Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

TẠO HÓA CHO TA 9 CÁCH THỞ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY


Tạo hóa cho ta nhiều cách thở đặc biệt để sửa chữa bổ sung, thúc đẩy việc thở khi bị trở ngại hay cung cấp oxy không đủ tiêu dùng cho cơ thể, hoặc để giải quyết cho cuộc khủng hoảng trong việc thở khi bị cảm xúc mạnh, các cách thở đặc biệt ấy rất phong phú:

1. Ngáp:

Ta ngáp khi buồn ngủ xong ta cũng ngáp khi chán đời, khi nghe một diễn giả nói chuyện không hấp dẫn, khi ngồi trong phòng đông người, thiếu oxy. Trong lúc ngáp, miệng há to, cơ hoành và cơ hít vô ở ngực, co dần dần rất mạnh đến lúc làm cho ngực nở, bụng phình và cứng, ngưng lại ít giây rồi thở ra một cách tự do, thoải mái. Vậy ngáp, ngoài việc báo hiệu ta mệt cần ngủ, còn để vận động cho thần kinh bớt chán, làm cho khí huyết lưu thông, cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể.

2. Vươn vai:

Là kết hợp cái ngáp và động tác tay chân đưa thẳng ra, lưng ưỡn cứng, cho khí huyết chạy khắp người, năng lượng phân bổ đều trong cơ thể làm cho con người nghe dễ chịu.

3. Rên:

Nhiều cụ già hễ đau thì bắt rên. Rên là thở ra có tiếng kêu làm rung động trong cơ thể. Người bệnh nhân rên như thế nghe dễ chịu, có lẽ tiếng rung động phát ra từ thanh quản đều đều có tác dụng an thần trong cơn bệnh.

4. Tróc lưỡi:

Là cái lưỡi để sát ổ gà, bịt đường thông ra miệng, màn hầu (lưỡi gà) bịt đường thở ra lỗ mũi, các cơ thở ở ngực kéo xương sườn lên và các cơ co bụng co thắt làm cứng bụng. Để tạo thể tích lớn hơn trong phổi và bụng thì áp suất trong ngực (p) và bụng (p’) thấp hơn áp suất không khí (P). Trong lúc ấy lưỡi tách ra khỏi ổ gà đập mạnh xuống sàn miệng, hơi ào vào, tạo ra tiếng kêu “tróc lưỡi”.
Động tác này xoa bóp cả ngực, bụng và cả tạng phủ bên trong.

5. Nấc cục (Hoquet):

Là do cơ hoành co thắt, đồng thời thanh quản đóng lại, chỉ một ít hơi ùa vào kẽ thanh quản, tạo ra tiếng kêu “nấc cục”.
Đây là một phản xạ, có dây thần kinh hướng tâm và dây thần kinh ly tâm là dây thần kinh cơ hoành. Thần kinh hướng tâm bị kích thích ở vùng dạ dày (trẻ em bú quá no, người lớn ăn no quá, dạ dày đầy hơi, uống quá nóng hoặc quá lạnh), giun sán ở ruột, viêm màng bụng kích thích ở vùng ngực như viêm màng phổi, viêm màng tim hay u trung thất (médiastin). Thần kinh ly tâm là dây thần kinh cơ hoành làm cơ hoành co thắt.
Động tác này giải quyết một rối loạn về thần kinh bị kích thích.

6. Hắt hơi (nhảy mũi):

Động tác phản xạ gồm hít vô chậm và sâu, liền lúc đó một động tác giật thắt mạnh cơ ngực và bụng, xịt hơi ra mạnh có tiếng kêu “hắt xì” kéo theo các thứ gì đã chui vào mũi. Nhiều khi không khí lạnh, bụi, trong bệnh dị ứng mũi ... cũng làm hắt hơi.
Hắt hơi nhờ sức mạnh của luồng không khí làm thông được lỗ mũi, khí quản, phế quản. Thầy thuốc dùng bột bồ kết thổi vào lỗ mũi, làm cho bệnh nhân hắt hơi để cứu người bệnh khỏi cơn hôn mê.

7. Khóc:

Là để giải quyết một cơn khủng hoảng thần kinh do cảm xúc, buồn rầu, uất ức, khóc được rồi thì cơn khủng hoảng bớt một phần.

8. Cười:

Do hoàn cảnh bên ngoài hay tư tưởng bên trong làm cho ta có cảm giác vui thì ta cười. Động tác cười là nhiều cơ chung quanh miệng co thắt như: Cơ vòng môi (orbiculaire des lèvres), cơ cười (risorius), cơ nanh (canin), cơ mút (buccinateur) và dồng thời nhiều cơ khác nhau tham gia tùy mức độ cười làm cho ta thở ra có đứt đoạn thành tiếng. Cười rất nhiều cách, biểu hiện tình cảm tâm lý của người cười. Tiếng cười gây hưng phấn và tạo ra không khí vui tươi lạc quan, yêu đời. “Một trận cười bằng mười thang thuốc bổ”.

9. Ho:

Ho để khạc đờm ra ngoài. Muốn ho đem lại kết quả là phải hít vô hơi cho đầy phổi rồi đóng thanh quản, nén hơi cho có áp suất, mở thanh quản chớp nhoáng cho hơi ra rất mạnh, có sức kéo đờm ra ngoài.
 Bs.Nguyễn Văn Hưởng, Bs.Huỳnh Uyển Liên.
Trích “Làng võ Việt Nam” tháng 12/92.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét