Social Icons

Pages

Hiển thị các bài đăng có nhãn du lich ha nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du lich ha nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

ĐỘNG PHÚC LONG


Từ thành phố Phủ Lý theo quốc lộ 1A đi về phía Ninh Bình 2km, rẽ phải theo đường qua cầu Đọ về Châu Sơn 4km sẽ đến động.
Động Phúc Long nằm trong khu vực núi Chùa thôn Châu, thuộc núi Kiện Khê (còn gọi là núi Thiên Kiện). Núi Chùa là một trong số những ngọn núi nối đuôi nhau ở địa phận thôn Châu Sơn và thôn La Mát thuộc Kiện Khê. Núi Chùa là ngọn trung tâm, trên đó có chùa Hang, có khu miếu ở phía bắc chùa. Vua Trần Duệ Tông (1373-1377) đã cho lập đền thờ trên núi, đền thờ này bị nhà Nguyễn phá vào năm Tân Dậu (1801) và cho xây lại ở thôn Châu như vị trí hiện nay. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, tục truyền trên núi Thiên Kiện có cây tùng cổ có rồng quần ở trên, vua Trần Thái Tông đã lập hành cung và Trần Đế Nghiễn cho quân vận chuyển tiền đồng về cất giấu năm 1379 ở nơi đây. Thời Pháp thuộc, Viễn Đông bác cổ đã liệt hạng núi Chùa là cổ tích danh thắng (ngày 01 tháng 6 năm 1925).
Núi Chùa do các khối đá vỉa xếp chồng chất, lởm chởm như đầu con rồng. Có mỏm đứng chơ vơ trên đỉnh như sừng rồng, nhiều mỏm đá dựng ngược như tóc rồng, phía nam núi có một mái đá nhô ra, dưới mái đá có những vỉa bò lan, nổi cộm lại thành miệng con rồng mà ngôi chùa như hạt ngọc nằm gọn trong miệng con rồng, nhiều vỉa đá xếp thành các bậc thang rất thuận tiện cho việc lên núi ngắm cảnh. Trên đỉnh núi có nhiều cây cổ thụ kiểu dáng khác nhau, từ đây có thể bao quát cảnh sơn thủy hữu tình của sông Đáy, núi Bút Sơn, thành nhà Hồ, núi rừng Thanh Thủy và dòng sông Đáy.
Từ đất bằng leo lên chừng 2m tới cửa động, từ cửa động đi vào chừng 5m tới một ngã ba, rẽ bên phải đi xuống dần hàng chục mét là động có nhiều thạch nhũ đẹp, rẽ bên trái là đường lởm chởm nhũ đá nhô lên, rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Động Phúc Long có dáng một con rồng thắt túi, có nhiều dơi bám trên vách nên nhân dân địa phương còn gọi đây là hang dơi. Động Phúc Long có sức chứa vài trăm người. Động hài hòa với cảnh quan núi Chùa, ngay bên cạnh là đình và chùa thôn Châu, tạo thành một di tích thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách gần xa.

BÁT CẢNH SƠN

Quần thể di tích thắng cảnh Bát cảnh sơn nằm ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam
Từ thành phố Phủ Lý, theo quốc lộ 22 đi 13km là đến quần thể danh thắng Bát cảnh sơn (hoặc có thể đi từ Đồng Văn theo quốc lộ 60).
Vùng núi Bát Cảnh Sơn
Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi với địa hình hiên có nhiều tiềm năng phong phú. Dãy Bát cảnh sơn đứng bên tả ngạn sông Đáy, dựa lưng vào vòng cung Nam Công (Kim Bảng – Hà Nam và Tuyết Sơn, Hương Tích – Hà Nội), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Xét theo tổng thể ở phạm vi rộng thì Bát cảnh sơn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau liền mạch trong dãy núi đá vôi Hà Nam – Hà Tây. Theo vị trí địa lý hành chính. Bát cảnh sơn là "tiểu thắng cảnh", là cửa ngõ Hương Sơn, nằm trong xã Tượng Linh, nơi ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Nội).
Từ lâu, dãy Bát cảnh sơn (dãy núi có 8 cánh) được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ XVI, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn. Xưa kia, ở Bát cảnh sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Có thể do tám ngôi chùa mà vùng núi này được đặt tên là Bát cảnh sơn? Ngày nay, mặc dù một vài cảnh quan đã bị hủy hoại vì chiến tranh nhưng hàng năm khách vãn cảnh chùa Hương và khách du lịch thập phương vẫn về thăm với một số lượng khá đông.
Bát ảnh sơn bao gồm:

1. Đền Tiên Ông (đền Ông).

Được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con vui phủ phục (nhân dân thường gọi là voi quỳ). Núi Tượng Lĩnh là điểm đầu tiên trong hệ thống Bát cảnh sơn.

Đền Tiên Ông
Từ km 13 quốc lộ 22, theo đường đá thoai thoải tới phía bắc chân núi Tượng Lĩnh, qua 5 gian nhà khách, 3 gian nhà tổ, du khách đi 108 bậc đá lên đền. Đền hình chữ tam: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu cung 1 gian. Đền trước vốn nhỏ, sau nhiều lần trùng tu mới có được quy mô đồ sộ như ngày nay. Tiền đường được kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái cong, 4 góc đầu dao hình rồng mềm mại, mái lợp ngói nam đều đặn. Tòa trung đường xây kiểu hồi văn cánh bảng tam đấu, hậu cung cuốn vòm. Ở đây còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng. Đặc biệt ở đây còn có 2 pho tượng, 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng được thờ trong hậu cung.
Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát. Sự tích Tiên Ông được truyền thuyết kể rằng cha của Tiên Ông quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh), là quan to trong triều nhà Trần, có tới 23 thê thiếp mà vẫn chưa có con trai. Đến khi đi kinh lý ở trấn Sơn Nam, tại xã Thịnh Đại (nay là xã Đại Cương) huyện Kim Bảng, thân phụ ngài lấy tới thê thiếp thứ 24 mới sinh được ngài. Ngài sinh ra đã có tướng mạo khác thường, lớn lên chỉ một lòng đèn hương thờ Phật. Ngài chu du khắp nơi tìm thầy học đạo. Vào một ngày, ngài đến khu Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh) thấy dãy Bát cảnh sơn hùng vĩ bèn lập một ngôi chùa dưới chân núi động Tam Giáo để thờ Phật và thờ tổ tiên cha mẹ, gọi là chùa Tam Giáo. Sinh thời ngài có rất nhiều công lao đối với nhân dân địa phương như cứu giúp kẻ nghèo khó, chữa bệnh cứu người. Khi đắc đạo, ngài hóa thân vào cây "Đại nại" và dặn rằng hãy lấy cây gỗ đó để tạc tượng thờ, còn lấy đồng tạc tượng thờ thần. Dân nhớ ơn lập đền thờ tạc tượng gỗ và tượng đồng theo lời dặn của ngài.
Các pho tượng rất linh thiêng, trải bao lần đền bị chiến tranh giặc giã phá hủy, pho tượng đã nhiều phen bị mang đi nhưng không ai đụng tới được. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã mang tượng đồng ở đền thờ ngài đi đúc tiền đồng nhưng búa rìu không chạm được vào tượng, tượng chỉ đổ mồ hôi, còn quân lĩnh chạm vào tượng thì bị rìu chặt vào chính chân mình. Nguyễn Hữu Chỉnh sợ hãi khấn rằng, nếu Ngài linh thiêng thì hãy cho sông Châu bên mưa, bên tạnh. Quả nhiên là ứng nghiệm. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Chỉnh phải sai quân lính mang tượng trả lại về đền. Nhiều vị vua, chúa như Lê Thái Tổ, Lê Dụ Tông, Trịnh Doanh, Trịnh Tùng, Trịnh Sâm, Mạc Phúc Hải đã tới thăm đền. Tương truyền, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh là con cầu tự của ngài.
Nhớ ơn ngài, cứ đến ngày rằm tháng 6 hàng năm, hai làng Thịnh Đại, Quang Thừa tổ chức lễ hội rất long trọng, khách thập phương ở nhiều nơi cùng về tham dự.

2. Chùa Ông.

Phía trước đền Tiền Ông là một hồ nước lớn hình bán nguyệt bao quanh phía bắc núi Tượng Lĩnh. Hồ có diện tích 320 mẫu, có nước quanh năm, độ sâu trung bình là 4 đến 5m. Truyền thuyết kể lại trước đây ở giữa hồ có một ngôi chùa, gọi là Chùa Ông. Năm 1901, do ảnh hưởng của lũ lụt, chùa bị cuốn trôi. Hiện nay, hồ có nhiều loại cá to, diện tích mặt nước có thể khai thác du thuyền và câu cá.

3. Chùa Tam Giáo.


Chùa Tam Giáo
Từ đền Tiên Ông, men theo sườn núi khoảng 1km là đền chùa Tam Giáo, Chùa Tam Giáo xưa kia có hàng trăm gian với hàng trăm pho tượng Phật uy nghi tráng lệ. Truyền thuyết kể rằng, khi xây dựng chùa, có rất đông thợ làm. Tiên Ông có nồi cơm và lọ muối vừng ăn hết lại đầy.
Chùa được xây dựng dưới chân núi, ở đây có một suối nước chảy từ lòng núi ra, tương truyền, dòng suối này mỗi ngày chảy ra hai bát gạo và hai đồng tiền đủ cho nhà sư sinh sống. Sau có kẻ tham biết chuyện đã đục cho miệng suối rộng ra, từ đấy gạo tiền không chảy ra nữa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là căn cứ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh, chùa từng là kho tiếp liệu của công binh xưởng Liên khu III, lại vừa là Văn phòng thường trực Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến Liên khu III những năm 1947– 1950. Trên đường từ đền Tiên Ông đến chùa Tam Giáo trước đây có rất nhiều hang động đẹp, đến nay do biến động của thiên nhiên, do sự khai thác của con người, nhiều hang đã bị phá hủy.
Chùa Tam Giáo mới được khôi phục lại những năm gần đây. Chùa hình chữ đinh, có 5 gian đại tế và một hậu cung, đại tế tạo 8 mái chồng diêm, lợp ngói nam.

4. Chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng.

Tất cả những ngôi chùa trên từng tạo thành một quần thể vừa linh thiêng, vừa là danh thắng đẹp mắt. Tiếc rằng, cho đến nay, 6 ngôi chùa kể trên đều không còn, có chùa đã bị san bằng, có chùa chỉ còn lại nền móng.
Cách chùa Tam Giáo 150m đi ngược lên đỉnh núi là chùa Kiêu. Chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi cao, từ đây có thể bao quát một vùng rộng lớn phía đông nam xã Tượng Lĩnh. Hiện nay chùa chỉ còn nền móng và một động nhỏ rộng 10m2. Dọc đường có 3 tấm bia khắc vào vách núi. Bên cạnh động có khối đá vuông mặt nhẵn nhụi trên có ghi chữ Hán: "Nhật nguyệt trường quang". Tục truyền ngày xưa cứ đêm trăng sáng, Tiên Ông cùng ngồi đánh cờ với các quan nhà trời.
Từ chùa Kiêu, vượt qua đường đèo và 3 thung lũng, qua 5 ngọn núi là đến chùa Vân Mộng. Tương truyền chùa Vân Mộng là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và trụ trì. Ngôi chùa cũng đã đi vào sách vở với ghi chép của Lê Quý Đôn trongVân đài loại ngữ. Tục truyền, vua nhà Lý bị đau mắt không thuốc nào chữa khỏi. Nghe tin ở chùa Vân Mộng có Quỷ Cốc tiên sinh thông tuệ thiên địa bèn đến cầu thì được biết nhà vua đau mắt là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, cần có người hiến tế thì nhà vua mới khỏi bệnh. Sau có ông bà bán dầu Vũ Phục nhảy xuống sông, quả nhiên nhà vua lành mắt.
Chùa Vân Mộng nằm trên sườn núi chênh vênh quyện cùng khói mây huyền ảo, xung quanh có rất nhiều hang động lớn nhỏ kỳ thù bí ẩn, có những hang sâu 30m, rộng khoảng 300m2 như hang Dơi, hang Bạc, hang Vàng… Từ đây có thế đến thung Bế, thung Vạc của xã Tân Sơn. Hiện nay chùa chỉ còn nền móng cũ và một vài hiện vật như bia khắc vào vách núi, bát hương đá, đá tảng kê chân cột. Phía tây chùa có núi Hai Quả cao chót vót, lưng chừng núi có hang Dơi, vì ở đây có rất nhiều dơi đến trú ngụ, có những con to như cái quạt giấy. Cửa hang hình miệng rồng, hang sâu 50m. Đặc biệt trong hang có một hồ nước nhỏ, vòm hang có nhiều nhũ đá tự nhiên với nhiều hình thù kỳ lạ, đẹp mắt.
Ngoài ra, ở vùng Bát cảnh sơn xưa kia còn các ngôi chùa Bà, chùa Dâu, chùa Bông, chùa Cả hiện nay không còn dấu tích để lại.
Địa linh nhân kiệt, Bát cảnh sơn không chỉ nổi tiếng là danh thắng mà còn nổi tiếng về người hiền tài. Huyện Kim Bảng có 5 nhà khoa bảng thì Tượng Lĩnh có tới 3 người. Tượng Lĩnh còn được coi là nơi phát tích truyện trầu cau vì ở đây còn có suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay gọi là suốt Tân Lang), có chợ trầu (này là chợ Dầu).
Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với những dấu tích xưa còn lại, quần thể Bát cảnh sơn nếu được khai thác đúng hướng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái – văn hoá hấp dẫn trên đất Kim Bảng, Hà Nam.

TÌM HIỂU VỀ NÚI NGỌC


Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thành phố Phủ Lý, ngược sông Đáy 7km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.
Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống hướng tây bắc đông nam qua xã Tượng Lĩnh – Khả Phong – Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy.
Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng.
Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.

DU LỊCH HANG LUỒN - AO DONG

Quả núi có cửa hang

Từ thành phố Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21, đến cây số 11, rẽ trái 500m là tới hang.Trước cửa hang, có hai quả núi thấp đứng đối nhau tạo nên một cửa đá đồ sộ chắn ngang trước cửa hang. Mặt bằng trước hai quả núi này rất rộng, đây là một điểm dừng chân lý tưởng để ngắm toàn cảnh khu vực núi non và hang Luồn.
Đi thuyền trên ao Dong
Đây là khu vực được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao, ở giữa thung lũng này nổi lên một dãy núi thấp, dãy núi này có hang Luồn. Miệng hang Luồn chính là mặt trước của dãy núi nhìn ra cửa đá. Trước mặt hang là một bãi đất rộng có một con kênh lớn chứa nhiều nước. Về mùa mưa, đây là một bến thuyền. Mùa cạn có thể vừa đi thuyền, vừa đi bộ xuống cửa hang. Nguồn nước ở đây từ các khe núi cao đổ xuống, tỏa vào các kênh, các mạch ngầm rồi dẫn ra sông Đáy. Chính vì vậy, nước rất trong và sạch, có thể nhìn thấu đáy. Về mùa mưa, nước dâng lên sát trần hang nhưng cũng chỉ chốc lát là rút hết, chỉ giữ lại một lượng nước vừa đủ để vào hang.


Cửa hang Luồn

Miệng hang Luồn có hình vòm vách núi, chỗ nhô ra, chỗ lõm vào, chỗ thì chạy thẳng xuống lòng hang, vách thì uốn cong. Đặc biệt có vô số các nhũ đá hình thù muôn vẻ, cái từ trần hang rủ xuống, cái từ vách đá chồi ra kéo dài suốt chiều dài cửa hang. Chiều dài hang Luồn khoảng 400m, chiều rộng của hang vừa đủ cho một đoàn khách đi thuyền ngắm các vách núi với các nhũ đá kỳ lạ và nghe tiếng nước rỏ tí tách. Trong ánh sáng mờ ảo du khách sẽ cảm thấy bập bềnh, rồi du thuyền sẽ đưa du khách tới một không gian mở ra choáng ngợp khi gặp ao Dong.


Nhũ đá kỳ thú trong hang
Ao Dong rộng khoảng 300 mẫu, nước trong vắt có thể nhìn thấy từng con cá bơi, thấy cả thảm thực vật, đặc biệt là các loài rong núi, ngay cả ở mực nước sâu tới 3m. Ao Dong được tạo nên bởi các dãy núi cao, với rừng cây bên sườn núi. Động vật ở đây khá đa dạng, cỏ trắng, sơn dương rất nhiều tạo thêm sự sinh động hấp dẫn cho cảnh quan. Các ngọn núi in bóng xuống làn nước trong vắt của ao Dong tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Hang Luồn, ao Dong với sự kết hợp hài hòa của núi non cây cỏ, trời xanh, nước biếc, quần thể động thực vật hoang dã phong phú là điểm du lịch sinh thái có giá trị của tỉnh Hà Nam.

LỄ HỘI TỊCH ĐIỀN (VUA ĐI CÀY)


Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lần đầu tiên nghi thức lễ tịch điền này được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành và sau nhiều năm thất truyền, được khôi phục từ năm 2009 vào mùng 7 tháng Giêng.
Lịch sử ghi lại: mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Đến triều Nguyễn, lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì nhưng lễ này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định.
Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, mỗi người dân Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5-7 tết âm lịch với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh…
Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi ông nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Lễ tịch điền được tiến hành theo thứ tự: vua Lê Đại Hành cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá.
Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Vào năm 2010, lần đầu tiên chủ tịch nước Việt Nam (ông Nguyễn Minh Triết) cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ tịch điền Đọi Sơn.
Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý….

Năm 2009 cũng là năm đầu tiên mà tỉnh Hà Nam tổ chức giải đấu vật tại Đọi Sơn.
Lễ hội góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Duy Tiên, nơi có nhiều danh thắng đẹp, có chùa Long Đọi Sơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia cày ruộng tại Lễ Hội tịch Điền
Dưới cánh đồng ở chân núi Đọi Sơn (Hà Nam), sau khi làm lễ dâng hương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dắt trâu đi cày. Đây là một trong những nghi thức tại lễ hội Tịch điền (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) diễn ra tại cánh đồng Đọi Sơn.
Đây là một trong những lễ hội lớn diễn ra đầu xuân được duy trì trong 6 năm gần đây, mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa cội nguồn.
Sau đây là những hình ảnh ghi lại cảnh tái hiện vua đi cày trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn:


Các chú trâu trước khi cày được kiểm tra kỹ lưỡng


Các vị bô lão già nhất trong xã sẽ đại điện người dân đi từ cuối thửa ruộng lên sân khấu để làm lễ tế trời đất
  
Nghi thức tế lễ bắt đầu
  
Trong khi nghi thức lễ tế đang diễn ra, trâu để cày những sá đầu tiên trong tư thế sẵn sàng
  
Những chú trâu chiến thắng trong lễ vật Đọi Sơn sẽ được sơn vẽ và cày những sá tiếp theo  

Những sá cày mong ước một mùa màng bội thu, no ấm
  
Hàng ngàn người dân nô nức đến xem

   
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp dắt trâu đi cày và rắc hạt xuống những luống cày   
  

Những cô gái sẽ theo đường cày sau rắc hạt lúa, hạt ngô
Ở thửa ruộng bên, những chiếc mày cày cũng đi những luống cày cho đất tơi xốp
   
Một số trò chơi dân gian khác trong lễ hội

Những chú trâu sau lễ hội trở về với đồng ruộng
Các liền anh, liền chị cũng có mặt trong lễ hội Tịch điền

 

LY KỲ CHÙA TRINH TIẾT VỚI TẢNG ĐÁ "BỤT" BIẾT LỚN LÊN NHƯ NGƯỜI


“Tảng đá tự lớn” trên đỉnh Bồ Đà

Tảng đá có hình ông Bụt này nằm trong khuôn viên của chùa Trinh Tiết thôn Động Xuyên, xã Thanh Hải (Thanh Liêm, Hà Nam).
Ly kỳ “tảng đá biết lớn lên như người"
Đó là lời đồn về một tảng đá có hình ông Bụt trong khuôn viên của chùa theo năm tháng cũng tự mình lớn lên chẳng khác gì một con người. Chính vì câu chuyện kỳ lạ chưa rõ thực hư này mà bao nhiêu người đã không quản ngại đường sá xa xôi cất công về tận nơi để được chiêm ngưỡng một sự lạ mà họ chưa từng được thấy trong đời.
Trụ trì chùa Trinh Tiết là Đại đức Thích Thanh Hưng đưa chúng tôi đến chỗ tảng đá có tên là tượng Bụt Mọc được cho là tảng đá "thần" có khả năng tự lớn. Đó là một tảng đá lớn nhô cao giữa vô số các nhũ đá tai mèo nhỏ hơn kết thành những vòng tròn quây quần xung quanh. Tảng đá "thần" có đỉnh nhọn hoắt như một mũi tên đâm thẳng lên trời nhưng nhìn kỹ lại thấy có nhiều nét giống hình dáng của một ông Bụt đang ngồi trên một đài sen mà những nhũ đá tai mèo chính là những cánh sen gối lên nhau từng lớp đều đặn.
Đại đức Thích Thanh Hưng cho biết, nhiều người dân đã gắn bó cả cuộc đời ở nơi này, mỗi lần lên chùa thắp hương, vãn cảnh đều quả quyết tượng Bụt Mọc đã lớn hơn rất nhiều so với những năm trước, khi họ còn là những đứa trẻ. Cụ Trần Ngọc Kim năm nay đã hơn 70 tuổi, người đã có hơn 20 năm trông giữ chùa cũng khẳng định chuyện tảng đá tự lớn là có thật.
Cụ cho biết, khi mình còn nhỏ, thỉnh thoảng vẫn cùng lũ trẻ chăn trâu leo lên núi Bồ Đà chơi. Lúc đó, chùa Trinh Tiết chỉ là một ngôi chùa bị bỏ hoang, quanh năm không người nhang khói và tượng Bụt Mọc cũng chỉ cao bằng đứa trẻ lên 7. Bẵng đi nhiều năm, khi tóc đã hoa râm, trong một lần trở lại núi Bồ Đà, cụ Kim ngỡ ngàng nhận ra khối đá vô tri vô giác ngày nào chẳng hiểu vì lẽ gì cũng đã cao bằng mình. Ban đầu, cụ còn tưởng mình bị hoa mắt chóng mặt vì leo núi hoặc mắc phải chứng bệnh hoang tưởng. Nhưng sau đó, thấy nhiều người cùng có kết luận giống mình, cụ mới tin đó là sự thật.


Cảnh chùa Trinh Tiết
Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người dân lui tới chốn này để cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống. Ngôi chùa một thời chìm trong quên lãng bắt đầu được tu sửa lại nhờ tiền công đức của khách thập phương cùng công sức đóng góp của những người dân tình nguyện trong vùng. Những giai thoại kỳ lạ về ngôi chùa trên đỉnh Bồ Đà cũng được khơi lại một cách tự nhiên trong những câu chuyện "trà dư tửu hậu" thường ngày.
Những giai thoại nhắc chuyện người xưa.
Giải thích về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chùa Trinh Tiết, cụ Trần Ngọc Kim cho biết, hầu hết trong số đó là những giai thoại được nhân dân thêu dệt lên rồi truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng theo sử sách ghi chép lại thì ngôi chùa linh thiêng này xưa kia có tên là Phật Tích Tự chứ không phải chùa Trinh Tiết như bây giờ. Cái tên Trinh Tiết bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV và gắn liền với tên tuổi của một cô công chúa nhà Trần.
Chuyện kể rằng, vào giai đoạn hậu kỳ nhà Trần, triều đình thối nát, xã hội rối ren, trăm họ rơi vào cảnh lầm than đói khổ. Sẵn quyền hành trong tay, lại có âm mưu tạo phản từ lâu, Hồ Quý Ly đã ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Án lúc đó mới được 3 tuổi. Để đề phòng Hồ Quý Ly hãm hại, võ tướng Nguyễn Bằng được lệnh đưa công chúa Trần Thị Bạch Hoa khi ấy vừa tròn 17 tuổi, xinh đẹp như trăng rằm, tâm sáng tựa sao khuê, chạy trốn.
Trên đường chạy trốn, đến bãi Kẽm Trống bên bờ sông Đáy, họ dừng chân dưới chân núi Bồ Đà thuộc dãy Cầm Long. Thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình đẹp như tranh vẽ, công chúa Bạch Hoa lưu luyến không muốn rời đi. Trong lúc lên núi vãn cảnh, bắt gặp ngôi chùa bị bỏ hoang, nàng đã quyết định lưu lại chốn này, hàng ngày lấy việc giúp người, giúp đời làm vui.
Công chúa Bạch Hoa đã gắn bó với ngôi chùa bị bỏ hoang ấy đến cuối đời, làm rất nhiều việc tốt cho dân chúng trong vùng nên được người dân hết lòng tin yêu, kính trọng. Cũng tại nơi này, bà đã "thác tích" về cõi Phật khi vẫn còn là một "trinh nữ" không vướng chút bụi trần. Để tỏ lòng tiếc thương công chúa Bạch Hoa vì đã có nhiều công lao với dân chúng trong vùng, người dân ở đây đã đổi tên chùa thành "Trinh Sơn Tự" với mong muốn tôn vinh đức hạnh và trinh tiết của người phụ nữ. Nhưng người dân chỉ quen gọi một cách dân dã là chùa Trinh Tiết, lâu dần thành tên gọi phổ biến được hầu hết mọi người biết đến.
Đại đức Thích Thanh Hưng cho biết thêm, trên đỉnh Bồ Đà còn có Lăng Quy Tượng là một lăng mộ chôn rất nhiều tượng cổ. Đó là những pho tượng lâu đời có chiều cao trên dưới 1m, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng vì tượng đã bị hư hỏng nên được nhà chùa cùng chính quyền địa phương quy tụ lại đem chôn trên đỉnh núi. Cũng vì lẽ đó mà mộ được đặt tên là tên Lăng Quy Tượng với ý nghĩa chỉ lăng mộ quy tụ các pho tượng.
Hiện nay, trên chùa Trinh Tiết vẫn còn những văn bản chữ Nôm được ghi khắc trên bia đá. Tuy đã bị thời gian bào mòn theo năm tháng, nhưng những vết tích cổ xưa ấy vẫn là một minh chứng sinh động cho lịch sử vàng son của một ngôi chùa được xếp vào loại độc đáo nhất vùng. Nằm trong quần thể di tích Kẽm Trống, trải bao tháng năm lịch sử, chùa Trinh Tiết vẫn còn đó như một biểu tượng bất tử về đức hạnh của người phụ nữ, nhắc người đời sau sống trọn với bốn chữ vàng "Tiết hạnh khả phong".

QUẦN THỂ DI TÍCH DANH THẮNG ĐỌI SƠN




Núi Đọi - sông Châu - biểu tượng thiên nhiên vượt trội, tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, cũng như tháp Sùng Diện Thiên Linh xây dựng thời Lý dưới triều Lý Nhân Tông đã và đang lưu dấu trong sử sách, từ lâu xa gần biết tiếng.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Đọi Sơn thuộc tổng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lúc đó có 3 thôn Đọi Nhất, Đọi Nhì, Đọi Tam, về sau ba thôn Trung Tín, Đọi Lĩnh, Đọi Trung được cắt về cho xã Đọi Sơn.

Núi Đọi cùng với núi Đệp là hai ngọn núi đất đột khởi giữa đồng bằng cùng với núi An Lão (Quế sơn) ở xã An Lão, Bình Lục được tạo thành bởi vận động kiến tạo cách ngày nay khoảng 250 triệu năm. Ba ngọn núi, 3 ở phía bắc tỉnh và một ở phía nam tỉnh cùng với sông Châu, sông Ninh (có người nhầm là sông Đào). Ghi một dấu ấn sơn thuỷ riêng của Hà Nam. Nếu chỉ chọn một biểu tượng, tất nhiên chỉ một điển hình là núi Đọi - sông Châu, nếu cần thêm biểu tượng phụ nữa thì có thể kể núi Quế - sông Ninh, Cấm Sơn - Sông Đáy.

Thời Lý chùa mang tên là Long Đội Sơn (hàm rồng), sau vào thời Hậu Lê đổi thành Đọi Sơn. Núi nằm ở giữa xã, cao khoảng 400m, chu vi khoảng 2500m. Quanh chân núi có chín cái giếng tự nhiên, dân gian gọi là chín mắt rồng. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra bốn phía phong cảnh thật nên thơ. Cánh đồng lúa, bãi ngô, ruộng khoai mượt mà, tươi xanh, xa xa dòng Châu Giang quanh co lượn khúc như dải lụa uốn éo chảy xuyên giữa.

Thuyết phong thuỷ nói rằng nơi đây phát nghiệp vương bá:

                             Đầu gối núi Đọi

                             Chân dọi Tuần Vường

                             Phát tích đế Vương

                             Lưu truyền vạn đại

Xung quanh chân núi đã phát hiện được nhiều mộ cuốn vòm kiểu Hán, đầu người chết quay vào núi. Đợt khai quật mộ thuyền ở xã Yên Bắc các nhà khảo cổ lại một lần chứng kiến đầu các ngôi mộ cũng nằm hướng núi Đọi. Có thể nhận định từ xa xưa, ít ra cũng vào thế kỷ I trước công nguyên tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là trái “núi Thiêng”.

Sông Châu, chảy qua xã, con đường nước nối sông Hồng với sông Đáy với các bến đò giao thương khá nhộn nhịp, thời gian còn lưu lại địa danh: chợ Dâu, gò bến…Con đường thiên lý xưa từng có một nhánh chạy qua bên Câu Tử vào đất huyện Duy Tiên qua xã Đọi Sơn để lên kinh thành Thăng Long. Kết quả khảo sát năm 2004 của Bảo tàng tỉnh Hà Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu Trung ương, bước đầu nhận định: tháng 7 năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ thành Hoa Lư về Đại La theo lộ trình đường thuỷ là chính: kinh đô Hoa Lư - sông Hoàng Long - sông Đáy - sông Châu. Đoàn thuyền Ngự đã qua đoạn sông Châu trên đất xã Đọi Sơn ngày nay ra cửa Lỗ Hà để vào sông Hồng rồi ngược lên Thăng Long.

Đọi Sơn - một vùng nông trang trù phú. Sông Châu chảy qua phía Đông xã, trước đây cung cấp lượng phù sa dồi dào làm mầu mỡ cho đất đai. Bãi dâu ven sông Châu quanh năm tươi tốt, nghề trồng dâu nuôi tằm được phát triển từ lâu trong vùng ở Tiên Phong, Mộc Nam…Mưu thuận gió hoà, cây cối tươi tốt ở đất này tôn nổi trái núi thiêng, sông nước trữ tình từng gắn bó với nhiều tao nhân mặc khách thăm thú, đề thơ vịnh cảnh như: Đàm Cửu Chỉ (thời Lý), Nguyễn Phi Khanh, Lê Thánh Tông (Thời Hậu Lê), Bùi Văn Dị, Nguyễn Khuyến, Vũ Duy Vĩ (thời Nguyễn).

Khách lên thăm chùa Đọi sẽ được thưởng thức hương vị thơm chát đậm đà của chè xanh núi Đọi.

Lần theo lịch sử, những di tích đầu tiên ở núi Đọi là khu mộ táng cổ có niên đại trước sau công nguyên ở khu vực ven Đầm Vực, khu Ao Ấu và gò con Lợn. Từ khu di chỉ đến chân núi chỉ khoảng 1km. Trong 11 ngôi mộ có ba ngôi thuộc loại quan tài hình thuyền, hai ngôi mộ đất kè đá, bốn ngôi mộ dát giường. Các ngôi mộ cũng quay đầu vào núi. Hiện vật chôn theo người chết được tìm thấy trong năm ngôi mộ chủ yếu là đồng hồ, đáng chú ý là con dao gặt lúa. Qua phân tích di cốt và di vật cho thấy người cổ Đọi Sơn mang những nét của chủng tộc Anh Đô Nê Diêng điển hình và họ đã sống vào thời kỳ xã hội bước đầu có sự phân hoá giàu nghèo, nghề canh tác lúa nước đã rất phát triển.

Cũng ở núi Đọi các nhà khảo cổ còn phát hiện trống đồng Đông Sơn  thuộc loại Heger IV có niên đại thế kỷ I trước công nguyên (loại hình duy nhất được biết ở Hà Nam) cùng một số đồ đồng Đông Sơn không nằm trong mộ, trong đó có chiếc rìu đồng lưỡi hình tròn, gót tròn.

Sử cũ chép lại: Mùa xuân năm 987 vua Lê Đại Hành về Đọi Sơn cày ruộng tịnh điền được một chĩnh vàng và một chĩnh bạc gọi là ruộng Kim Ngân. Như vậy mảnh đất này lần đầu tiên mở ra một tục lệ đẹp mà Lê Hoàn là người khởi xướng, các triều đại từ Lý đến Nguyễn noi theo…Thời gian đã hơn 1000 năm nhưng các địa danh ghi dấu sự kiện này vẫn còn đậm nét như: Nhà Hiến, dinh Trong, dinh Ngoài, tàu ngựa liên tiếp đến nhà vua và quan quân khi ở đây.

Nhà Lý đã sớm chú ý đến ngọn núi án ngữ ở mặt nam kinh thành Thăng Long, cũng lại mang ý nghĩa phong phú trấn yểm. Vì thế khoảng thời gian những năm Long Thuỵ Thái Bình (1054-1058) triều vua Lý Thánh Tông, tể tướng Dương Đạo Gia đã cho xây dựng ngôi chùa trên núi Đọi. Thiền sư Đàm Cửu Chỉ thế hệ thứ 7 của dòng Thiền Quang Bích nổi tiến trong tông phái Phật Giáo đã về đây trụ trì. Tên chùa Diên Linh và núi Long Đọi đã có từ thời đó.

Nhưng Đọi Sơn chỉ thực sự nổi tiếng kể từ khi vua Lý Nhân Tông cho xây dựng ngôi chùa và cây tháp Sùng Thiện Diên Linh năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), khởi công vào tháng 5 đến chùa Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1121) thì hoàn thành. Tháng 3 năm Nhâm Dần (1122)nhà vua mở hội khánh thành chùa Tháp.

Toàn bộ công trình kiến trúc quý báu đó đã bị quân Minh tàn bạo sang xâm lược nước ta phá huỷ. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cương, tượng thần Kinaras. Trải qua các triều Hậu Lê, Mạc, Nguyễn có khôi phục lại chùa. Lần tu bổ lớn nhất vào thời Nguyễn, quy mô chùa trên 100 gian, lớn nhỏ thiết kế nội, ngoại quốc. Chùa Đọi thời Lý xếp hạng là “Đại danh lam” kiêm hành cung, thời Pháp từng được liệt vào hạng các cổ tích danh thắng để bảo vệ.

Tháng 3 năm 1947 chùa Đọi bị chiến tranh phá huỷ. Sau này hoà bình lập lại ở phía Bắc, chính quyền và nhân dân đã tích cực tiến hành tu bổ, lần lớn nhất vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Năm 1992 chùa Đọi được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Từ đây công tác tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng được quan tâm, từng bước khôi phục các hạng mục. Đặc biệt năm 2002 một dự án tu bổ, tôn tạo lớp quần thể di tích danh thắng Đọi Sơn với vốn đầu tư từ Trung ương trên 10 tỷ đồng. Bước đầu tiên đặt cơ sở cho việc xây dựng dự án là tiến hành khai quật khảo cổ học để tìm lại dấu tích của tháp Sùng Thiện Diên Linh và bình đồ kiến trúc thời Lý. Đó cũng là sự mong đợi từ lâu của các nhà nghiên cứu nay mới được thực hiện. Cuộc khai quật do bảo tàng lịch sử Việt Nam chủ trì với sự tham gia đóng góp ý kiến của các giáo sư, tiến sỹ có uy tín thu được kết quả khả quan. Trong hố khai quật nằm giữa Hậu Cung của chùa và nhà hậu đã tìm thấy nền móng, các vật liệu kiến trúc cùng nhiều hiện vật thời Lý như tiêu bản trang trí, đồ gốm, đồ sành, kim khí. Đặc biệt có một số di vật quý có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Sau khi hoàn thành khai quật công việc tu bổ được tiến hành khẩn trương theo thiết kế kỹ thuật được thẩm định chu đáo.

Dự án tu bổ tôn tạo hoàn thành quần thể di tích danh thắng có một diện mạo mới với các công trình được xây dựng mới hoặc trùng tu: nhà khách, bãi để xe, cổng chùa, đường lên, toà tam bảo, phủ mẫu, đền Cổ Bồng, nhà tổ, nhà ở của tăng ni, mạng lưới cung cấp điện nước…Điều cần nhấn mạnh là công tác tu bổ, tôn tạo đã tuân thủ nghiêm túc các tiêu chí, nguyên tắc khoa học từ khi lập dự án đến quá trình thi công.

Còn phải kể thêm những di tích khác của quần thể nàỳ. Đó là việc phát hiện hai ngôi mộ cổ thờ Hậu Lê nằm ở rìa phía bắc Đầm Vực, phía đông Ao Ấu, cách núi Đọi khoảng 300m về phía nam. Hai ngôi mộ có niên đại Cảnh Hưng (1740-1786) triều vua Lê Hiển Tông giúp chúng ta hiểu thêm về phong tục mai táng và sự phân hoá giàu nghèo thời đó. Cũng là lần đầu tiên chúng ta phát hiện Văn từ huyện Duy Tiên ở trên núi về phía tây bắc cách ngôi mộ chùa khoảng 500m. Văn từ có quy mô khá lớn nhưng bị thực dân Pháp phá huỷ lấy vật liệu về xây bốt Điệp. Nay chỉ còn lại 6 bia đá, trong đó có 3 bia còn đọc được, thống kê các đỗ đạt của huyện từ thời Hậu Lê đến Nguyễn, cung cấp nguồn tư liệu rất có giá trị, trong đó có nhiều vị khoa bảng các cuốn “Đăng Khoa Lục” trước đây bỏ sót.

Lễ hội chùa Đọi hàng năm mở từ 12/3-21/3 âm lịch, chính hội vào ngày 21 là một lễ hội lớn thu hút rất đông du khách xa gần đến dự và vãn cảnh. Lễ hội với đám rước kiệu từ chân núi lên chùa nhằm tưởng nhớ Lý Nhân Tông và bà Ỷ Lan, người có công xây dựng mở mang ngôi chùa sau đó là lễ dâng hương, tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn trời Phật. Các trò hội có chơi cờ người, đấu vật, hát đối…và thi đấu thể thao. Tuy nhiên, lễ hội chùa Đọi mang tính chất Phật giáo nên việc tổ chức cần dày công hơn, cần đầu tư công sức nghiên cứu nghi lễ, trò vè cổ truyền đã từng mai một. Nên chăng về lâu dài đào hồ, dựng thuỷ tình mời đội rối nước về trình diễn để phục hiện một bộ môn nghệ thuật độc đáo đã được mô tả trên bia Sùng Thiện Diên Linh ở chính nơi tạc dựng tấm bia này.

Quần thể di tích - danh thắng Đọi Sơn ngày một đậm lên giá trị lịch sử , văn hoá và du lịch. Văn hoá vật thể đã được tu bổ tôn tạo. Văn hoá phi vật thể từng bước được làm phong phú. Đọi Sơn có trở thành điểm nhấn, dấu soi trên bản đồ du lịch Hà Nam như một sức hút không gì cưỡng được của khách du lịch hay không thì còn nhiều việc cần làm.



VỀ KỄM TRỐNG THĂM "NAM THIÊN ĐỆ TAM ĐỘNG"


Về Kẽm Trống thăm "Nam thiên đệ tam động"

Cách Hà Nội 80km về phía Nam, Kẽm Trống (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) là một danh thắng độc đáo được tạo ra bởi sông Đáy là ranh giới giữa Hà Nam - Ninh Bình. Năm 1962, Kẽm Trống được công nhận là một di tích thắng cảnh quốc gia. Xưa kia, khi qua nơi này, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết:

"Hai bên thì núi, giữa thì sông.

Có phải đây là Kẽm Trống không?

Gió dập sườn non khua lắc cắc

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.

Ở trong hang núi còn hơi hẹp,

Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.

Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,

Nào ai có biết nỗi bưng bồng".

Những dãy núi quanh Kẽm Trống có nhiều hang động. Nhưng được nhắc đến nhiều nhất trong đó là Địch Lộng. Nơi này nổi tiếng bởi ngoài vẻ đẹp của động, còn có một khu đình chùa cổ kính. Quần thể động - chùa Địch Lộng đẹp tới mức đã được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ "Nam thiên đệ tam động", có nghĩa là động đẹp thứ ba ở trời Nam.

Tương truyền, vào năm 1739, một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động. Khi vào trong, thấy có nhiều nhũ đá đẹp, đặc biệt trông thấy một nhũ đá có hình giống như tượng Phật nên lập bàn thờ Phật ở đó. Đến năm 1740 thì hình thành chùa.

Nói Động - Chùa Địch Lộng là nói gọn, chứ thực ra tại đây còn có đình với 16 cột đá nguyên khối, nên còn gọi là "đình đá"; có đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng; ba gian chùa Hạ, ở gian giữa có treo cuốn thư chữ Hán "Lưu Ly Bảo Điện" nói lên sự quý giá của ngôi chùa...

Từ Chùa Hạ qua phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động khiến bạn không thể không sửng sốt trước sự kỳ diệu của tạo hóa và sức tưởng tượng vô biên của con người. Trên cửa động đề 6 chữ: "Nham Sơn động, Cổ Am tự" là tên "cúng cơm" của Động - Chùa Địch Lộng.

Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp, trên mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn, được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu. Cũng tại đây, hai "giếng ngọc" quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi, có tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử.

Đứng tại "sân" này, phía bên phải là ngôi chùa có "mái" là vòm hang cao khoảng 20 mét, sâu khoảng 30 - 40 mét với khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thiếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

Trong động Địch Lộng còn có hang Tối và hang Sáng. Hang Tối nằm ở phía trái. Vào hang, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì mọc từ nền hang nhô lên. Tục truyền, đó là bầu sữa mẹ của tạo hoá. Từ trên nóc động, có nhiều nhũ đá chảy xuống trông giống như những cột chống trời.

Tại đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào cõi trùng điệp của đá với đủ mọi hình dáng ngoạn mục. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét chạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, đạt đến mức tinh xảo mà con người không thể nào làm được.

Đi hết hang Tối là đến hang Sáng. Ở trên cao, cửa hang Sáng thắt hẹp lại. Một khoảng lộ thiên, khi có gió thổi mạnh vào trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng, nghĩa là ống sáo thổi gió. Điều độc đáo ở hang Tối và hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì lanh lảnh như tiếng chuông.

Đó là những thạch cầm của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là những dải nhũ đá trong hang lấp lánh bảy sắc cầu vồng và mầu sắc thay đổi theo ánh sáng mặt trời.

Cùng với nét đẹp mê hồn, Động - Chùa Địch Lộng còn là di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và là nơi điều trị cho các nạn nhân của bom đạn Mỹ những năm chiến tranh ác liệt./.

 

 

 


Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

LỄ HỘI THỜ PHẬT Ở CHÙA ĐỌI


Trong các lễ hội thờ Phật, đặc sắc và đông đảo nhất là lễ hội chùa Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.
Hàng năm cứ đến ngày 21 tháng 3 âm lịch, chùa Đọi Sơn mở hội. Nhân dân trong vùng và rất đông khách thập phương đã về dây lễ và văn cảnh chùa. Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu đã hành lễ từ chân núi lên chùa làm lễ, dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông, người có công mở mang xây dựng chùa. Sau phần lễ dâng hương là các đội tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn Trời Phật.
Về phần hội, vào ngày lễ hội chùa Đọi Sơn, có nhiều trò vui được tổ chức như nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, dấu vật, đánh cờ người.








LỄ HỘI ĐỀN TRÚC




Đền Trúc thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.
Đền Trúc nằm ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Đền Trúc thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.
 
Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu từ đền đã về tới cửa đình làm lễ dâng thương. Sau đó, các đội tế trong trang phục tế đủ màu làm lễ tạ ơn Trời Phật. Sau nghi lễ cáo trời đất, thành hoàng chừng 3 tiếng đồng hồ thì đến các trò chơi như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi… Song nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc phải kể đến là múa hát dậm và đua thuyền.
 
Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.
Múa hát dậm là lối múa hát tương truyền Lý Thường Kiệt bày cho dân trong vùng khi ông thắng trận trở về dừng lại nghỉ ở đất này. Từ đó, vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.
 
Múa hát dậm được tổ chức ngay tại sân đền. Phường múa hát có từ 30 con dậm trở lên. Đây là những cô gái tuổi từ 13-15, thanh tân, xinh đẹp, có tài múa hát. Ai có chồng hoặc có tang không được hát. Đứng đầu phường hát là cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài, chỉ đạo múa hát. Cụ trùm thuộc lòng tất cả các làn điệu hát múa, trực tiếp điều khiển con dậm thực hiện chương trình tiết mục. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc… Trong múa hát dậm, điệu múa có các động tác mô phỏng các động tác chèo thuyền, lúc đứng hát cũng như khi quỳ lạy (gọi là chèo thuyền và chèo quỳ). Đây được coi là phần lễ gắn bó mật thiết với phần hội là hội đua thuyền trên sông Đáy. Cụ trùm được coi là một “quan chức” trong làng, được ưu tiên ưu đãi. Các con dậm thì chẳng được gì, lại còn phải đóng góp thêm. Nhưng được làm con dậm đã là một vinh dự chẳng phải ai cũng có. Bài bản hát dậm được ghi lại bằng chữ Nôm, có tên là: “Lý Đại vương bình Chiêm sự tích diễn ca”. Hát dậm có 30 tiết mục với hơn một nghìn câu thơ. Múa dậm kết hợp với hát, mô phỏng động tác dậm chân chèo thuyền (vì thế mới gọi là hát dậm). Ngoài hát dậm, hội đền Trúc còn có hát bỏ bộ, hát đúm. Trai gái đến tuổi trưởng thành, còn son đều đến hát với nhau trước cửa đền. Tối tối, họ đến đền lễ tạ rồi tản ra chung quanh, vào rừng, lên núi, dưới bóng cây, bãi đất… hát đối đáp tỏ tình…
Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2. Ngược với hát dậm, chỉ có nam giới mới được tham gia cuộc đua này. Số lượng thuyền đua tùy theo từng năm, thường có 3 thuyền dự thi. Ba đội đua với trang phục có màu sắc khác nhau. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, dài khoảng 8m, đầu và thuyền được đóng vuông. Phía trên đầu thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ và cắm một lá cờ hội nhỏ. Đoạn đường đua dài gần 3km trên sông Đáy. Điểm xuất phát từ trước cửa đền Trúc, đua đến chân cầu Quế rồi vòng trở lại. Mỗi thuyền đua gồm 18 người: 1 người lái thuyền, 16 tay chèo, 1 người gõ nhịp chỉ huy. Mỗi nhịp gõ, mỗi câu hò là một nhịp chèo tạo nên sự nhịp nhàng rất cao, Khán giả đến xem cổ vũ rất đông, tiếng hò reo vang dội cả một vùng. Kết thúc cuộc thi, đội thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng.

Cuộc đua thuyền trên sông Đáy này mang rất nhiều tầng ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một cuộc đua mang tính thể thao nó còn là một nghi lễ tưởng niệm cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt trên sông trong lần tiễn phạt quân Chiêm Thành. Và cổ xưa hơn nữa, đây là một hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi. Hơn nữa, không khí sôi nổi và cuốn hút của lễ hội đền Trúc được tạo ra từ màn múa hát thờ do các cô gái thể hiện trong sân đền và cuộc đua thuyền do nam giới tiến hành trên đoạn sông Đáy trước cửa đền chính là sự diễn tả lại không khí khải hoàn ca thắng lợi của cuộc bình Chiêm nức lòng trong lịch sử dân tộc.
Lễ hội hát dậm và đua thuyền đền Trúc là một hoạt động đầy sức sống của dân gian, ca ngợi chiến công của Lý Thường Kiệt, ca ngợi quê hương đầy ắp không khí lịch sử, truyền thống văn hóa.



Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

KHU DU LỊCH TAM CHÚC BA SAO - HÀ NAM

 
Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao thuộc địa phận xã Ba Sao huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, cách thủ đô Hà Nội 70 km, nằm ngay trên tuyến quốc lộ 21, ở vị trí trung tâm tuyến du lịch Duyên hải Bắc Bộ - Tây Bắc; kề cận với các khu du lịch Chùa Hương (Hà Nội), Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), Chùa Tiên (Hòa Bình)... 
Hồ Tam Chúc
Theo quy hoạch tổng thể khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao có tổng diện tích 5100ha, trong đó, riêng hồ Tam Chúc rộng 600ha được xem là điểm nhấn của khu du lịch.
Tại khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, sẽ  xây dựng khu chức năng: đó là khu du lịch lòng hồ Tam Chúc; khu văn hóa tâm linh; khu trung tâm đón tiếp, nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ, khu vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ ven hồ, khu du lịch bảo tồn tài nguyên thiên nhiên… 
Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao, du khách còn có thể kết hợp tham quan nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng như: chùa Bà Đanh – núi Ngọc, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, Bát Cảnh Sơn, chùa Thi, động Thủy… Không chỉ thế, khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao còn là điểm nối giữa khu du lịch chùa Hương với khu du lịch Vân Long, Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động… (Ninh Bình), tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn, có thể thu hút du khách lưu lại nhiều ngày để thưởng ngoạn quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam đã xác định quy hoạch đầu tư hạ tầng kết nối khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với chùa Bái Đính, chùa Hương; phối hợp với Hà Nội đầu tư tuyến du lịch nối Ba Sao, qua chùa Hương với Mỹ Đình và xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại để tạo sự phong phú đa dạng của một quần thể du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế...