Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

VOVINAM VÀ ĐÒN ĐẤM MÚC

Đấm múc

Một đòn đấm múc (upper cut) theo chiều dọc (hoặc xiên) được tung từ dưới lên trên bằng tay phải (hoặc trái). Đấm múc thường được sử dụng để phá thế phòng thủ 2 tay che chắn trước mặt hoặc thái dương của đối phương.

Từ vị trí phòng thủ, võ sinh Vovinam thân hơi xoay về bên phải, tay phải hạ thấp xuống dưới tầm ngực của đối phương và đầu gối hơi cong ra phía sau. Tay phải đẩy mạnh lên cằm hay thân của đối phương tạo thành hình vòng cung. Đồng thời, đầu gối đẩy lên nhanh chóng, thân và hông xoay ngược chiều kim đồng hồ và gót chân sau xoay ra ngoài, bắt chước những chuyển động cơ thể của đòn đấm thẳng tay sau.

Tác dụng mang tính chiến lược của đòn đấm múc lên nằm ở hiệu quả của việc “xốc” đối thủ lên, làm cho đối thủ mất thăng bằng để tung ra những đòn đấm tiếp theo.
Đòn đấm múc lên bằng tay phải, tiếp sau đó là cú móc ngang bằng tay trái, một sự kết hợp chết người. Đòn đấm múc lên sẽ nâng cằm của đối thủ vào một vị trí dễ bị tổn thương, sau đó cú đấm móc ngang (hook) sẽ loại bỏ đối thủ ra khỏi trận đấu. Ngoài ra, đích đến của đòn đấm múc còn ở các vị trí: chấn thủy và bụng.
Theo dõi các trận đấu boxing để tìm hiểu kỹ hơn về đòn đấm múc (Upper Cut)!

TẠO HÓA CHO TA 9 CÁCH THỞ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY


Tạo hóa cho ta nhiều cách thở đặc biệt để sửa chữa bổ sung, thúc đẩy việc thở khi bị trở ngại hay cung cấp oxy không đủ tiêu dùng cho cơ thể, hoặc để giải quyết cho cuộc khủng hoảng trong việc thở khi bị cảm xúc mạnh, các cách thở đặc biệt ấy rất phong phú:

1. Ngáp:

Ta ngáp khi buồn ngủ xong ta cũng ngáp khi chán đời, khi nghe một diễn giả nói chuyện không hấp dẫn, khi ngồi trong phòng đông người, thiếu oxy. Trong lúc ngáp, miệng há to, cơ hoành và cơ hít vô ở ngực, co dần dần rất mạnh đến lúc làm cho ngực nở, bụng phình và cứng, ngưng lại ít giây rồi thở ra một cách tự do, thoải mái. Vậy ngáp, ngoài việc báo hiệu ta mệt cần ngủ, còn để vận động cho thần kinh bớt chán, làm cho khí huyết lưu thông, cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.

2. Vươn vai:

Là kết hợp cái ngáp và động tác tay chân đưa thẳng ra, lưng ưỡn cứng, cho khí huyết chạy khắp người, năng lượng phân bổ đều trong cơ thể làm cho con người nghe dễ chịu.

3. Rên:

Nhiều cụ già hễ đau thì bắt rên. Rên là thở ra có tiếng kêu làm rung động trong cơ thể. Người bệnh nhân rên như thế nghe dễ chịu, có lẽ tiếng rung động phát ra từ thanh quản đều đều có tác dụng an thần trong cơn bệnh.

4. Tróc lưỡi:

Là cái lưỡi để sát ổ gà, bịt đường thông ra miệng, màn hầu (lưỡi gà) bịt đường thở ra lỗ mũi, các cơ thở ở ngực kéo xương sườn lên và các cơ co bụng co thắt làm cứng bụng. Để tạo thể tích lớn hơn trong phổi và bụng thì áp suất trong ngực (p) và bụng (p’) thấp hơn áp suất không khí (P). Trong lúc ấy lưỡi tách ra khỏi ổ gà đập mạnh xuống sàn miệng, hơi ào vào, tạo ra tiếng kêu “tróc lưỡi”.
Động tác này xoa bóp cả ngực, bụng và cả tạng phủ bên trong.

5. Nấc cục (Hoquet):

Là do cơ hoành co thắt, đồng thời thanh quản đóng lại, chỉ một ít hơi ùa vào kẽ thanh quản, tạo ra tiếng kêu “nấc cục”.
Đây là một phản xạ, có dây thần kinh hướng tâm và dây thần kinh ly tâm là dây thần kinh cơ hoành. Thần kinh hướng tâm bị kích thích ở vùng dạ dày (trẻ em bú quá no, người lớn ăn no quá, dạ dày đầy hơi, uống quá nóng hoặc quá lạnh), giun sán ở ruột, viêm màng bụng kích thích ở vùng ngực như viêm màng phổi, viêm màng tim hay u trung thất (médiastin). Thần kinh ly tâm là dây thần kinh cơ hoành làm cơ hoành co thắt.
Động tác này giải quyết một rối loạn về thần kinh bị kích thích.

6. Hắt hơi (nhảy mũi):

Động tác phản xạ gồm hít vô chậm và sâu, liền lúc đó một động tác giật thắt mạnh cơ ngực và bụng, xịt hơi ra mạnh có tiếng kêu “hắt xì” kéo theo các thứ gì đã chui vào mũi. Nhiều khi không khí lạnh, bụi, trong bệnh dị ứng mũi ... cũng làm hắt hơi.
Hắt hơi nhờ sức mạnh của luồng không khí làm thông được lỗ mũi, khí quản, phế quản. Thầy thuốc dùng bột bồ kết thổi vào lỗ mũi, làm cho bệnh nhân hắt hơi để cứu người bệnh khỏi cơn hôn mê.

7. Khóc:

Là để giải quyết một cơn khủng hoảng thần kinh do cảm xúc, buồn rầu, uất ức, khóc được rồi thì cơn khủng hoảng bớt một phần.

8. Cười:

Do hoàn cảnh bên ngoài hay tư tưởng bên trong làm cho ta có cảm giác vui thì ta cười. Động tác cười là nhiều cơ chung quanh miệng co thắt như: Cơ vòng môi (orbiculaire des lèvres), cơ cười (risorius), cơ nanh (canin), cơ mút (buccinateur) và dồng thời nhiều cơ khác nhau tham gia tùy mức độ cười làm cho ta thở ra có đứt đoạn thành tiếng. Cười rất nhiều cách, biểu hiện tình cảm tâm lý của người cười. Tiếng cười gây hưng phấn và tạo ra không khí vui tươi lạc quan, yêu đời. “Một trận cười bằng mười thang thuốc bổ”.

9. Ho:

Ho để khạc đờm ra ngoài. Muốn ho đem lại kết quả là phải hít vô hơi cho đầy phổi rồi đóng thanh quản, nén hơi cho có áp suất, mở thanh quản chớp nhoáng cho hơi ra rất mạnh, có sức kéo đờm ra ngoài.
 Bs.Nguyễn Văn Hưởng, Bs.Huỳnh Uyển Liên.
Trích “Làng võ Việt Nam” tháng 12/92.

UỐNG NƯỚC NHIỀU CÓ THỂ GÂY TỬ VONG


Các chuyên gia y khoa thể thao vừa đưa ra cảnh báo về việc luyện tập trong thể thao, có liên quan đến hiện tượng hạ Natri máu. Theo đó, các vận động viên uống quá nhiều nước trong khi luyện tập sẽ rất nguy hiểm do giảm lượng Natri trong máu.
Các chuyên gia cho biết: Phụ nữ và các vận động viên mới tham gia luyện tập hoặc có trọng lượng thấp thường có nguy cơ bị hạ Natri máu đặc biệt cao hơn các đối tượng khác.
Điều chủ yếu để ngăn chặn hiện tượng này là tránh việc uống một lượng nước quá nhiều hơn lượng nước mất đi của cơ thể qua mồ hôi và nước tiểu.
Ngay cả các loại nước dành cho vận động viên thể thao hay viên muối bổ sung cũng không làm giảm được nguy cơ này cho những người uống nước quá nhiều trong quá trình tập luyện.
(Theo SK&ĐS)

XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRONG VÕ THUẬT


Cựu vô địch Quyền Anh tự do Bill Wallace đã bị một vết thương đáng sợ trong đợt tập huấn Judo năm 1966: bị đứt dây chằng đầu gối chân phải. Các bác sĩ y khoa bảo chỉ có 50% hy vọng sử dụng lại chân phải thôi. Không nản chí, Bill vẫn tiếp tục luyện tập. Càng tập, ông càng thấy đau dữ dội. Nhưng với ý chí phi thường, Bill cuối cùng đã tập Judo lại như thường. Và rồi vào năm 1971, tai họa lại đến, Bill bị chấn thương ngay đầu gối phải- Vết thương cũ, và phải nghỉ  tập. Tất cả những điều đó không khuất phục nổi Bill Wallace; sau một thời gian khổ luyện không ngừng, ông đã trở lại thảm tập, dù phải mang một miếng nối khớp gối khá nặng. Bây giờ, ông đã có thể đi, đứng bình thường và sử dụng được cả đòn chân. Sau đây là những kinh nghiệm quý báu của Bill Wallace về xử lý chấn thương trong võ thuật.
Có ai tập võ mà không bị chấn thương ít nhiều đâu, phải không các bạn? Vấn đề là làm sao chữa lành mà không để lại những di chứng tai hại về sau. Đó chính là hành trang không thể thiếu của tất cả những ai say mê võ thuật.
Trước hết phải kể đến  các ngón chân, nhất là với môn Karaté bởi bạn phải tập chân không. Mà dù có mang giày đi nữa, các ngón chân vẫn có nguy cơ trật khớp, bong gân và đôi khi bị gãy xương khi bạn đá trúng cùi chỏ, đầu gối v.v… của đối thủ. Đó là chuyện xảy ra thường xuyên trên sàn tập.
Kế đến là bong gân, chảy máu và tụ máu bầm, thường xảy ra khi bạn tung những đòn quá cương mãnh hoặc bị va chạm mạnh. Bạn phải cẩn thận với vùng quanh mắt và mũi, chỉ cần trúng đòn hơi mạnh là chảy máu rồi. Các mảnh xương xương nhọn vùng mắt dễ làm toạc da bạn lắm.
Phần dễ bị thương nữa là bàn tay. Bởi vậy khi tập đấm bao cát nặng, bạn nên băng tay lại hoặc đeo găng. Nhưng rồi khi đấm hăng quá, bạn sẽ quên mất là cổ tay có thể bị trật khớp, bong gân và tay có thể tuột da.
Chấn thương trầm trọng hơn nhiều là vẹo vách ngăn mũi. Như ta biết, cấu tạo của mũi gần 99% là sụn, mà sụn thì rất dễ bị méo mó và chẳng bao giờ thẳng lại được. Đó là lý do tại sao các võ sĩ quyền Anh, quyền Thái (Thai boxing) và Kickboxing, mũi họ trông khá bằng phẳng (mũi tẹt). Về mũi của tôi thì quả là một kỷ niệm tệ hại nhất trong những năm tập luyện. Lúc đó tôi đang luyện song đấu, với một đối thủ khó nuốt. Dù vậy vẫn dồn anh ta vào một góc, và ung dung tung những đòn đẹp mắt. Bất thình lình, anh ta bật lên và đầu anh ta đánh cốp ngay giữa mũi tôi. Máu tuôn ra như vòi phun nước vậy. Thật tệ, tôi phải mất 15 phút để cầm máu. Về nhà tôi không thấy đau lắm, nhưng mũi cứ giựt giựt hoài. Soi gương thấy mũi vẫn thẳng, tôi hơi an tâm, chứng tỏ nó chưa gãy. Nhưng rồi khi ngửa đầu ra sau, tôi thấy vách ngăn mũi méo đi một cách thảm hại, cho đến tận ngày nay.
Tất cả các chấn thương đó xảy ra quá thường xuyên, bởi vậy cách chữa lành chúng là điều thật quan trọng. Làm sao đây? Thưa các bạn, nghỉ ngơi. Đó chính là bí quyết. Vâng, nghỉ ngơi. Bạn cần thời gian để dưỡng thương. Và dĩ nhiên không phải chỉ 1, 2 ngày. Cơ thể chúng ta là một bộ máy tuyệt diệu. Khi có những vấn đề trục trặc, nó báo cho bạn ngay, bằng cách gây đau đớn. Và lúc đó, khôn ngoan nhất là nghỉ ngơi để vết thương đủ thời gian lành hẳn. Một tuần, hai tuần hoặc đôi khi cả tháng cũng không sao. Nghỉ ngơi một tháng còn hơn, vâng! Còn hơn phải giã từ võ thuật vì những hậu quả tai hại của chấn thương, các bạn đồng ý chứ?
Khương Duy
(Lược dịch theo A World of  Hurt của Bill Wallace, tạp chí Black Belt)

TẬP LUYỆN VÕ THUẬT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TĂNG CHIỀU CAO CƠ THỂ?


Có người cho rằng tập luyện võ thuật, do chú trọng luyện tập đứng tấn quá nhiều, có thể làm hạn chế sự tăng trưởng chiều cao của cơ thể. Điều này có đúng không? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu qua về sự phát triển của xương trong cơ thể người, đặc biệt là những xương góp phần trực tiếp vào sự tăng trưởng chiều cao của cơ thể.
Theo “Giải phẫu người” của trần Xuân Nhi và Nguyễn Quang Vinh (nhà xuất bản giáo dục 1987), trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cơ thể, bộ xương người làm bằng mô liên kết. Về sau, mô liên kết biến thành mô sụn, ngoại trừ một số mô đặc biệt. Mô sụn hay mô liên kết phát sinh ra những điểm hóa xương. Những xương phát sinh từ mô liên kết gọi là xương màng, như nhiều xương ở hộp sọ. Còn lại phần lớn các xương khác trong cơ thể đều được phát triển bằng cách thay thế các sụn, gọi là xương thứ sinh hoặc là xương thay thế. Có hai cách hóa xương thay thế các sụn: hóa xương trong sụn khi sự hóa xương bắt đầu trong lòng sụn và hóa xương ngoài sụn khi sự hóa xương bắt đầu ở bề mặt sụn.
Đối với xương dài, sự hóa xương bắt đầu từ phần giữa của thân xương theo cách hóa xương ngoại sụn.  Sự hóa xương trong sụn bắt đầu chậm hơn và được nối liền với với phần hóa xương ngoại sụn. Các điểm hóa xương ngoại sụn dần dần được nối liền với nhau ở dưới lớp màn xương và tạo nên mô xương. Đồng thời với sự hóa xương, trong lòng xương xảy ra một sự phân hủy các chất xốp để hình thành  ống xương rỗng chứa tủy xương. Sự phát triển theo chiều dài bằng cách phát triển thêm mô sụn ở hai đầu xương, các đầu xương giữ mô sụn rất lâu. Những điểm hóa xương trong sụn tiếp tục phát triển ở đầu xương trong khoảng 10 năm (ở nam thì khoảng 10-15 tuổi đến 20-25 tuổi, ở nữ thì khoảng 8-10 tuổi đến 18-20 tuổi). Từ tuổi thiếu niên bước qua tuổi thanh niên có nhiều sự tăng trưởng nhất.
Sự phát triển bộ xương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh yếu tố cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, yếu tố vận động  tạo điều kiện các sụn giãn dài ra trong thời gian 10 năm phát triển thành sụn hóa thành xương cũng được xem là một trong các yếu tố quan trọng.
Từ sự trình bày khoa học trên đây về sự phát triển và tăng trưởng của xương, chúng ta có thể thấy rằng việc tập luyện võ thuật sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển chiều dài của xương, tức phát triển chiều dài của cơ thể, cũng như góp phần hóa xương nhanh của các sụn đầu xương, tức hạn chế chiều cao của cơ thể, tùy thuộc vào giáo trình huấn luyện võ thuật cho các võ sinh trong độ tuổi 10 năm sụn phát triển thành xương như đã nói ở trên. Thật vậy, đối với các võ sinh đang trong độ tuổi phát triển, một giáo trình huấn luyện võ thuật biết kích thích tạo điều kiện giãn dài các đầu sụn của xương, nhất là xương dài, chắc chắn sẽ giúp cho võ sinh tăng nhanh sự phát triển chiều cao của cơ thể. Ngược lại, cùng một đối tượng, nhưng giáo trình huấn luyện võ thuật khác lại chú trọng quá nhiều đến các thế tấn trụ người, làm cho tăng nhanh sự hóa xương của các đầu sụn, dĩ nhiên sẽ làm hạn chế sự phát triển của chiều cao cơ thể của người võ sinh.
Kinh nghiệm một số năm huấn luyện võ thuật của bản thân tôi cho thấy sự phân tích việc luyện tập võ thuật sẽ góp  phần phát triển chiều cao của cơ thể cũng như góp phần hạn chế  sự phát triển chiều cao của cơ thể là hiện thực.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi tập luyện võ thuật từ những lứa tuổi mà cơ thể bắt đầu phát triển (tức khoảng từ 8-10 tuổi đến 16-18 tuổi), tập trong thời gian liên tục từ 3 năm đến 5 năm hoặc 6 năm, với một giáo trình chú trọng những động tác kéo giãn dài tứ chi và toàn thân, tránh những động tác trì nặng trên hai chân, hai vai và đầu, thì kết quả ắt sẽ toại ý.
Võ sư HỒ TƯỜNG.


Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

CHÂN DUNG VÕ SƯ VOVINAM TRÊN TRUYỀN HÌNH MỸ

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trên trang tin của CNN. Ảnh: CNN.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu trả lời kênh truyền hình nổi tiếng CNN về quãng đường học tập và truyền bá môn võ dân tộc Việt Nam.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu được kênh CNN chọn làm nhân vật cho chương trình "Human to Hero" (Từ người thường thành người hùng) với chủ đề về môn Vovinam. Ông là chánh chưởng quản môn phái và là phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF). Võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng đi dạy Vovinam tại 20 nước và có công quảng bá bộ môn võ thuật của Việt Nam trên toàn thế giới.
Trong phóng sự của CNN mang tên "Nguyễn Văn Chiếu: Người truyền võ Việt Nam", võ sư 65 tuổi được miêu tả như người cống hiến cả cuộc đời để đưa môn võ truyền thống của Việt Nam tới mọi người. Ông có thể nghỉ ngơi sau bốn thập niên cống hiến nhưng cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm cho Vovinam.
"Giấc mơ của tôi là mở một học viện Vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này", võ sư Nguyễn Văn Chiếu nói trên kênh CNN. "Vovinam phù hợp với tất cả mọi người, có thể đào tạo trong lực lượng vũ trang cũng như dùng để phòng thân".
Vovinam được cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội vào năm 1938. Đến nay Vovinam được quảng bá và giảng dạy trên 50 quốc gia, thu hút hàng triệu môn sinh theo tập. Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì Vovinam là môn võ hoàn chỉnh, có cương nhu phối hợp bên trong các đòn thế đa dạng.
Lớp học của võ sư Chiếu ở TP HCM. Ảnh: CNN.
Không chỉ sử dụng các đòn ném, quật, đấm, đá mà Vovinam còn có thể phối hợp khi dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả. Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng Vovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, không phải một người chuyên chiến đấu.

Phóng sự Nguyễn Văn Chiếu: Người truyền võ Việt Nam

 

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu theo tập Vovinam từ năm 16 tuổi và bắt đầu công tác giảng dạy từ những năm 1970. Sau đó ông trở thành giám đốc một trung tâm đào tạo tại Bình Định.
Sau khi đất nước thống nhất, ông là người đầu tiên gây dựng lại môn võ Vovinam tại TP Hồ Chí Minh vào năm 1978. Thành công tại quê hương trong những năm 1980 khiến võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ánh nhìn ra nước ngoài. Ông tổ chức các hoạt động biểu diễn võ thuật ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus năm 1990. Đến nay có khoảng một triệu người theo tập Vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới.
Tính riêng tại Pháp đã có 10 nghìn người học mới chỉ trong đầu năm 2014. Thành phố Paris cũng vừa đăng cai giải vô địch thế giới Vovinam lần thứ tư. Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Pháp, Nguyen Hung nói: "Vovinam xuất phát từ Việt Nam và giờ trở thành môn võ cho mọi người".
Sự lớn mạnh của Vovinam dần được công nhận trên toàn thế giới. Năm 2009, Vovinam được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á trước khi lần đầu có mặt ở SEA Games hai năm sau.
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu cùng các thành viên đội tuyển Vovinam TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CNN.
Ngồi trong võ đường nhà thi đấu Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, võ sư Nguyễn Văn Chiếu có thể nhìn lại chặng đường dài mà ông đi qua với niềm tự hào.
"Tôi đã dành cả cuộc đời cho môn võ này dù nó không mang lại cho tôi sự giàu có. So với những người làm công việc khác thì tôi thậm chí còn nghèo hơn", ông nói. "Tôi làm bởi đam mê và tinh thần võ học của Vovinam. Tôi đã theo học để rồi dạy lại mọi người như trả món ân huệ cho những người thầy của mình. Đây là số phận".
Dù ở tuổi gần thất thập nhưng ông vẫn đủ dẻo dai để thực hiện các bài tập. Đối với võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì Vovinam lúc này như một người bạn giúp ông giữ sức khỏe, tinh thần minh mẫn và tránh những thói quen có hại.
Bảo Lam - VnExpress

PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN MỘT BÀI QUYỀN

Võ sư  Nguyễn Văn Chiếu trong một tư thế của bài Long Hổ quyền

Trong môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, hầu hết các bài quyền tay không và vũ khí đều theo nguyên tắc chung “Một phát triển thành ba” (Học các đòn căn bản lẽ, được ghép lại thành bài quyền, sau đó phối hợp lại thành bài đối luyện, song luyện, song đấu) nhằm giúp cho người môn sinh có nhiều hình thức ôn tập thuần thục và dễ nhớ, phát triển các kỷ năng nhanh, mạnh, bền, khéo léo đồng thời tạo sự gắn bó, xuyên suốt, có tính logic, khoa học trong tập luyện và giảng dạy. Hiện nay, ngoài việc tập luyện các bài đơn luyện để tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe, thi lên cấp đai theo chương trình, các bài quyền còn được đưa vào thi đấu, tranh giải tại các địa phương; do đó việc tập luyện và huấn luyện các bài quyền (đơn luyện) đều phải đạt được mục đích, tiêu chuẩn chung như : phải thuộc đòn cơ bản, nắm vững động tác lẻ rồi mới ghép vào bài. Thực hiện bài tập đúng trình tự, chính xác từng động tác, dứt khoát trước khi bắt đầu động tác kế tiếp.
1. Trước khi huấn luyện bài quyền cần giới thiệu qua. Tên gọi bài quyền, xuất xứ, ý nghĩa, nội dung chính trong bài quyền (ghép các thế chiến lược, các động tác lẻ, đòn cơ bản của từng trình độ trong chương trình). Số động tác của toàn bài, đồ hình, phương hướng và 1 số đặc điểm chung trong bài quyền. Yêu cầu phải đạt: Đánh nhanh, mạnh, dứt khoát, chính xác từng động tác, thời gian thực hiện, khả năng chịu đựng, giữ thăng bằng, tấn bộ pháp vững chắc, thân thái tốt (biểu hiện nét mặt, nhãn thần).
2. Phương pháp huấn luyện. Huấn luyện các thế tấn: Các thế tấn có trong bài quyền đều phải được tập trước. cần chú ý làm cho võ sinh nắm vững vị trí bàn chân, vị trí đùi, tư thế của thân. Huấn luyện cách chuyển tấn: Chú ý nắm vững sự vận động của chân khi chuyển tấn, chân chuyển luôn luôn phải trở về chân trụ. Hướng dẫn cụ thể, rành mạch cách chuyển tấn. Huấn luyện cách đá: Gồm các loại đá, đạp. Hướng dẫn võ sinh hiểu rõ cách lấy sức bật ở hông, ở đầu gối, cách lầy đà, đá ra và rút chân về. Huấn luyện vị trí vận động của 2 cánh tay: Chú ý đến tác dụng: Che thân, che mặt, đầu, biên độ rộng thì hở sườn, hở bụng, hạ bộ, mặt. Chú ý cách vận động cổ tay, bàn tay. Huấn luyện cách phối hợp giữa thế tấn, tay, chân, hướng mặt, mắt nhìn: Trong từng động tác, làm thế nào cho có sự phối hợp nhịp nhàng, cân đối trong từng động tác. Trong giai đoạn chuyển thế, Huấn luyện viên phải coi trọng tính chính xác của động tác, thế võ, sự phối hợp, cùng lúc giữa cử động chân tay với đầu, mắt và hơi thở.
Võ sư: Nguyễn Văn Chiếu