Social Icons

Pages

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG CÁ "TRỐI" HÀ NAM


Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam, thông qua việc thực hiện dự án "Nghiên cứu bảo tồn, ứng dụng và phát triển loài cá trối tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam", loài cá trối quý hiếm của địa phương đã được bảo tồn và phát triển thành công.
Cá trối là một loài cá quý hiếm, đặc hữu có tại đầm Tam Chúc, nằm ở vị trí giáp ranh giữa thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Cá trối có hình  dáng bên ngoài giống cá quả, không có vây bụng. Gốc vây đuôi của cá trối có đốm tròn đen với vành trắng bao quanh như hình con mắt, đầu dẹp bằng, đỉnh đầu rộng và bằng thuôn về hai phía.
Cá có màu xanh hoặc xám hồng, phần lưng thẫm hơn, bụng trắng nhạt; có những con có nhiều hạt đốm trắng, vàng nhỏ phân bố dọc theo thân từ mang xuống đuôi.
Không những có hình dáng, màu sắc đẹp, thịt cá trối còn rất thơm, ngọt và không có xương dăm.
Do môi trường sống thay đổi và bị khai thác bừa bãi nên nguồn cá trối trong tự nhiên đã bị cạn kiệt.
Nhận thấy tính cấp thiết của việc bảo tồn, khôi phục một giống cá quý của địa phương, góp phần làm phong phú hơn nguồn lợi thủy sản tự nhiên, từ năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam đã triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu bảo tồn, ứng dụng và phát triển loài cá trối tại thị trấn Ba Sao, Kim Bảng.”
Đến nay, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu và nội dung đề ra trong dự án như điều tra nghiên cứu hiện trạng nguồn lợi, vùng phân bố tại đầm Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng và xác định được tên loài trong hệ thống phân loại cá trối Hà Nam.
Những người thực hiện dự án cho biết hệ số thành thục cá trối trong ao nuôi nước tĩnh cao nhất vào tháng 4-5 và thấp nhất vào tháng 8-9; thuần hóa đàn cá thu gom ngoài tự nhiên đạt 76,7% và nuôi vỗ thành thục, cá phát dục tốt.
Đặc biệt, những người thực hiện dự án đã nghiên cứu thành công phương pháp sinh sản nhân tạo cá trối với tỷ lệ cá đẻ 67,5% (cộng trừ 12,5%); tỷ lệ trứng thụ tinh đạt 61,7% (cộng trừ 2,9%); tỷ lệ nở 48,17% (cộng trừ 11,83%).
Số lượng cá bột thu được là 2.167 con; ương cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống đạt tỷ lệ trung bình 66,25%.
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam cho biết sau hơn ba năm thực hiện, thành công lớn nhất của dự án là đã thực hiện được phương pháp sinh sản nhân tạo giống cá trối - yếu tố quyết định đến việc bảo tồn nguồn giống; đồng thời xác định được vùng phân bố của cá trối trú ngụ chủ yếu trong khe đá, nước sạch, trong.
Đặc biệt qua các xét nghiệm, phân tích, nghiên cứu, có thể công bố tên loài cá đặc hữu thuộc vùng núi huyện Kim Bảng - cá trối Hà Nam (tên khoa học là Channa hanamensis).
Không những có giá trị về mặt khoa học, cá trối còn là loài đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Nếu được đầu tư hợp lý, cá trối sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nuôi./.

BÀI "VÈ" ẨM THỰC HÀ NAM - VI DEO GIỚI THIỆU CÁ KHO LÀNG VŨ ĐẠI




ĐỀN BÀ VŨ


Đền Bà Vũ còn gọi là miếu vợ chàng Trương thuộc thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân.
Đền Bà Vũ còn gọi là miếu vợ chàng Trương thuộc thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân. Đền thờ bà Vũ Thị Thiết, người con gái phủ Nam Xang - một liệt nữ tiêu biểu có thật thế kỷ XVI .
Câu chuyện về bà đã được Nguyễn Dữ chép trong "Truyền kỳ mạn lục" và được dàn dựng trên sân khấu như các vở: Chiếc bóng oan khiên, Bài thơ treo dải yếm đào. Trong tín ngưỡng thờ thần của người dân Hà Nam, thánh bà Vũ Thị Thiết được thờ ngang với thánh Mẫu (Mẫu thủy).Ngày nay ngôi đền đã được tu sửa khang trang, là nơi khách thập phương và thuyền bè qua lại thường dừng chân thăm cảnh đền, cầu duyên rất linh ứng.

ĐÌNH VĂN XÁ


Đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, cách quốc lộ 62 khoảng 200m.
Đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, cách tỉnh lộ 62 khoảng 200m. Theo ngọc phả, thần phả sắc phong, truyền thuyết cùng các thư tịch văn bia còn lưu giữ, các vị thành hoàng được thờ ở đình Văn Xá là ông Cao Văn Phúc và bà Từ Thị Lang cùng hai vị Thuỷ thần.
Đình Văn Xá được xây trên khu đất rộng tại trung tâm làng. Đình quay theo hướng tây nam. Công trình gồm 2 toà kiến trúc theo kiểu chữ "Nhị", tất cả có 8 gian, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Toà tiền đường được làm theo phong cách thời Hậu Lê, mái đình cong, thấp lợp bằng ngói mũi hài. Hậu cung mang phong cách thời Nguyễn theo kiểu chồng rường, các cột đều đặt trên hệ thống tảng đá xanh, có chạm hoa văn tròn đều theo chu vị chân cột. Thế đất cùng với nghệ thuật kiến trúc đã tạo cho di tích cảnh quan đẹp và hấp dẫn.
Đình còn giữ nhiều cổ vật quý như: ngai thờ hai vị thần rắn, hương án cổ từ thời Hậu Lê, cỗ kiệu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII, tấm bia "Song văn linh từ bi ký" gồm 2 bài văn bia ghi lại sự tích linh thần, 30 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn dành cho ông Cao Văn Phúc và bà Từ Thị Lang cùng nhị vị Thuỷ tế Long Vương. Đình Văn Xá được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962. 

ĐÌNH AN HÒA


Đình An Hoà thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm cách thành phố Phủ Lý gần 6km đi theo quốc lộ 1A về phía Ninh Bình. Đình An Hoà là công trình kiến trúc độc đáo của tỉnh Hà Nam, đình thờ hoàng tử Linh Lang và phò mã Kiều Đức Mậu thời Lý.
Đình An Hoà được xây dựng trên khu đất rộng, mặt trước có hồ nước trong xanh. Toà tiền đường là một công trình kiến trúc cổ mái cong, bốn mái trải rộng được lợp ngói mũi hài, bên trong đền còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc độc đáo, quý hiếm như cảnh đua thuyền, người hổ giao tranh, voi ngựa đồng hành, long, ly, quy, phượng..
Đến với điểm du lịch đình An Hoà, bên cạnh việc thưởng ngoạn phong cảnh, kiến trúc của đình, du khách còn được tìm hiểu và hoà cùng không khí nhộn nhịp của làng nghề thêu ren truyền thống nổi tiếng - làng thêu ren An Hoà.

ĐỀN LĂNG


Đền Lăng thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, nằm dưới chân núi Cõi, nơi đây thờ vua Lê Đại Hành cùng hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều.
Đền Lăng thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, nằm dưới chân núi Cõi, nơi đây thờ vua Lê Đại Hành cùng hai con của ông là Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều.
Ở khu vực này có nhiều dấu tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đại Hành như khu Mả Dấu, khu Dàn Thề. Tương truyền ông nội của Lê Hoàn quê ở làng Bảo Thái có nuôi con hổ trắng ngày ngày cùng đi đổ đó ở cánh đồng. Một hôm ông đi đổ đó sớm, con hổ không nhận ra chủ, nên đã vồ ông, sau đó hổ cõng xác về đặt ở khu đất đầu làng, sáng hôm sau mối xông thành mộ, từ đó người  dân nơi đây thường gọi  là Mả Dấu.
Đến đền Lăng du khách được tham quan vẻ đẹp của ngôi đền cổ và lên đỉnh núi Cõi, phóng tầm mắt bao quát cả khu vực đồng bằng rộng lớn, nơi mà Lê Hoàn đã chỉ huy đội quân tập luyện và chiến đấu chống quân xâm lược nhà Tống.

ĐÌNH VỊ HẠ


Đình Vị Hạ thuộc thôn Vị Hạ, còn có tên là Và Hạ, xã Trung Lương huyện Bình Lục. Đình Vị Hạ nằm gần quốc lộ 21, cùng thôn có từ đường Nguyễn Khuyến.
Đình Vị Hạ thuộc thôn Vị Hạ, còn có tên là Và Hạ, xã Trung Lương huyện Bình Lục. Đình Vị Hạ nằm gần quốc lộ 21, cùng thôn có từ đường Nguyễn Khuyến.
Đình Vị Hạ được xây dựng theo kiểu chữ Đinh bao gồm hai toà: tiền đường năm gian, chính tẩm ba gian. Trước sân đình Vị Hạ có tấm bia  ‘‘Vị thị kiều bi ’’ ( bia cầu chợ Vị) đây là bia tứ giác, cao 0,95m, cạnh 0,41m, là dạng bia vuông, chóp bia kiểu Long Đình tạo bốn mảng trang trí, mỗi mảng chạm nổi một đề tài tứ linh trong khung lá đề. Riềm bia chạm triện gấm, hoa lá cùng Long chầu, ly, quy, phượng theo nhiều kiểu dáng khác nhau. Kiểu bát cống đại tự, câu đối ở đây cũng được gia công chạm khắc, sơn son thiếp vàng theo chất liệu và kỹ thuật cổ truyền, góp phần cho di tích thêm phần độc đáo, hấp dẫn.
Đình Vị Hạ thờ 4 vị thành hoàng như : Lãng Vương cư sĩ, Thiên Cương Định Cát tôn thần, đặc biệt  là thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục và Chu Đương đại vương.
 Đây là ngôi đình có giá trị kiến trúc, chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê còn lại không nhiều trên đất Hà Nam. Từ thành phố Phủ Lý theo quốc lộ 21 du khách tham quan các điểm đình Vị Hạ, Từ đường Nguyễn Khuyến trên tuyến du lịch Hà Nam - Nam Định - Thái Bình.