Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

VOVINAM - SỐNG ĐẸP NGHĨA LÀ CỐNG HIẾN


“Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại”
“Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích”
Có lẽ, đây là hai trong mười điều tâm niệm của võ đạo vovinam mà tôi tâm đắc nhất. Nó như một nguồn mạch sống nối liền nguồn mạch chảy mạnh và trải dài trong trái tim tôi từ khi tôi còn là một cô bé. Với một tâm hồn chứa chan bao cảm xúc, với từng nhịp tim rung động với đời, câu chuyện đến với vovinam của tôi có gì đó thật thực tế nhưng cũng thật nhiều mơ mộng và ấp ủ.
Phú Hòa – Phú Yên – nơi khơi dậy một niềm đam mê võ thuật, nơi vang lên nhịp lòng tình yêu vovinam trong trái tim tôi. Còn nhớ lắm những chuỗi ngày thơ bé, những ngày hè của năm 2002 lúc tôi bắt đầu bước vào lớp 2 ở một ngôi trường mang nhiều âm vang lịch sử của vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh. Năm đó, một kì nghỉ hè dài ở huyện Phú Hòa đã để lại trong tôi những dấu ấn khó quên. Với chiếc xe đạp bình dị nhưng đầy ấp tình anh em đã đưa tôi đến với những con người đầy náo động nhưng cũng rất yêu thương – Con người Vovinam.
Thủa đó nghèo lắm ai ơi!
Chiếc xe cọc cạch âm vang cõi lòng
Đạp xe “nhốn nháo” tình nồng
Gồng trước là Tý (1) đèo mình Min (2) sau
Đường đất thấy thế u sầu
Tâm can nặng trĩu vậy là đâm ghen
“Anh em thì mặc anh em
Cớ sao cậy thế dẫm lên lòng đời?
Võ đạo ghi dấu một thời
Luyện gan, luyện thép, luyện người thế sao?”
Đúng vậy, học võ không chỉ để phòng vệ, để rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng, sự khổ nhục, để mạnh mẽ và bản lĩnh mà song song với đó là học cách quên mình vì người khác, biết bênh vực lẽ phải và nêu cao tinh thần thượng võ. Ở đây, vovinam đã dạy tôi như thế : võ thuật và võ đạo – một điều thật đặc biệt mà chỉ có thể là vovinam.
Quay ngược dòng thời gian về lại với hồi ức xa xưa ấy, các bạn sẽ không thể nào diễn tả được sự vui nhộn đượm nét người, nét đời trong lớp võ của anh tôi tại một bãi tập mơn man đồng cỏ (nếu tôi nhớ không nhầm). Không biết đó là tính cách của họ, tính tình chất phác, đơn sơ đậm chất Phú Yên? Hay tại vì qua một quá trình tham gia học tập, rèn luyện và mài giũa mà tinh thần của họ trở nên vô tư, nhiệt tình đến thế. Thế nhưng dù sao đi chăng nữa, học võ ở bất kì môn phái nào cũng vậy, nó đều luyện cho ta một tinh thần sắt đá, kiên vững không nguôi, một ý chí quyết tâm không bao giờ tắt trong suốt một thời gian tôi luyện, để rồi một ai đó đi qua và để lại “ồ! họ thật đáng khâm phục, đức tính của người học võ thật đáng để ta thấm nhuần trong tư tưởng”.
Không chỉ ngưỡng mộ các anh chị ấy ở những đức tính đáng trân trọng mà tôi còn rất ấn tượng với đòn kẹp cổ trong môn võ này. Kí ức thật khó nhạt phai khi tôi ngồi trên chiếc xe đạp và nhìn một cách rõ nét hai anh đang thể hiện đòn kẹp cổ, một anh bay lên kẹp cổ anh kia quật xuống và cho ngay một phát vào hạ bộ trông thật quyết liệt nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Mặc dù, lúc đó tôi thật ngây ngô và một đứa con nít mới lần đầu tiên tiếp ‘thị’ (3) với võ thuật như tôi cũng phải xôn xao trái tim mình và rồi cứ mơ mộng, tưởng tượng trong trí óc cực kì phong phú để ao ước một điều “mình cũng muốn được vậy”. Thế rồi, kì nghỉ hè năm ấy khép lại, tôi trở về với ngôi nhà hạnh phúc của mình và kể cho cha mẹ nghe từng chi tiết: từ việc tôi đạp xe rong rong trên con đường ấy rồi đói bụng quá ăn hết mấy chùm nhãn của dì cho đến việc mấy anh chị chở tôi đi chơi, rồi tôi khua tay, múa chân miêu tả thật chi tiết hình ảnh bay lên kẹp cổ vô cùng thú vị, đầy kịch tính của các anh ngày ấy. Sau câu chuyện, cha mẹ hứa hẹn sẽ cho tôi đi học võ và nó đã làm tôi nôn nao biết bao nhiêu, tâm thế sẵn sàng, trí tưởng tượng phong phú đã thoáng chốc biến tôi thành một võ sĩ tại nơi hình ảnh quá mờ nhạt để rồi ước mơ chỉ là mơ ước, hứa hẹn cũng chỉ là vô không vì ở nơi tôi đang sinh sống lúc ấy không mở lớp dạy vovinam mà chỉ có teakwondo của thầy Đôn là chủ yếu. Vậy nên ấn tượng khắc sâu – vovinam môn võ của thời gian cứ chạy xuyên qua ống dẫn kí ức đưa vào từng ngăn tủ phía trên rồi lại cất sâu vào ngăn tủ phía dưới để đến khi tôi nhìn thấy một ai học võ hay thậm chí là nhắc đến võ tôi lại kéo ra để hân hoan kể lại: ừ, vovinam trông tinh nhuệ lắm, kẹp cổ như vậy đấy nhé….!

Một khoảng thời gian trôi qua, cô bé năm xưa giờ đây đã là một cô gái của tuổi 18 – lứa tuổi đánh dấu bước trưởng thành. ‘Đôi chân áp đế’ cô ấy đặt lên giảng đường đại học tạo ra một sự lo lắng cho mẹ và cha để rồi, hai anh em lại hội ngộ tại ngôi làng đại học và cứ thế theo một cách rất tự nhiên ‘đôi chân trần’ cô ấy đặt lên nền đất, bắt đầu cho những bước đi chập chững trên con đường võ thuật mạnh mẽ, bản lĩnh, đầy sức sống.
Trải qua bao nhiêu năm tháng, anh tôi bây giờ đã trở thành phó chủ nhiệm câu lạc bộ võ thuật làng đại học. Theo chân anh mình tôi có được nhiều niềm vui khi học võ, các anh chị, các bạn đồng trang lứa đã cho tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự bảo bọc của một gia đình – gia đình vovinam. Động lực được tiếp thêm, một cô gái cá tính như tôi đã có lập trường nay lập trường càng thêm vững. Rồi sau một thời gian tham gia vào lớp võ, cái mà tôi thấy được không chỉ là những đòn kẹp cổ, những đức tính đáng quí mà tôi còn rất ấn tượng với những pha nhào lộn, biểu diễn bằng vũ khí, cũng như cái cảm của tôi về tình đồng đội, tình anh chị em.
Mỗi lần có tâm sự, mỗi lần cảm thấy buồn lòng, tôi thường thích đi học võ hơn bao giờ hết. Ở nơi đó, mang lại cho tôi một cảm giác bình yên của mặt trời lặng lẽ lúc hoàng hôn. Ở nơi đó, sưởi ấm trái tim tôi bằng tình người ấm áp, bờ vai của những con người dung dị ấy thật mềm mại nhưng cũng rất cứng cáp, an toàn và… “em cứ khóc đi cho nhẹ lòng!” (4).
Xa gia đình và đến với vovinam tôi hiểu rằng học võ không dùng để tỉ thí với người khác mà nó chỉ dùng để bảo vệ người khác, để tự vệ, để xả thân, để hi sinh, để nêu cao tinh thần quả cảm, để rèn luyện sức khỏe và giúp mình bản lĩnh hơn. Vovinam đã giúp tôi nhân ra khi một con người rời xa nguồn cội họ rất cần đến tình đồng đội đoàn kết, san sẻ, yêu thương. Vovinam không chỉ dạy võ mà còn dạy  cả cách dung hòa với đạo làm người.

“Việt võ đạo sinh nguyện đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại”
“Việt võ đạo sinh nguyện trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên dấn thân hiến ích”
Nhờ đó, tôi đã nhận ra được một chân lý: “vì sao tôi sống? Vì đất nước cần một trái tim”. Điều mà tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải khắc cốt ghi tâm “sống đẹp nghĩa là cống hiến”.
Giờ đây, tôi là một cô sinh viên năm hai, bước qua tuổi 18 đến với tuổi 19 cùng trình độ lam đai, võ thuật tôi chẳng hơn ai, võ đạo tôi cũng chẳng thuộc làu làu nhưng tôi luôn rèn giũa mình, tiếp thu và thấm vào tư tưởng những gì tinh túy nhất mà các thầy truyền đạt cũng như vovinam đã để lại.
Ngô Hoàng Phương Linh
(Câu lạc bộ vovinam Nông Lâm – vovinam làng đại học)

Chú thích:
– (1)_ Tý: tên ở nhà (tôi hay gọi anh như thế) của thầy Võ Nhật Sơn – phó chủ nhiệm câu lạc bộ võ thuật làng đại học – anh họ tôi.
– (2)_ Min: tên cha mẹ đặt ở nhà cho tôi.
– (3)_Tiếp “thị”: không phải là từ trong kinh tế mà là một cách chơi chữ của tôi về cái nhìn cận cảnh trong đòn kẹp cổ lúc đó.
– (4) “Em cứ khóc đi cho nhẹ lòng!”: câu nói của chị Phương đồng môn của tôi đang học tại câu lạc bộ vovinam Nông Lâm TP.HCM an ủi lúc tôi có chuyện buồn.
(*) Đây là bài viết tự sự giúp tôi ôn lại những kỉ niệm đẹp một thời thơ bé, cũng như gợi nhớ lại một chút hình ảnh thân thương khi tôi mới bước chân vào câu lạc bộ.

TÔI TÌM LẠI CHÍNH MÌNH QUA VÕ HỌC


Tuy chỉ mới tập võ một tháng nhưng tôi đã nhận ra nhiều điều. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ tìm thấy điều gì đó mới mẻ để học hỏi, nhưng không ngờ, điều tôi tìm thấy lại là chính mình.

Thất bại đặc biệt

Tôi có một tính cách mạnh, bình thường giao tiếp vui vẻ nhưng khi vào công việc thì gần như tập trung hoàn toàn vào nó. Bạn bè xã giao thì nhiều nhưng gắn bó thì ít, hầu như không ai hiểu mình. Nói chính xác hơn: không ai thích ứng kịp với sự biến chuyển quá cứng nhắc của tôi. Mọi công việc, tôi đều bắt đầu như dự án cuối cùng của mình. Vậy nên tôi thường gây áp lực rất lớn cho những người đồng đội xung quanh. Tôi không thể tìm thấy sự dung hòa giữa đời thường và dự án, giữa bạn bè và những người đồng đội. Đối với tôi, khi kế hoạch vẫn chưa hoàn thành, một phút giây cười đùa cũng khiến tôi phải lo lắng.
Và rồi một thất bại làm cho tôi phải suy nghĩ. Một kiểu thất bại rất đặc biệt, lần đầu tiên tôi nếm trải: vội vã. Trước nó, tôi chưa từng nghĩ việc hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch là một thất bại. Tôi bị thay thế và ngày càng xa dần tập thể. Tôi cố tìm câu trả lời nhưng mọi người đều im lặng. Điều mà sau này tôi mới tự hiểu ra.
Tôi được một người chị khuyên đi học võ. Ban đầu, tôi phản ứng vì nghĩ  mình sẽ phí thời gian với việc chẳng liên quan này. Tuy vậy, một kẻ thích hơn thua đang mang trong mình quá nhiều áp lực và không biết chút gì về võ học, nên tôi vẫn cố hy vọng và quả quyết với chị: 6 tháng nữa tôi sẽ mang đai đen!
Tôi bắt đầu tìm hiểu về võ học. Vốn có lòng cảm mến văn hóa Nhật từ trước nên tôi quyết định sẽ chọn một môn võ Nhật. Thời gian có thể thay đổi nhưng tính vượt khó và sự cần cù của người Nhật thì không bao giờ đổi thay. Trong số nhiều môn, tôi tò mò với triết lý của môn Aikido nhất. Môn võ nhấn mạnh sự hòa hợp nhờ tình thương. “Nhờ vào nó mới có sự hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ, xóa bỏ hận thù và ganh ghét, bất tương tranh..  Aikido nhấn mạnh rằng nắm vững võ thuật là để nhận đòn và chuyển hướng nó đi một cách vô hại. Trong trường hợp lý tưởng, không chỉ người nhận mà cả người tấn công cũng vô hại”. Ngay lần đầu đọc được những dòng này, dường như có gì đã thôi thúc tôi. Nó quá là mới mẻ. Tôi tò mò tự hỏi: “Làm sao có môn võ nào lại hoàn hảo đến thế ?”. Nói cách khác, những triết lý này trái ngược hoàn toàn với những suy nghĩ của tôi trước đây.

Ngày đầu tiên đến sân võ

Ngày đầu tiên đến sân tập, tôi mang trong mình những hy vọng và nghi ngờ. Tôi cố gắng hỏi thăm và tìm hiểu xem liệu có ai đi tập với lý do giống như mình không. Câu trả lời là không một ai ! Tôi thất vọng. Tất cả chỉ thay đổikhi tôi tập đến động tác ngồi khuỵ gối (kiểu quì seiza) rồi ngã người về sau, nhờ nó mà tôi dần hiểu được ý của chị.

Đối với những môn sinh mới tập Aikido, đây thật sự là một thử thách. Trong động tác này, toàn thân của bạn phải dãn ra hết cỡ. Tôi gần như thét lên khi lần đầu tập nó. Bạn biết đấy, nếu cơ thể vẫn chưa quen, trong tư thế này, một hơi thở sai nhịp hay mạnh hơn bình thường cũng khiến bạn phải chịu những cơn nhói từ bụng và hai hong. Phải thật nhẹ và thật đều. Bình tâm lại, cảm giác đau đớn dần thay bằng sự tĩnh lặng và cân bằng… Tôi cảm thấy thời gian như trôi chậm lại. Lắng nghe cơ thể, tôi hiểu ra dường như, từ trước đến nay, mình đã quá vội vàng khiến cho suy nghĩ trở nên không thấu đáo. Suốt buổi tập đầu tiên và cả khi về nhà, tôi đều suy nghĩ về cảm giác lúc đó. Thật kì lạ ! Ban đầu tôi cứ nghĩ đến sân võ, tôi sẽ tìm thấy điều gì đó mới mẻ để học hỏi, nhưng không ngờ, điều tôi tìm thấy lại là chính mình.
Những ngày sau tôi bắt đầu học các đòn đánh như  shiho nage, kotegaeshi… Những động tác xoay tròn, té ngã giúp tôi nhận ra nhiều điều khác nữa. Dù tôi có thuần thục đến đâu nhưng nếu không thể hòa nhập và liên kết tốt với bạn tập thì không thể tiến bộ xa hơn được. Nhớ lại thất bại đặc biệt của mình, tôi đã quá cứng nhắc áp đặt lên mọi người, nên dù có đạt kết quả trước mắt nhưng càng về sau tôi chỉ khiến mọi người càng mệt mỏi và chán nản hơn. Sự gắn kết mới thật sự là yếu tố tạo nên thành công và tiến bộ trong tương lai.
Sau một tháng tập luyện, để cám ơn vì lời khuyên quý giá, tôi đã đến gặp chị. Nói ra mới biết, chị cũng có người anh học võ với lý do giống tôi. Cảm thấy võ học mang đến nhiều sự thay đổi tích cực nên chị mới khuyên tôi như thế. Chị hỏi tôi: em còn giữ ý định 6 tháng nữa đai đen chứ?. Tôi cười: Điều đó không còn quan trọng nữa rồi chị ạ!

Trần Thế Cường (Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8, TP.HCM)

6 TIÊU CHUẨN CỦA MỘT THẦY DẠY VÕ


Có nhiều tranh cãi tồn tại trong giới võ thuật về những tiêu chuẩn của người thầy dạy võ. Trong quá trình tìm kiếm ý kiến cộng đồng về vấn đề này, Cà Phê Võ Thuật tìm thấy nhiều ý kiến chung, cũng có nhiều yếu tố còn nằm trong vòng tranh cãi “Có thực sự cần ở một người thầy dạy võ hay không?”.
Bài viết sau đây là một trong số những ý kiến đầy đủ, khái quát và thuyết phục nhất CPVT (Cà phê võ thuật) đã đọc về vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu, tìm xem những điểm giống và khác với quan điểm của chính các bạn.

1- Trước hết, người thầy dạy võ phải có sức khỏe

Không nhất thiết vai u thịt bắp nhưng phải khỏe mạnh, rắn rỏi – dạy võ mà hom hem, hốc hác, hay liêu xiêu mỗi khi trái gió trở trời thì vừa khó coi vừa khó chấp nhận. Bởi mục đích đầu tiên của võ là mang lại sức khỏe cho người tập, vậy mà ông thầy võ ốm o xo bại thì không thuyết phục được ai.
Không chỉ có sức khỏe về mặt thể chất mà còn phải có sức khỏe về mặt tinh thần: sáng suốt, mạnh mẽ, kiên định, và một tâm hồn cao đẹp… khác với mẫu người lờ mờ, bạc nhược, buông thả, với con tim bệnh hoạn… Là một loại hình thể thao, võ thuật phải mang lại cho người tập “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Mà muốn được thế, ông thầy dạy võ phải là con người có “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.

2- Thầy dạy võ cần có trình độ tri thức và văn hóa ở mức cao

Ngày trước thế giới nhỏ bé sau lũy tre làng, ngày nay thế giới mênh mông trong thời đại toàn cầu hóa. Ngày trước không ít thầy võ thất học, có cả trường hợp nhiều vị thi đậu đến tiến sĩ võ, mãi khi vào thi đình, ông vua mới phát hiện vị tiến sĩ nọ mù chữ; ngày nay ông thầy võ nhất thiết phải có học, có trình độ tri thức và văn hóa nhất định. Người thầy võ thật sự không chỉ am tường võ thuật, võ lý mà còn phải đạt đến tầng võ đạo. Giáo dục là một nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi người thầy phải có kiến thức tổng quát. Không có tri thức, không có khoa học, không có văn hóa thì lấy gì để dạy đạo làm người.

Trình độ tri thức và văn hóa còn giúp người thầy võ năng lực tiếp thu cái mới và công nghệ mới, trong đó có công nghệ internet. Làm sao có thể tưởng tượng được một ông thầy võ thời hiện đại mà không biết sử dụng internet. “Rừng văn biển võ” – cả biển võ mênh mông trải ra trước mắt chỉ cần bằng một động tác nhấp chuột. Không biết tận dụng lợi ích của internt, ông thầy võ tự bịt mắt mình, tự cô lập mình, tự đẩy mình về lại quá khứ hàng trăm năm trước.

3- Thầy dạy võ cần có năng lực tổ chức, điều hành tốt

Ngày nay, ông thầy võ thường là người đứng đầu một Câu Lạc Bộ, một Võ đường, Chi phái, Hệ phái, hay Liên Đoàn… Bởi thế, ông thầy võ còn phải có năng lực tổ chức, điều hành. Thiếu tiêu chuẩn này, ông thầy võ không thể duy trì nổi Câu Lạc Bộ, chứ chưa nói phát triển phong trào, hay nâng cao chất lượng rèn luyện và giáo dục.

4- Thầy dạy võ phải biết võ và liên tục tập luyện và tìm hiểu thêm về võ

Nhưng tiêu chuẩn quan trọng hơn cả là ông thầy dạy võ phải giỏi võ. Không chỉ là nhà chuyên môn mà phải có chuyên môn sâu về môn võ mình dạy. Võ có ba tầng: võ thuật, võ lý, và võ đạo. Võ thuật bao gồm hệ thống kỹ thuật, quyền pháp, đấu pháp; võ lý là những nguyên lý làm nền tảng từ đó xây nên hệ thống võ thuật. Về mặt này, đòi hỏi người thầy võ phải am tường và thông suốt cả hai. Hiện nay, không ít vị chưa đủ chuyên sâu nhưng cũng mở lò luyện võ. Nhà nước thiếu trách nhiệm kiểm soát, nhân dân thiếu quan sát chọn lựa. Hậu quả là người học học không tới đâu, không hứng thú, và không có hiệu quả, chưa nói đôi khi còn phản tác dụng. Ở các nước tiên tiến, cũng như mọi ngành nghề khác – bác sĩ phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ, y tá phải có bằng tốt nghiệp y tá, kỹ sư phải có bằng tốt nghiệp kỹ sư, thầy giáo phải qua quá trình đào tạo và thử nghiệm, thì thầy võ cũng phải có bằng huấn luyện võ thuật. Với thầy võ, đó mới chỉ là chứng chỉ chuyên môn, tuy thế không thể không có. Tất nhiên, ông thầy võ không nhất thiết phải là nhà cựu vô địch. Người đấu đá giỏi chưa hẳn là một Huấn Luyện viên giỏi, một huấn luyện viên giỏi chưa hẳn là một ông thầy võ giỏi. Rất tiếc, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn điểm này.

Có năng lực chuyên môn, ông thầy võ còn phải có tư tưởng sư phạm và phương pháp sư phạm. Giáo dục là một khoa học, với hệ thống chương trình, qui trình, phương pháp cụ thể theo đặc thù mỗi môn học. Không thể chủ quan, tùy tiện dạy gì cũng được, trước sau, nhanh chậm gì cũng được… Dạy võ không dừng lại ở quyền cước mà còn hướng đến dạy đạo làm người. Không coi võ sinh như một con người trừu tượng mà là một con người cụ thể, với từng đặc điểm riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng, tính khí tính cách riêng; không xúc phạm người tập, không đánh mất niềm tin, niềm tự hào của họ; luôn yêu thương, tôn trọng, và biết chờ đợi… Ông thầy võ thực sự phải vừa là một người thầy, người cha, người bạn.

5- Thầy dạy võ cần có phẩm chất và đạo đức tốt đẹp

Một tiêu chuẩn khác còn quan trọng hơn, ông thầy dạy võ phải có phẩm chất và đạo đức cần thiết. Phẩm chất, đó là: Khiêm tốn, điềm tĩnh, đúng giờ, giờ nào việc đó; có hoài bão, có ước mơ; không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình, không mắc những thói hư tật xấu như đánh lộn, nhậu nhẹt, cờ bạc, trộm cắp, bê tha… Đạo đức, đó là: Trung thành với tổ quốc, hiếu để với cha mẹ, trách nhiệm với gia đình, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người… Ngoài ra, ông thầy võ cần có tâm hồn cao đẹp, cao thượng, bao dung… cùng với  cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đỉnh đạt… Ông thầy võ phải luôn luôn là tấm gương cho võ sinh noi theo.

6- Thầy dạy võ phải hết lòng vì võ sinh

Sau cùng, ông thầy võ phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Ai không biết cho thì không thể là ông thầy võ lý tưởng: cho kiến thức, cho lời khuyên, cho thời gian, cho công sức, cho tâm huyết, đôi khi cả cho tiền – đây là điểm khác biệt giữa dạy võ và các loại hình buôn bán khác. Buôn bán phải sòng phẳng, “tiền trao cháo múc”, còn dạy võ, đôi khi chẳng thu học phí, đặc biệt đối với những võ sinh nghèo.

Đó chỉ là sáu tiêu chuẩn căn bản. Không nhất thiết phải hội đủ cả sáu mới gọi là ông thầy võ. Trong thực tế, đôi khi chỉ cần bốn hoặc năm cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ba tiêu chuẩn sau cùng thì dứt khoát không thể không có. Đó là: phải có năng lực chuyên môn, phải có tư cách đạo đức, phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Nói gọn lại, thầy võ chí ít cũng phải có Tài, có Đức, và có Tâm.
Võ thuật, môn phái nào cũng có cái hay riêng. Nhưng học võ, khâu quan trọng nhất là chọn thầy. Gặp ông thầy “chuẩn”, việc tập võ mang lại hứng thú và lợi ích rõ ràng; gặp ông thầy không chuẩn, việc tập võ nhàm chán và chẳng có lợi ích gì, đôi khi còn tác dụng ngược lại.

Nguồn: Nghĩa Dũng Karate



Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

TẬP LUYỆN VÕ THUẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TĂNG CHIỀU CAO CƠ THỂ?




Có người cho rằng tập luyện võ thuật, do chú trọng luyện tập đứng tấn quá nhiều, có thể làm hạn chế sự tăng trưởng chiều cao của cơ thể. Điều này có đúng không? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu qua về sự phát triển của xương trong cơ thể người, đặc biệt là những xương góp phần trực tiếp vào sự tăng trưởng chiều cao của cơ thể.
Theo “Giải phẫu người” của trần Xuân Nhi và Nguyễn Quang Vinh (nhà xuất bản giáo dục 1987), trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cơ thể, bộ xương người làm bằng mô liên kết. Về sau, mô liên kết biến thành mô sụn, ngoại trừ một số mô đặc biệt. Mô sụn hay mô liên kết phát sinh ra những điểm hóa xương. Những xương phát sinh từ mô liên kết gọi là xương màng, như nhiều xương ở hộp sọ. Còn lại phần lớn các xương khác trong cơ thể đều được phát triển bằng cách thay thế các sụn, gọi là xương thứ sinh hoặc là xương thay thế. Có hai cách hóa xương thay thế các sụn: hóa xương trong sụn khi sự hóa xương bắt đầu trong lòng sụn và hóa xương ngoài sụn khi sự hóa xương bắt đầu ở bề mặt sụn.

Học võ có cải thiện được chiều cao?​

Đối với xương dài, sự hóa xương bắt đầu từ phần giữa của thân xương theo cách hóa xương ngoại sụn. Sự hóa xương trong sụn bắt đầu chậm hơn và được nối liền với với phần hóa xương ngoại sụn. Các điểm hóa xương ngoại sụn dần dần được nối liền với nhau ở dưới lớp màn xương và tạo nên mô xương. Đồng thời với sự hóa xương, trong lòng xương xảy ra một sự phân hủy các chất xốp để hình thành ống xương rỗng chứa tủy xương. Sự phát triển theo chiều dài bằng cách phát triển thêm mô sụn ở hai đầu xương, các đầu xương giữ mô sụn rất lâu. Những điểm hóa xương trong sụn tiếp tục phát triển ở đầu xương trong khoảng 10 năm (ở nam thì khoảng 10-15 tuổi đến 20-25 tuổi, ở nữ thì khoảng 8-10 tuổi đến 18-20 tuổi). Từ tuổi thiếu niên bước qua tuổi thanh niên có nhiều sự tăng trưởng nhất.
Sự phát triển bộ xương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh yếu tố cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, yếu tố vận động tạo điều kiện các sụn giãn dài ra trong thời gian 10 năm phát triển thành sụn hóa thành xương cũng được xem là một trong các yếu tố quan trọng.
Từ sự trình bày khoa học trên đây về sự phát triển và tăng trưởng của xương, chúng ta có thể thấy rằng việc tập luyện võ thuật sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển chiều dài của xương, tức phát triển chiều dài của cơ thể, cũng như góp phần hóa xương nhanh của các sụn đầu xương, tức hạn chế chiều cao của cơ thể, tùy thuộc vào giáo trình huấn luyện võ thuật cho các võ sinh trong độ tuổi 10 năm sụn phát triển thành xương như đã nói ở trên. Thật vậy, đối với các võ sinh đang trong độ tuổi phát triển, một giáo trình huấn luyện võ thuật biết kích thích tạo điều kiện giãn dài các đầu sụn của xương, nhất là xương dài, chắc chắn sẽ giúp cho võ sinh tăng nhanh sự phát triển chiều cao của cơ thể. Ngược lại, cùng một đối tượng, nhưng giáo trình huấn luyện võ thuật khác lại chú trọng quá nhiều đến các thế tấn trụ người, làm cho tăng nhanh sự hóa xương của các đầu sụn, dĩ nhiên sẽ làm hạn chế sự phát triển của chiều cao cơ thể của người võ sinh.
Kinh nghiệm một số năm huấn luyện võ thuật của bản thân tôi cho thấy sự phân tích việc luyện tập võ thuật sẽ góp phần phát triển chiều cao của cơ thể cũng như góp phần hạn chế sự phát triển chiều cao của cơ thể là hiện thực.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi tập luyện võ thuật từ những lứa tuổi mà cơ thể bắt đầu phát triển (tức khoảng từ 8-10 tuổi đến 16-18 tuổi), tập trong thời gian liên tục từ 3 năm đến 5 năm hoặc 6 năm, với một giáo trình chú trọng những động tác kéo giãn dài tứ chi và toàn thân, tránh những động tác trì nặng trên hai chân, hai vai và đầu, thì kết quả ắt sẽ toại ý.
Theo Võ sư – Hồ Tường​

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

VOVINAM LÊN PHIM HOLLYWOOD

Bá tước Rat Sakhorn tại lễ khai mạc Giải vovinam các đội mạnh toàn quốc Cúp Vinatex 2015 - Ảnh: N.K.

TT - Với niềm đam mê vovinam, bá tước của Campuchia và là phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) Rat Sokhorn không chỉ góp công lớn quảng bá vovinam ra thế giới mà còn chuẩn bị đưa võ Việt tiến vào thế giới phim hành động của Hollywood.

Theo đó, đòn thế vovinam sẽ được sử dụng chủ đạo trong bộ phim hành động Fight for life (tạm dịch Chiến đấu để sống còn) do bá tước Rat Sakhorn lên ý tưởng kịch bản và kết hợp với đạo diễn kiêm diễn viên Ace Cruz đang hành nghề tại Hollywood sản xuất.
Đó cũng là lý do cả hai có mặt tại VN để theo dõi Giải vovinam các đội mạnh toàn quốc 2015 đang diễn ra tại Bình Dương nhằm tiến đến sự chuẩn bị cuối cùng. Phim đã chọn xong diễn viên, trong đó đáng chú ý có sự tham gia của diễn viên hành động khá nổi tiếng Michael Madsen (Mỹ) và cựu võ sĩ quyền anh hạng nặng thế giới Evander Holyfield (Mỹ).

Phim hành động “thương hiệu” vovinam

Đạo diễn Ace Cruz cho biết bộ phim dự kiến có kinh phí 2-10 triệu USD và ông sẽ làm hết sức mình để có thể đưa vovinam “tấn công” vào Hollywood. Ông nói: “Lần sang VN này là dịp để tôi chứng kiến tận mắt môn võ vovinam trước khi về lại Mỹ làm việc với các diễn viên và hoàn thiện kịch bản”.
Trong khi đó, bá tước Rat Sakhorn chia sẻ: “Chúng tôi sẽ về bàn với đội quay phim ở Mỹ và dự kiến bấm máy vào cuối năm nay. 10 triệu USD hơi nhiều, tôi nghĩ 4 triệu USD trở lại thì không thành vấn đề. Phim sẽ được quay tại Campuchia, VN, Thái Lan, Philippines và Mỹ. Trong đó, chúng tôi sẽ phải bàn thêm với phía VN để có thể cấp phép cho việc quay phim cũng như tư vấn thêm cho phù hợp để có thể chiếu tại VN cũng như phát đi khắp thế giới. Tôi nghĩ qua bộ phim này, vovinam sẽ càng được quảng bá rộng khắp hơn”.
Không chỉ cơ bản đã đồng ý tham gia phim hành động Chiến đấu để sống còn, cựu võ sĩ quyền anh Evander Holyfield cũng 90% sẽ đồng ý tham gia một đoạn clip ngắn quảng bá cho vovinam sẽ quay trước phim hành động. Cụ thể, Holyfield sẽ mặc trang phục truyền thống của vovinam do võ sư Nguyễn Văn Chiếu ký tặng và sau đó nhận xét về môn võ truyền thống của VN này.
Bá tước Rat Sakhorn cho biết: “Do võ sư Nguyễn Văn Chiếu bị bệnh không thể sang Mỹ quay phim nên chúng tôi sẽ ghi lại clip ông ký tặng lên trang phục vovinam rồi ghép với clip Holyfield mặc trang phục này và nói về vovinam. Holyfield sẽ nói rằng tôi rất tự hào gia nhập đại gia đình vovinam và tôi tin chúng ta sẽ cùng nhau đưa vovinam phát triển”.
Ngoài ra, bá tước Rat Sakhorn còn cho biết hãng phim của ông và đạo diễn Ace Cruz sẽ còn làm một bộ phim cổ tích nhắm đến trẻ em với tên gọi Bạch Tuyết và 12 chú lùn để quảng bá cho vovinam. Kịch bản của phim cũng tương tự như truyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn, nhưng cái khác ở phim này là làng của các chú lùn sẽ phải đấu vovinam với nhau để chọn ra 12 chú lùn giỏi võ nhất đi theo bảo vệ Bạch Tuyết. Phim sẽ quay ở những cảnh đẹp tại Campuchia và VN (có thể là ở động Phong Nha).
Cuộc gặp gỡ tình cờ cho võ Việt tiến vào Hollywood
Bá tước Rat Sakhorn và đạo diễn Ace Cruz quen nhau tại SEA Games 27 ở Myanmar vào năm 2013. Khi đó, bá tước Rat Sakhorn đang ngồi trên khán đài danh dự xem các võ sĩ vovinam Campuchia thi đấu đối kháng. Còn đạo diễn Ace Cruz (đi xem người cháu thi đấu nhảy cao cho đội tuyển điền kinh Philippines) lần đầu đi xem môn võ vovinam vì tò mò.
Chứng kiến cảnh bá tước Rat Sakhorn xuống thảm tư vấn cho các võ sĩ Campuchia, Ace Cruz khá ngạc nhiên và sau đó đi hỏi các võ sĩ Campuchia. Khi biết đây là người giỏi vovinam và phát triển vovinam tại Campuchia, Ace Cruz quyết định gặp mặt tìm hiểu. Sau đó cảm thấy ăn ý, họ bắt tay hợp tác với nhau thành lập công ty sản xuất phim tại Hollywood và Chiến đấu để sống còn chính là bộ phim hợp tác đầu tiên của cả hai.
Nói về việc hợp tác với đạo diễn Ace Cruz, bá tước Rat Sakhorn nói: “Tuy chỉ là đạo diễn trung bình ở Hollywood nhưng Ace Cruz phù hợp với tôi và vovinam. Nói vậy bởi đạo diễn nổi tiếng sẽ không nhận làm phim về vovinam hoặc không có thời gian và sẽ đòi chi phí rất cao. Mặt khác, Ace Cruz là đạo diễn ở Hollywood nên sẽ biết thị hiếu của người Mỹ như thế nào về phim hành động để có thể “chinh phục” họ bằng một bộ phim về môn võ vovinam”.
Về phần mình, võ sư Nguyễn Văn Chiếu tỏ ra khá hào hứng khi nói về ý tưởng của bộ phim với các tư thế chiến đấu của vovinam cũng như đoạn clip ngắn quảng bá cho vovinam với sự tham dự của cựu võ sĩ quyền anh Evander Holyfield.
Ông Chiếu nói: “Nếu bộ phim có thể ra mắt, vovinam sẽ càng được nhiều người trên thế giới biết đến. Đó thật sự là điều hạnh phúc”.

Vài nét về bá tước Rat Sakhorn và đạo diễn Ace Cruz

Bá tước Rat Sakhorn sinh tại Phnom Penh, có cha là người Campuchia và mẹ là người Việt. Trong gần 10 năm ở VN, bá tước Rat Sakhorn đã học và tập luyện vovinam dưới sự hướng dẫn của võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Năm 2004, ông được Hoàng gia Campuchia phong bá tước nhờ những đóng góp của mình.
Ông hiện là bộ trưởng cố vấn cho chủ tịch Quốc hội Campuchia về kinh tế và đầu tư. Ông cũng là phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, chủ tịch Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á và Campuchia.
Đạo diễn Ace Cruz lớn lên ở Los Angeles (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu và Đại học Mỹ thuật, ông bắt đầu sự nghiệp của mình như là một diễn viên sân khấu và sau đó dấn thân vào một số bộ phim Hollywood.
Sau 10 năm trong thế giới sân khấu, Cruz đi học viết kịch bản và làm phim ở Trường USC. Cruz từng làm sáu bộ phim Hollywood trong vai trò viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn, diễn viên... Cruz từng đoạt giải tại Liên hoan phim hành động quốc tế ở Hollywood vào năm 2009 với phim Outrage có sự tham gia của diễn viên hành động nổi tiếng Michael Madsen.

Nội dung phim Fight for life

Bộ phim xoay quanh cậu bé người Campuchia có một tuổi thơ bất hạnh và sau này thành danh trên võ đài nhờ vovinam. Mẹ bị một người đốn gỗ lậu của Thái Lan xâm hại có thai khi chỉ mới 17 tuổi và người bố không mong muốn ấy sau đó lại bị một nhóm đốn gỗ lậu khác giết chết. Không có tiền nuôi con, mẹ cậu bé buộc phải đi làm gái phục vụ nhóm khai thác gỗ lậu đó.
Sống trong bối cảnh như thế, cậu bé này đã không tránh khỏi hư hỏng khi lập băng nhóm trộm cắp. Trong một lần lấy trộm máy ảnh của một du khách người Mỹ (Michael Madsen đóng), cuộc đời cậu bé đã thay đổi. Vị du khách này đã cho cậu bé đi học văn hóa nhưng vẫn không thay đổi được cậu bé. Vì vậy, ông gửi cậu bé đến một doanh nhân người Campuchia (bá tước Rat Sakhorn đóng) biết võ thuật với ý nghĩ nhờ “đạo trong võ” giúp cậu bé thay đổi.
Doanh nhân này đã dạy vovinam và sau đó gửi cậu bé sang VN trau dồi thêm với người đứng đầu môn phái (do chánh chưởng quản môn phái vovinam và là phó chủ tịch WVVF - võ sư Nguyễn Văn Chiếu - đóng và chỉ đạo võ thuật cho phim) vì thấy cậu bé lãnh ngộ rất nhanh môn võ này. Tại VN, phim sẽ quay nhiều về võ đường - nơi có nhiều võ sĩ từ các nước trên thế giới tìm đến đất tổ vovinam để học.
Sau khi học thành tài, cậu bé lúc này đã lớn bắt đầu tham gia thi đấu trên các võ đài tự do ở Campuchia, Philippines, Thái Lan rồi sang cả Mỹ thi đấu dưới sự giới thiệu của du khách người Mỹ từng bị trộm máy ảnh và có hẳn một ông bầu (đạo diễn Ace Cruz đóng). Trong những lần cậu bé thi đấu tại Mỹ, một HLV võ đài tự do (do Evander Holyfield đóng) đã rất ấn tượng và có những lần còn ngồi vào ghế chỉ đạo cho cậu bé.
Trong những cuộc nói chuyện sau đó, cậu bé đã thuyết phục vị HLV này đến Campuchia và VN để làm từ thiện với mình cũng như với vovinam.

NGUYÊN KHÔI



Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

BÀI HỌC TỪ THẦY DẬY VÕ

Lúc còn học võ mình luôn có một thắc mắc, tại sao có 1 đòn mà ngày nào thầy cũng bắt tập tới tập lui, muốn tập những chiêu thức mới, thì thầy cũng đồng ý nhưng thời lượng tập không nhiều, chủ yếu là những còn căn bản. Mình chia sẽ bài này mọi người sẽ hiểu vì thầy lại làm như vậy.

Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ Judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học Judo với một võ sư Nhật.
Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và sự tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyên mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất. Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:
-Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?
Ông trả lời:
- Đây là thế võ duy nhất thầy dạy cho con, cũng chính đó là thế võ duy nhất mà con cần phải học.
Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở nơi thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.
Nhiều tháng sau, võ sư dẫn cậu bé đến tham dự một cuộc thi judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu. Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.
Lần này, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dạn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hòan toàn bị đối phương áp đảo.
Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu để kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:
- Cứ để cậu bé tiếp tục. Võ sư yêu cầu.
Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn. Cậu bé đã đọat chức vô địch. Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu.
Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:
- Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?
- Con chiến thắng vì hai lý do. Người thầy trả lời.
- Lý do thứ nhất, con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại mà con lại không có cánh tay trái.
Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn. Hãy tin vào chính mình, bạn có thể làm được tất cả!

Vovinamhanam.com


"CON NHÀ VÕ"


“Con nhà võ” được sử dụng không phải để nói đến những người con, cháu trong một dòng võ mà là bao gồm tất cả những người đã chọn con đường võ nghiệp để đi theo suốt đời.
Đối với con nhà võ, nếu làm thầy thì việc đại nghĩa là tận tụy dạy dỗ cho học trò nên người hữu dụng mà không ngại hao tâm tổn trí, là bảo tồn, lưu truyền, phát triển môn võ cổ truyền cuả dân tộc cho võ lâm chứ không chỉ cho riêng mình, là nâng cao uy danh của môn võ cổ truyền trở thành niềm tự hào của con dân đất Việt mà không kể công lao.
Con nhà võ nói năng lưu loát nhưng không khoác loác, khoe khoang, không ma mị để lừa dối người khác và cũng không chịu để cho người khác tâng bốc mình bằng cách “thêm muối, dặm đường”, chuyện không dựng lên nói có.
Con nhà võ không để cho báo chí viết về mình là “đệ nhất thiên hạ”, là “người vàng, người ngọc”, là “người duy nhất còn nắm giữ thập bát ban võ nghệ”, là “võ sĩ thóp bụng giữ chặc đầu đối phương rồi phình ra cho đối phương ngã ngửa trên võ đài phải chở vào bệnh viện cấp cứu”, ...
Đối với con nhà võ thì việc giữ chữ tín hết sức quan trọng. Nó là thước đo phẩm chất của từng con người. Con nhà võ không thể nói “huyên thuyên chi địa” đầy rẫy những lời hứa hẹn. Thực tế thì những lời huyên thuyên, hứa hẹn ấy chỉ để đề cao cá nhân, để chứng tỏ là mình đang nắm nhiều quyền lực và để phỉnh dụ người khác ủng hộ những việc đang làm của mình. Những lời huyên thuyên ấy không bao giờ là sự thật.
Khi nói đến con nhà võ, người ta nghĩ ngay đến những người nghĩa khí, có lòng dạ ngay thẳng, “ăn to nói lớn”, giữ chữ “tín”, và đề cao lòng tự trọng.
Người nghĩa khí là người hào hiệp, người sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho việc nghĩa.
Việc nghĩa ở phạm vi hẹp là việc ra tay cứu giúp người khác đang gặp khó khăn, hoạn nạn, đang sa cơ thất thế, việc ra tay đó được gọi là “nghĩa cử”. Khi người nghĩa khí đã ra tay nghĩa cử thì họ không sợ gian nguy, chỉ nghĩ đến hy sinh cho người khác
Việc nghĩa ở phạm vị rộng là công việc đại sự, lớn lao, mang lợi ích đến cho nhiều người, việc đại sự đó được gọi là “đại nghĩa”. Khi người nghĩa khí đã tham gia đại nghĩa thì họ sẵn sàng dấn thân, gánh vác công việc nặng nhọc, tự nguyện chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về phần mình.
Con nhà võ không tu dưỡng, rèn luyện để trở thành thần thánh, cũng không để thành bậc đại trượng phu. Họ chỉ rèn luyện cái “Đức” cả đời để xứng đáng với mỹ từ “Con nhà võ” mà nhân gian tôn tặng.

Vovinamhanam.com