào ngưỡng cửa VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO. Sau đó, người võ sinh sẽ thấy rằng: võ thuật và võ đạo là những chất liệu vô cùng quan thiết để xây dựng con người có ý chí, nghị lực, khoan hoà, đức độ, biết sống vì mọi người thì sẽ được mọi người yêu thương, tin tưởng. Ðược vậy, chắc chắn sẽ dễ dàng thành công trong đời sống. Ðó là học võ với tinh thần võ đạo, cao xa mà thiết thực, mọi môn sinh nếu cố gắng, kiên nhẫn theo đuổi, rèn luyện và tu dưỡng, đều đạt tới đích cả.
Với nhận thức trên, môn sinh VOVINAM VIỆT VÕ ÐẠO học võ để thân thể khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn, tâm hồn cao thượng, để có ý chí hơn, có nghị lực hơn, để tin tưởng cái giá trị thực sự nơi con người của mình, tin tưởng khả năng đóng góp của mình sẽ đắc lực hơn vào việc mưu cầu hạnh phúc chung cho gia đình, cho xã hội.


Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

TÌM HIỂU LỄ VÀ NGHĨA TRONG MÔN PHÁI VOVINAM - VIỆT VÕ ĐẠO

Tìm hiểu Lễ và Nghĩa trong môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo
Tìm hiểu Lễ và Nghĩa trong môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo
 Nghiêm lễ là cách chào đặc biệt của các thành viên gia đình Vovinam. Lối chào này được thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, nên tất cả những hình thức và ý nghĩa của nghi thức cũng chỉ dành cho các thành viên Vovinam. Nghi  thức Nghiêm lễ xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1938 do võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc sáng tạo cùng với hệ thống Vật căn bản và một số qui định về chủ trương, đường lối Vovinam.Nghi thức Nghiêm lễ tuy đơn giản nhưng ẩn chứa rất nhiều nội dung cả về võ thuật lẫn tình cảm và đức hạnh mà Sáng tổ muốn truyền đạt tới học trò của ông. Với chủ trương  –  kỷ luật tự giác – Vovinam là một gia đình – không thượng đài dưới bất cứ hình thức nào, vì bất cứ lý do gì – phi chính trị và tôn giáo, nên toàn bộ căn bản kỹ thuật và lý thuyết của ông không có kỹ thuật tấn công  – không có màu sắc tôn giáo hay chính trị. Tất cả những tư tưởng kể trên của Sáng tổ Nguyễn Lộc được thể hiện bằng kỹ thuật (vì ông đã lấy võ thuật để phổ biến Vovinam) một cách chính xác, nhất quán từ bài học đầu tiên (nghi thức Nghiêm lễ) cho đến di huấn 76 chữ cuối cùng trước khi ông lìa xa cõi thế:

“Ta đã cạn nước mắt, mất tiếng cười vì cuộc đời,

Nhưng ta đã được quay về với linh hồn trắng trong, nhân hậu của NGƯỜI THẬT NGƯỜI,

Nhưng ta đã vượt khỏi lên trên những tối tăm, tội lỗi của NGƯỜI CHẲNG NGƯỜI,

Bao đớn đau tan hồn, nát xác, người đã gieo ở ta,

Ta đã được gặt hái, những bông hoa CAO ĐẸP nhất ở sự THƯƠNG YÊU và THA THỨ vô bờ…”

Nghiêm lễ chính là bài học đầu tiên của của mọi thành viên Vovinam. Bài học này sẽ là hành trang quý báu, hữu hiệu, một thứ cẩm nang đa dạng về võ, tình cảm lẫn đức hạnh mà bất cứ một thành viên Vovinam nào cũng cần phải có và mong muốn có. Bài học đó sẽ chắc chắn đưa người Vovinam đến với những thương yêu và tha thứ, ngày một thăng hoa hầu đạt tới cứu cánh của Vovinam là thương yêu và tha thứ vô bờ.

A. Hình thức Nghiêm lễ.

Nghi thức Nghiêm lễ hoàn hảo gồm 3 tư thế (nghiêm, nghiêm lễ, lễ), 4 động tác (nghiêm, đưa tay phải ra phía trước rồi đặt vào tim, nghiêng người thẳng về phía trước) và 3 khẩu lệnh. Như chúng ta đã biết: Con người là loài động vật duy nhất đứng thẳng bằng hai chân và 2 tay được giải phóng để họat động tự do theo trí não. Tuy vậy, trong sinh hoạt thường ngày con người ít khi đứng thẳng. Tư thế này muốn nhắc nhở và hướng dẫn các thành viên gia đình Vovinam luôn hãnh diện về khả năng thiên phú này và hãy nhớ đến nó để luôn luôn đứng thẳng.
Tư thế “Nghiêm” – khẩu lệnh: “Nghiêm”. Tư thế này gồm 8 điểm buộc phải thực hiện chính xác.
1. Hai cẳng chân sát vào nhau – hai bàn chân sát xuống mặt đất, mười đầu ngón chân bấm xuống mặt đất hướng chéo về hai bên cùng hai gót chân sát vào nhau tạo thành hình chữ V đây cũng là trọng tâm pháp (tấn) đầu tiên của Vovinam.
2. Chân thẳng, đầu gối thẳng.
3. Lưng thẳng (không ưỡn, không cong).
4. Vai thẳng, hai đầu vai cân bằng tạo thành một đường song song với mặt đất.
5. Cổ thẳng, tạo thành một góc vuông với vai.
6. Đầu thẳng, không ngửa lên, không cúi xuống.
7. Mắt nhìn thẳng, không liếc ngang liếc dọc.
8. Hai tay thẳng, buông xuôi sát thân mình, hai lòng bàn tay ép nhẹ vào đùi.
“Nghiêm” cũng là vị thế cao nhất của con người. Tư thế “Nghiêm” còn thể hiện một hình dạng Người Thật Người, với đầy đủ Chân – Thiện – Mỹ, uy dạng hiên ngang, thanh cao và hiếu hòa.
Theo văn học truyền khẩu của dân gian Việt Nam thì “Tướng tùy tâm diệt, tướng tự tâm sinh”, nhìn hình dạng bên ngoài có thể biết tính tình bên trong của mỗi con người. Tướng ở đây là những phần hữu hình bên ngoài của con người (thân). Tâm là những tảng phủ và những phần vô hình (tính tình, thần khí…) bên trong thân thể. Tâm và thân luôn luôn chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau để giúp con người thăng hoa hoặc khiến con người trụy lạc.
Tư thế “Nghiêm-lễ” – Khẩu lệnh: “Nghiêm-lễ” (hô liền nhau).
1.Từ tư thế nghiêm, tay phải từ dưới đưa lên ngang vai, thẳng góc với vai, 5 ngón tay sát nhau cùng hướng về phía trước.
2. Co tay phải lại, lòng bàn tay hướng vào trong người, cánh tay trên bất động đặt lòng bàn tay đè nhẹ sát vào ngực trái trên quả tim. Tư thế “Nghiêm-lễ” còn có tên là Bàn Tay Thép đặt trên trái tim Từ ái.
Tư thế Lễ – Khẩu lệnh: “Lễ”
Từ tư thế “Nghiêm-lễ”, nghiêng mình thẳng mình về phía trước một góc khoảng trên 30 độ (nghiêng chứ không cong), mặt và đầu hơi ngước lên đủ để mắt mình nhìn thẳng vào mắt người đối diện (ngước chứ không cúi).

B. Ý nghĩa nghi thức Nghiêm lễ

a) Ý nghĩa tư thế “Nghiêm”.
Tư thế “Nghiêm” hướng dẫn và buộc thành viên Vovinam phải cương trực và khiêm cung, thể hiện được sự uy dũng và hiên ngang nhưng thanh cao, khoáng đạt. Vì vậy,  tư thế này thể hiện bát trực (8 điều thẳng)
1. Gối thẳng : thể hiện sự kiên cường, không quỵ lụy, van xin.
2. Lưng thẳng: thể hiện sự không nịnh bợ, luồn cúi.
3. Vai thẳng: theo chiều ngang, thể hiện sự công chính, liêm minh, không phe đảng, thiên vị.
4. Cổ thẳng: thể hiện sự khẳng khái, thành thật, trung ngôn; không so vai, rụt cổ vì nó biểu hiện sự khiếp nhược, hèn nhát, không dám nhận trách nhiệm.
5. Đầu thẳng: biểu hiện sự quang minh chính đại, đường đường chính chính vì cúi đầu biểu hiện sự phạm tội, xấu hổ. Nghênh mặt là kẻ kiêu căng hợm hĩnh, khinh mạn.
6. Mắt nhìn thẳng thể hiện sự đoan chính cương nghị, bình tĩnh, trong sạch, khiêm cung, không âm mưu, không giả dối, không sợ hãi.
7. Tay thẳng: biểu hiện sự hiếu hòa, không hiếu chiến, nhưng bình tĩnh, sáng suốt, động trong tĩnh.
8. Hai bàn chân trụ theo hình chữ V: theo văn minh khoa học là một điểm tựa vững chắc mà người phương Tây gọi là Tam giác vàng và theo ngạn ngữ Việt Nam thì:
“Dù ai nói ngã nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.”
Trụ tâm pháp (tấn) đầu tiên của Vovinam là một thế đứng chắc chắn nhất để trụ cả thân lẫn tâm. Vì vậy, gia đình Vovinam luôn luôn vững vàng, hạnh phúc trên hai chân trụ.
b) Ý nghĩa tư thế “Nghiêm-lễ”
Tư thế “Nghiêm-lễ” hàm chứa những khởi điểm về nền móng kỹ thuật và lý thuyết của Vovinam. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ mới biết hình thức và ý nghĩa chính một cách khái lược, tổng quát (Bàn tay thép đặt trên trái tim Từ ái, chỉ dụng võ sau khi đã đặt lên đó một tình thương). Chưa ai thắc mắc về xuất xứ cũng như chiều sâu của tư thế nghiêm-lễ.
* Tư thế “Nghiêm lễ” xuất xứ từ truyền thống lễ giáo Việt Nam
Bất cứ một người Việt Nam nào cả nam phụ lão ấu đều dùng hình thức khoanh tay trước ngực, đứng nghiêm chỉnh trước quần chúng quan khách, trong một khung cảnh trang nghiêm trước người trên hay một bậc thầy đáng kính.
Bất cứ ai cũng thấy ấm lòng và hạnh phúc trong niềm hân hoan tự đáy lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ thơ ngây 3-4 tuổi, vụng về khoanh tay cúi đầu trước mặt các người thân. Hình thức kể trên để bày tỏ sự chào kính, sự vâng lời một cách tự nguyện, bày tỏ tính khiêm cung nhưng vẫn hiên ngang. Sự bày tỏ tính ngoan ngoãn, vâng lời này là truyền thống lễ giáo trên 4.000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Sáng tổ Nguyễn Lộc đã dùng hình thức này nhưng để phù hợp với Vovinam (dùng võ thuật phổ biến), ông đã cải biến cho đúng với tinh thần phòng thủ tự vệ của bậc thầy võ thuật là lúc yên bình phải nghĩ đến nguy khốn, muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, ông đã bỏ tay trái xuống sát thân mình để biến thế khoanh tay hòa bình kính cẩn thành vừa hòa bình (tay phải vẫn còn lại trên ngực) vừa sẵn sàng phản ứng khi bị tấn công (tay trái thấp xuống tự do).
Chúng ta có thể nói tư thế “Nghiêm-lễ” thể hiện một khung cảnh hòa bình có phòng thủ. Và đó cũng là tính cách của mỗi thành viên Vovinam.
* Tư thế “Nghiêm-lễ” là thế vật đầu tiên
Tay phải khi đưa thẳng về phía trước đã biểu trưng sự chào mời, hướng dẫn tân khách với tình thân thiết. Đây cũng là động tác vật đầu tiên trong hệ thống Vật căn bản của Vovinam – đặt tay vào gáy đối phương mỗi khi thực hiện thế vật, sau đó kéo đối phương về phía mình (dụng võ). Bởi chỉ dụng võ sau khi đặt lên đó một tình thương, nên tay kéo về đặt trên trái tim.
Đối với hầu hết các sắc dân trên toàn thế giới, trái tim tượng trưng cho tình yêu. Nhưng trong tình yêu, trái tim được gọi bằng nhiều tên (trái tim ác độc, trái tim mù lòa, trái tim băng giá, trái tim nồng cháy v.v.). Ở đây, trong Vovinam, Sáng tổ đặt tên là trái tim Từ Ái. Có nghĩa là trái tim người mẹ. Đó là một thứ tình yêu gần như không biên giới, vì nó bao la, sâu thẳm, thể hiện bằng sự hiến dâng, hy sinh tuyệt đối cho con cái của người mẹ. Trái tim Từ Ái là trái tim Vovinam.
Dụng võ của gia đình Vovinam với chủ trương không thượng đài, thì chỉ có nghĩa duy nhất là tập luyện, chơi đùa khi thực hành các thế vật. Vì vậy, Sáng tổ Nguyễn Lộc muốn học trò ông phải có tình thương của một người mẹ khi khổ luyện để giảm thiểu tối đa sự đau đớn nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Có nghĩa là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” trong mỗi đòn thế, như một người mẹ nâng niu bế ẵm, dắt dìu con thơ.
* Tư thế “Nghiêm-lễ” là cốt lõi của Vovinam
Với chủ trương luyện cho học trò một thân thể rắn chắc, dẻo dai, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã đề xướng phương pháp luyện thân thép nên mới có bàn tay thép. Khi bàn tay thép đã đè sát trái tim Từ Ái là đã chuyển từ tinh hoa thứ nhất (võ thuật) sang tinh hoa thứ hai (tình Vovinam) – một thứ tình phát xuất từ khổ luyện bằng những thế vật hòa với hành tàng (hoạt động ẩn chứa bên trong) của trái tim Từ Ái.
Hình thức áp tay lên ngực đã thể hiện sự trấn an, sự tự vấn lương tâm trước nghịch cảnh sắp tới. Qua đó, Sáng tổ đã nhắc nhở học trò của ông phải bình tĩnh sáng suốt, phải dùng tình thương yêu, sự hy sinh bao la của người mẹ đối với con cái để hóa giải mọi tình huống xảy ra. Có nhẫn nhục, cẩn trọng thì mới mong vượt khỏi lên trên những ngang trái khó khăn có thể dẫn tới đớn đau, nguy khốn cho mình. Trong từ ngữ Hán Việt, chữ nhẫn gồm chữ đao ở trên chữ tâm ở dưới  giống như là hình thức nghiêm lễ; có nghĩa là nhịn nhục tất cả những nghịch cảnh đã từng xảy ra những đớn đau tan hồn nát xác giống như những gì Sáng tổ đã chịu đựng? Có nhịn nhục thì mới biết bao dung để tha thứ cho người, để vượt khỏi lên trên những tối tăm tội lỗi, để giống như trái tim Từ Ái miệt mài lắng trong gạn đục đưa máu nuôi nấng tâm thân. Và những dòng Từ Ái đó sẽ hội nhập với trăm ngàn nguồn thương yêu khác để tạo thành biển cả cho tròn câu Thương Yêu và Tha Thứ vô bờ. Đó là 7 chữ cuối cùng của một bậc tài hoa mạng yểu, một thiên tài trước khi trở về cõi vĩnh hằng. Bảy chữ này chính là cứu cánh của gia đình Vovinam.
Tư thế “Nghiêm-lễ” được gọi là cốt lõi của Vovinam, là bài học đầu đời của mỗi thành viên bước chân vào gia đình Vovinam và sẽ là hành trang trọn đời của mỗi thành viên.

3. Ý nghĩa tư thế “Lễ”

Nghiêng mình để bày tỏ sự khiêm cung với cả tấm lòng, mặt hơi ngước lên để bày tỏ sự quang minh, công chính. Hành động dịu dàng, uyển chuyển, linh hoạt nhưng không mất đi phong thái hiên ngang vững vàng của một con người thật người. Ngước mặt nhìn người đối diện để bày tỏ sự trang trọng, trong sáng, chính trực với ánh mắt khoan dung, hoan hỷ.
Theo truyền thống lễ giáo Việt Nam thì chữ Đức và Hạnh là căn bản của Đạo làm người (đạo ở đây có nghĩa là con đường).
Cửu đức và bát hạnh đã được lưu truyền và coi đây như là khuôn thước cho con người thời phong kiến và ngày nay vẫn còn được tôn trọng cũng như noi theo. Phàm con người muốn hoàn hảo đều phải có cửu đức. Nam chú trọng đến ngũ đức (ngũ thường) là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín và nữ giới cần tứ đức là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Trong giới võ thuật, thiết nghĩ cần thêm đức thứ mười là Dũng.
Bên cạnh cửu đức là bát hạnh gồm Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ.
Trong nghi thức Nghiêm lễ có đầy đủ những đức hạnh chính và nhiều đức hạnh phụ khác (khiêm tốn, thanh cao, bất khuất, thành khẩn, hy sinh, nhẫn nhịn v.v.). Tùy theo không gian và đối tượng, những đức hạnh có sẵn trong người mỗi thành viên sẽ theo thói quen mà phát khởi bằng hành động bên ngoài hoặc bừng lên trong tâm não. Những ý nghĩa cụ thể về thập đức và bát hạnh cùng giá trị của nó trong xã hội hiện đại sẽ được đế cập trong một bài viết khác.
Do đó, mỗi lần Nghiêm lễ là mỗi lần trau dồi đức hạnh. Mỗi đòn thế khi tập luyện đều giúp người Vovinam thực thi đức hạnh và tình Vovinam ngày một thắm thiết, chan hòa.
Và để tạm kết thúc, không ai có thể chối cải sự thật hiển nhiên – nghi thức Nghiêm lễ là một biểu tượng tuyệt đối về sự đồng tâm nhất trí với tinh thần tự giác, tự nguyện của các thành viên Vovinam.
4. Vật là bản năng của con người.
Tưởng cũng nên trình bày rõ về hệ thống Vật cổ truyền với tất cả những tinh hoa lẫn nguy hiểm. Vật là bản năng của loài người (và một số loài động vật từ lúc còn thơ ấu đến khi lìa đời), có nghĩa là không cần học cũng biết và tất cả các hình thức gọi là võ thuật cũng do Vật ảnh hưởng để hình thành. Cổ truyền theo Sáng tổ có nghĩa là từ khi con người đầu tiên xuất hiện và tại Việt Nam thì tạm thời hiểu rằng từ thời Quốc tổ Hùng Vương dụng nước, hay trên bốn ngàn năm văn hiến truyền lại tới thời Sáng tổ.
Hai môn sinh quần vàng Nguyễn Văn Thố và Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ tại võ đường Trần Hưng Đạo cuối năm 1959

Nước nào cũng có Vật cổ truyền của tổ tiên mình truyền lại. Người nào trên thế giới này cũng biết vât từ khi biết đứng thẳng vững vàng. Chúng ta đã từng biết nước Nhật có vật Sumo được quý trọng như quốc võ, Việt Nam có truyền thống vật Liễu Đôi, và những nước nổi tiếng về vật khác như: Nga, Hy Lạp, Mông Cổ v.v. Hầu như tất cả thế giới đều đem vật lên hàng đầu.
Thiên tài Nguyễn Lộc là người duy nhất trên thế giới này đã nghiên cứu tuổi thơ, những mầm người, về những sinh hoạt (đi, đứng, nằm, ngồi), những trò chơi của chúng kể cả cách thở của hài nhi lúc còn trong bụng mẹ. Để cùng với khả năng phi thường, thiên phú, ông sáng tạo ra hệ thống kỹ thuật lẫn lý thuyết Vovinam độc nhất vô nhị mà chúng ta may mắn được là một thành viên.
Cho đến nay các phái võ trên thế giới thường lấy các con vật làm đối tượng nghiên cứu các thế chụp, mổ v.v. khi các loài động vật này tấn công con người để sáng tác ra võ (hổ quyền, xà quyền, hầu quyền, hạc quyền v.v.) hoặc bắt chước người say rượu (túy quyền) để phát minh ra các thế võ vừa lạ vừa đẹp mắt với những đòn thế sát thủ.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu những khả năng thiên phú của loài vật để phát minh ra những sản phẩm hữu ích phục vụ con người. Nhưng cho đến nay chưa có giới nào chú ý đến những trò chơi phát xuất từ bản năng tuổi thơ con người. Sự xác định trồng gì được nấy, nhưng việc trồng người chỉ xoay quanh vấn đề giáo dục về tâm-trí-thể do các vĩ nhân, bác học đặt ra. Thành quả của những tư tưởng sáng kiến kể trên đã tỏ ra hữu hiệu, ngày càng tiến bộ nhưng các khả năng phi thường tiềm tàng bên trong những thân hình bé nhỏ, đã giúp con người lớn lên với xã hội trên mọi lãnh vực thì chưa có một cuộc nghiên cứu nào có kết quả đầy đủ, rõ ràng. Tất cả những gì thuộc về bản năng của các mầm người vẫn còn là còn những bí mật và khoa học kỹ thuật đang tiếp tục khám phá.
Bất cứ đứa trẻ nào đã đứng vững thường ôm nhau để vât xuống với dáng điệu thích thú, hoan hỷ trong không khí hòa bình, hạnh phúc. Hầu như trong tất cả những cuộc đụng độ dù là trò chơi giải trí hay hỗn chiến thì cuối cùng hai địch thủ cũng ôm lấy nhau… Sự ôm nhau từ ngàn xưa đến nay hầu hết đều là để bày tỏ tình cảm thân mật, thông cảm yêu thương, sau đó mới phát sinh ra những hình trạng sát phạt, chiếm đoạt khi có sự thắng thua, danh lợi xuất hiện.
Do đó, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã sáng tạo ra những thế vật tuyệt hảo đồng thời cũng đề ra phương cách hạn chế sự nguy hiểm khi con người phát sinh ác tính. Đó là công thức “Tam hoa tụ đỉnh” – vật cổ truyền, tình Vovinam và đức hạnh. Vật sẽ phát sinh tình cảm trong lúc ôm nhau, hòa với đức hạnh do rèn luyện từ các phương pháp vật mà có. Cả ba sẽ đồng hành trong suốt thời gian tập luyện võ thuật Vovinam.
5.Vật bằng chân – lối vật cao cấp và đặc thù của Vovinam.
Như trên đã nói, tuy vật là một trong những bản năng con người với bản chất bày tỏ sự thân mật của một trò chơi, nhưng nếu tập luyện thường xuyên thì đó là một môn giải trí có ích cho sức khỏe. Riêng với Vovinam, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã sử dụng tất cả phần thân thể của con người để thực hiện các thế vật mà không dùng bất cứ một vật thể phụ nào khác.
Do đó, nhằm giảm thiểu sự nguy hiểm bất khả kháng, ông đã sáng tạo những phương pháp đặc thù (nhảy cóc chữ V, chữ chi, vặn dây thừng, vặn và đẩy cây v.v.) cùng những cách té ngã an toàn về tứ phía. Ông cũng triệt để uốn nắn, chỉnh hình khung xương của con người mà quan trọng nhất là xương sống (tư thế Nghiêm).
Hệ thống vật của Sáng tổ phần lớn là ôm vật nhưng cũng có thế nhảy từ xa lao vào vật khi tình thế cho phép. Cao cấp nhất và cũng nguy hiểm nhất chỉ dùng trong những trường hợp có tính cách sinh tử đó là Vật bằng chân gồm 12 thế từ sát mặt đất lên gáy hoặc cổ đối phương.  Những thế vật này thực hiện khi ôm đối phương hoặc từ khoảng cách xa (các thế đá, đạp bằng hai chân số 7, 8, 9, 10 không thuộc hệ thống vật). Sau này, 12 thế vật bằng chân nguyên thủy được cải biến, phát triển thành 21 đòn chân cơ bản như hiện nay.

C. Thực hành nghi thức Nghiêm lễ.

Từ trước đến nay, việc thực hành nghi thức Nghiêm lễ trong mọi trường hợp, với mọi đối tượng đều chỉ có một cách và còn tùy tiện.
Từ ngày Sáng Tổ Nguyễn Lộc qua đời, nghi thức Nghiêm lễ còn được dùng làm nghi thức bái tổ. Thế nên, chúng ta cũng cần xác định nghi thức này được dùng trong các trường hợp: hành lễ bái tổ, chào kính người trên, đáp lễ, chào nhau, nhận nhau, cảm ơn hoặc xin lỗi.
1. Nghi thức bái tổ.
Hành lễ trước bàn thờ hoặc hình Sáng tổ Nguyễn Lộc và Võ sư trưởng Lê Sáng: Tất cả các thành viên Vovinam tham dự buổi lễ đứng theo tư thế nghiêm, 2 tay khoanh trước ngực thật nghiêm chỉnh. Có thể sắp hàng trước hoặc hai bên bàn thờ, cách vị trí hành lễ tối thiểu 1 mét.
Khi hành lễ, tùy theo diện tích khu vực hành lễ – từng nhóm 3-5 người hay nhiều hơn tiến lên vị trí hành lễ (từ 2 người hành lễ trở lên, người chủ lễ phải hô khẩu lệnh). Vì tất cả đang trong tư thế nghiêm nên chỉ hô hai khẩu lệnh:”Nghiêm-lễ và Lễ”.
Khi nghe khẩu lệnh:”Nghiêm-lễ”, tất cả các thành viên bỏ tay trái xuôi thẳng sát thân người (tư thế Nghiêm-lễ).
Khi nghe khẩu lệnh: “Lễ”, tất cả nghiêng người về phía trước.
Lễ xong tự động xoay về một phía và khoan thai rời khỏi vị trí hành lễ. Quay trái hay quay phải hoặc quay ra cả hai phía tùy theo địa điểm hành lễ và sự tính toán trước của Ban tổ chức.
Các nhóm kế tiếp hoặc hàng ngang hoặc hàng dọc nhịp nhàng tiến lên vị trí hành lễ thay thế nhóm trước và tuần tự cho đến hết.
Trên đây là hình thức hành lễ duy nhất, thay thế tất cả mọi nghi thức tôn giáo hoặc các nghi thức khác để nói lên sự đồng tâm nhất trí, sự đoàn kết, sự bình đẳng của gia đình Vovinam trên khắp thế giới. Việc thắp hương cũng nên chừng mực để tránh ô nhiễm môi trường, nhất là khi cử hành lễ trong phòng có máy lạnh.
2. Chào kính người trên.
Nghi thức Nghiêm lễ được dùng để chào kính trong lớp võ: trò chào thầy và thầy đáp lễ; chào kính người trên (bậc thầy, đàn anh, trình độ cao hơn, thành viên lớn tuổi v.v.) dù mặc thường phục hay võ phục. Chỉ dùng Nghiêm lễ trong khuôn viên gia đình Vovinam (tổ đường, võ đường, câu lạc bộ, tư gia thành viên). Lưu ý: Trong khi nghe bậc thầy giảng huấn, thuyết trình, tất cả các thành viên đều phải đứng ngay ngắn hoặc ngồi thẳng.
Trong lúc đang dạy võ, võ sư và huấn luyện viên không được phép bỏ lớp để hành lễ với bất cứ người trên nào. Việc tiếp đón do người phụ tá hoặc trưởng lớp đảm nhận, trừ trường hợp việc viếng thăm có báo trước. Khi người trên muốn đến thăm chính thức lớp học để giảng huấn hoặc kiểm tra cần nên hẹn trước. Trong trường hợp đặc biệt quan trọng không kịp báo trước, thì trước khi mời, chào khách, vị võ sư đang huấn luyện phải xin lỗi lớp học bằng cách nghiêm lễ trước lớp, bất kể lớp học ở trình độ nào.
Trong trường hợp hội họp, hành lễ – ngoại trừ vị chủ tọa – tất cả các thành viên khác nếu đến trễ không được tự ý vào ngang mà phải nghiêm lễ (xin lỗi đã tới trễ) và khi vị chủ tọa cho phép, thì mới được vào vị trí hội họp hoặc hành lễ. Đây là nguyên tắc chung, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể linh động hoặc sắp xếp sao cho đảm bảo tính nghiêm túc của buổi họp, buổi lễ, tốt nhất là không nên đến trễ.
3. Đáp lễ.
Bất cứ thành viên nào kể cả vị đứng đầu gia đình Vovinam cũng phải đáp lễ bằng nghi thức Nghiêm lễ một cách nghiêm chỉnh.
4. Chào nhau.
Tất cả thành viên trong gia đình Vovinam nên luôn luôn Nghiêm lễ khi gặp nhau và luôn luôn hiểu rằng mỗi lần Nghiêm lễ là mỗi lần chúng ta trau dồi ba tinh hoa của Vovinam: Võ thuật – Tình Vovinam – và Đức hạnh Vovinam. Việc nghiêm lễ trước hay sau do kỷ luật tự giác của mỗi thành viên, nhưng tuyệt đối không nên để xảy ra vấn đề đứng chờ được chào (có thể vì phản ứng chậm, chưa rõ địa vị người đối diện hoặc thậm chí đó là một hành vi hỗn xược v.v.)
Ngoài xã hội, nơi công cộng, nghi thức hành lễ được giản dị hóa bằng hình thức chỉ đặt tay phải lên tim. Đó cũng là dấu hiệu chào nhau và nhận nhau.
Vì nghi thức Nghiêm lễ chỉ dùng trong nội bộ Vovinam, nên trước cử tọa ngoài xã hội, quan khách đến dự lễ của môn phái không thuộc gia đình Vovinam hoặc không liên quan đến Vovinam, trước khán giả quần chúng v.v., các thành viên Vovinam chỉ chào theo nghi lễ xã giao bình thường (trịnh trọng, nghiêm trang, nghiêng mình về trước mà không cúi đầu hay gật đầu).
Những nguyên tắc kể trên được nêu lên nhằm nhắc nhở các thành viên gia đình Vovinam thực hiện khi dự lễ hội, khi giao tế dân sự v.v. và nhất là khi đi biểu diễn võ thuật.
Khi thực hành nghi thức Nghiêm lễ, tuyệt đối không được đeo găng tay dù mỏng hay dầy (phải tháo găng tay phải khi nghiêm lễ), cũng không được đội mũ, đeo mặt nạ, đeo kính mát, để khỏi làm giảm giá trị ý nghĩa nghi thức nghiêm lễ và khỏi thất kính với Sáng tổ Nguyễn Lộc. Trong trường hợp bất khả kháng thì tốt nhất là các thành viên Vovinam không nên thực hiện nghi thức Nghiêm lễ.

Thế Tùng