Social Icons

Pages

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

ÐẠI CƯƠNG NGHỆ THUẬT CHỈ HUY TRONG CÁC ĐOÀN THỂ VÀ PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Chánh Chưởng Quản môn phái VoViNam

I. SỰ QUAN TRỌNG CỦA NGHỆ THUẬT CHỈ HUY:

Sự sống nhân loại mỗi ngày một phức tạp. Ánh sáng văn minh đã lóe rạng khắp nơi. Muốn thực hiện các mục đích và công trình trọng đại,. Con người phải biết hướng dẫn nhau để cùng làm việc. Nghệ thuật chỉ huy do đó trở nên cần thiết vô cùng.
Mọi hoạt động tập thể không có hướng dẫm đều trở thành rối loạn, mất trật tự. sự thực ở trong Quân Ðội cũng như trong các xưởng thợ, trong một hãng buôn, trong một trường học, trong một đoàn thể thanh niên hay trong một nước... đều phải có một hệ thống chỉ huy.
André Maurois nói: Bất kỳ ở đâu có nhiều người cùng làm việc chung đều cần có một người lãnh đạo và cũng có một quốc gia, cũng gồm chừng ấy người mà rối loạn hay trật tự là tùy theo chánh phủ có biết lãnh đạo quần chúng hay không. Không có chỉ huy thì chẳng có hoạt động quân sự, chẳng có đời sống quốc gia, chẳng có sinh hoạt xã hội.
Tạp chí Fortune Magazine số tháng 10 năm 1964, sau khi đã phỏng vấn hầu hết các yếu nhân của nước Mỹ đã viết: Hết thảy các nhân vật quan trọng đều cho rằng: Thuật chỉ huy quan trọng hơn cả thuật quyết định, hơn cả tài năng kỹ thuật và bất kỳ một đức tính nào khác.
Nhà tỷ phú Zohn d. Rockegelle từng nói: Tôi sẽ trả cho người nào có tài chỉ huy một số lương cao hơn hết thảy những người có những tài khác.
Ngày nay, nghệ thuật chỉ huy đúng ra phải được xếp hàng đầu trong các môn học khác, nhưng không hiểu sao người ta chưa thành lập một Phân Khoa riêng tại các trường đại học để dạy môn này.
Ở các nước Cộng Sản như Nga sô, Trung Cộng họ có mở các trường chuyên dạy các cán bộ của họ về nghệ thuật chỉ huy và lãnh đạo.
Chúng ta hiện nay chỉ còn phương pháp tìm các tài liệu sách báo, quan sát những hiện tượng đã diễn tiến và bằng vào một vài kinh nghiệm bản thân để nêu ra những nét đại cương về nghệ thuật chỉ huy. Bài này chỉ thu gọn vấn đề và phong trào quần chúng như trong môn phái chúng ta.

II. TÁC PHONG CỦA NGƯỜI CHỈ HUY:

Tác phong tuy chỉ là những hành động, dáng vẻ, hình thức nhưng nó nói lên bản chất, cá tính của mỗi người. Có một tác phong đường hoàng, nghiêm chỉnh người chỉ huy dễ được kẻ khác quý mến và nể vì.

a. Thái độ: 

Hoà mình với tập thể, thân mật và vui vẻ, nhưng đôi lúc cũng cần phải biết Cách Biệt và Hơi Bí Mật một chút tránh sự sờm sở, lờn mặt. Phải nhân hậu và thiện ý với tất cả mọi người. Ðừng bao giờ có ác ý với một ai để họ hiểu lầm là ác ý của mình. 
Sau hết là sự trầm tỉnh, bình thản, ung dung trước mọi vấn đề nan giải hoặc trước những nghịch cảnh bất ngờ.
b. Ngôn ngữ: Muốn chỉ huy thì giọng nói phải rõ ràng và vui vẻ. Có một giọng êm đềm là một cái duyên. Những giọng đó đều có thể luyện tập mà thành. 
Nói ít và chỉ nói những điều cần thiết. Sự im lặng nhiều khi làm gia tăng thế lực của ta. Trước khi tuyên bố, trước khi ngỏ lời với một đám đông, người chỉ huy thường im lặng trong nửa phút làm mọi người phải chú ý lắng tai nghe. Sự lầm lì như Bonaparte đã có ảnh hưởng tới cả đại quân... tuy vậy không phải lúc nào người chỉ huy cũng câm như miệng hến, thường khi cũng phải có vài câu khôi hài ý nhị để tạo bầu không khí hòa nhã cho những người xung quanh. Lời nói mạnh dạn hay nhỏ nhẹ tùy lúc, nhưng bao giờ cũng phải lịch sự, nhã nhặn. 
Tuyệt đối không gọi mày tao, xưng hô cộc lốc với người dưới. Tránh những lời tục tỉu, những câu chuyện nhảm nhí vô ích không bao giờ quát tháo, Emerson từng nói: Khi ông ta la hét dữ dội như vậy thì tôi chẳng nghe ra gì cả.

c. Cử chỉ: 

Ði, đứng, ngồi...phải nghiêm trang, ngay ngắn. Ngồi ngả nghiêng đứng dựa tường rung cẳng, đi hấp tấp khệnh khạng... không làm cho ai kính nể mình cả, trái lại họ còn coi thường mình là khác.
Cặp mắt luôn luôn nhìn thẳng, mở rộng nhưng hiền từ,. Nhìn trộm, hấp ha hấp háy, liếc ngang, liếc dọc là biểu hiện của phường gian phi.
Dáng điệu thân thiện phác họa qua những cái nhìn từ ái, cái vổ vai nhẹ nhàng, sự mời mọc lúc bắt tay, mĩm cười hay vẩy gọi...

d. Phục sức: 

Phục sức tuy chỉ là những thứ bên ngoài, nhưng nó thể hiện cá tính của mọi người. Trang phục lôi thôi bẩn thỉu dễ gây mặc cảm tự ti cho chính mình và làm kẻ khác khinh thường.
Trái lại tang phục bảnh bao chải chuốc quá người ta sẽ kêu là công tử đỏm dáng và ta sẽ biến thành một anh kép hát cải lương. Các phụ nữ mặc bó sát hay hở hang với son phấn lòe loẹt quá khiến người ta nghĩ tới một vũ nữ hay một (me Mỹ).
Trang phục giản dị, sạch sẽ, không chạy theo thời trang một cách quá đáng, cũng không đi lùi sau thời trang quá vẫn là những mực thức căn bản.
Nếu khéo léo hơn, người ta có thể tạo cho mình một thứ trang phục riêng biệt để làm nổi mình hơn. Thí dụ: Một bộ tóc tài tử như Tổn gthống Kennedy, một chiếc mũ rộng vành như thủ tướng Churchill, hoặc một chiếc áo cổ lớn với nhiều túi hay nhiều nút...

e. Ðúng đắn: 

Tất cả ngôn ngữ, củ chỉ, phục sức, thái độ của ta dù có hoàn bị tới đâu cũng chẳng còn giá trị gì nếu t a không đứng đắn trong vấn đề nam nữ.
Việc luyến ái và hôn nhân phải được đặt đúng chổ và hợp lý. Có nhiều vị chỉ huy lớn đã bị coi thường hay bị đào thải chỉ vì vấn đề này. Trong khung cảnh sinh hoạt của môn phái chúng ta vấn đề nói trên càng trở nên quan trọng hơn, do đó các cấp chỉ huy càng phải thận trọng.

III. NHỮNG ÐỨC TÍNH CĂN BẢN CỦA NGƯỜI CHỈ HUY:

Người chỉ huy phải biết tiên liệu. Sáng suốt nhận định, quan sát tỉ mỉ để nhìn thấy trước những sự việc sắp xảy ra hoặc sẽ xảy ra rồi dự phòng các biện pháp ứng phó.
Người chỉ huy phải biết quyết định và chịu trách nhiệm. Trước khi quyết định dĩ nhiên ta phải biết mọi tin tức chính xác, nắm những vấn đề, cân nhắc mọi điều hơn thiệt. Khi đã kiểm điểm và hạ lệnh rồi, người chỉ huy phải trung thành với quyết định của mình, ngoại trừ gặp phải trở ngại bất ngờ không thể vượt qua. André - Maurois nói: Không có gì làm cho người tùng thuộc ngã lòng bằng người lãnh đạo do dự, không quả quyết.

SỰ CƯƠNG QUYẾT VƯỢT QUA TẤT CẢ

Những quyết định vội vàng thường đem lại hậu quả khốc hại và người ra lệnh phải lãnh đủ. Cho nên người chỉ huy phải hết sức thận trọng đối với những quyết định có tầm ảnh hưởng lớn.
Ðức tính thứ ba của người chỉ huy là bất Vụ Lợi. Có nhiều vị chỉ huy kém phần xuất sắc nhưng không ai ngờ vực được lòng trong sạch của ông ta về tiền bạc hoặc tư lợi. Lòng mến phục của thuộc cấp do đó tăng lên, và uy tín của ông ta sẽ lớn rộng.
Ðức tính cần thiết khác của người chĩ huy là Nhẩn Nại.
Sự ngu đần chiếm một phần lớn trong công việc của con người. Người chỉ huy sáng suốt luôn luôn chờ đợi và sẳn sàng nhẫn nại chịu đựng sự đần độn của thuộc cấp không vượt qua được giới hạn. Người chỉ huy phải biết rằng những ý định của mình sẽ bị biến đổi sai, mệnh lệnh thi hành không đúng các người tùng thuộc đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. Nhưng đã dự phòng những hiện tượng không tránh ấy rồi Cho nên thay vì tìm kiếm những người thi hành không khuyết điểm - là điều không thể có - Người chỉ huy chỉ chọn lấy những người thi hành khá nhất trong những kẻ đã đến với mình.
NHÀ LÃNH ÐẠO CHỈ HUY NGƯỜI THEO KHẢ NĂNG CỦA HỌ CHỚ KHÔNG PHẢI THEO KHẢ NĂNG CỦA MÌNH.
Ở đời không có việc gì giải quyết được xong xuôi hết. Nếu ta ngừng lại để tự mãn, ta sẽ đi dần vào lạc hậu. Nhà lãnh đạo chân chính không bao giờ tin rằng mục đích của mình đã đạt đến mỹ mãn. Napoléon nói: Sự nguy nan lớn nhất là lúc thắng trận. Vì thế người chỉ huy phải bền lòng theo đuồi mục đích một cách liên tục lâu dài.
Ðức tinh thứ năm của người chỉ huy là biết noi gương tốt. Muốn động viên được tinh thần người dưới, người chỉ huy phải tự mình nêu gương trước. Không có lý gì bắt mọi người phải hăng hái, chăm chỉ mà mình lại uể oải lười biếng, muốn mọi người phải đúng giờ trong khi mình hay đi trể....
Người chỉ huy giỏi phải biết chủ ý, săn sóc và giáo huấn thuộc cấp của mình. Con người không phải là một bộ máy, ta nên coi mỗi thuộc cấp là một cá nhân có những tánh riêng và do đó cách đối đãi của ta với mỗi người phải một khác .
Hãy kêu mỗi người bằng tên và chức vụ của họ. 
Hỏi hoặc nghe họ nói về: Hoàn cảnh gia đình họ, kinh nghiệm và tài năng của họ, những khó khăn, những ý nghĩ của họ. 
Vui vẽ tiếp nhận và xử dụng những ý kiến của họ. 
Thừa nhận và khen thưởng sáng kiến của họ 
Phải luôn luôn thực sự quan tâm săn sóc các thuộc cấp của mình, nhưng không nuông chiều quá. 
Cần làm cho mọi người dưới quyền kính trọng mình hơn là những lễ phép bên ngoài. 
Chỉ cho nhân viên biết rõ địa vị và phần vụ của họ. Hướng dẫn họ trong mọi công tác, gợi ý cho họ trong những công việc khó khăn, khuyến khích họ và lam cho họ vui vẻ với bổn phận. Chỉ dạy cho họ những điều cần ích khác, vì người chỉ huy còn kiêm nhiệm vai trò của người giáo viên. 
Chúng ta hãy nhớ rằng mỗi cá nhân là trung tâm vũ trụ của họ, cho họ được tự hào tinh thần họ sẽ lên cao. Ðược chú ý và săn sóc người ta sẽ cảm thấy không bị lạc lõng, bị cô độc trong tậpthể, tình đoàn kết gắn bó giữa họ với đoàn thể và với cấp chỉ huy trở nên khắng khít hơn.
Vài đức tính không kém phần quan trong đó là sự kín đáo. Hay khoe khoang, thíhc tiết lộ những điều bí mật rất có hại, không phải chỉ riêng cá nhân mình mà cho cả tập thể nữa.
Châm ngôn: Chỉ nói những điều cần nói với người cần nói lúc cần nói.
Sự can đảm và sức khoẻ là một lực lượng của người chỉ huy.
Sức khoẻ quân bình khiến trí tuệ làm việc điều hòa. Có sức khỏe rồi dễ có ý chí, nhẫn nại và làm việc nhiều hơn.

IV. PHƯƠNG PHÁP CHỈ HUY:

Trong quân đội, cấp chỉ huy bao giờ cũng ra lệnh. Nói tới lệnh là người ta nghĩ ngay tới hình phạt theo sau một khi lệnh không được thi hành nghiêm chỉnh. Nhưng trong các đoàn thể thanh niên, các tập thể quần chúng lệnh thường được thay thế bằng hình thức khác là sự phân công, sự giao phó công tác hay qui trách nhiệm. Người chỉ huy thường tế nhị bằng cách nhờ cậy, nhờ phụ trách, nhờ giúp hộ việc này, việc kia chớ không phải hạ lệnh.
Tính chất của lệnh hay sự phân công là phải rõ ràng và được qui định trong một giới hạn nào đó. Người thi hành rất dễ hiểu sai những công tác mông lung thiếu sự chỉ dẫn chi tiết.
Phân nhiệm rõ ràng mạch lạc xong chưa đủ,còn phải bảo đảm cho sự thi hành và cần phòng ngừa trước tầt cả những gì có thể giảm bớt kết quảcủa mệnh lệnh. Một nhà chỉ huy kinh nghiệm từng nói: Lệnh chỉ có giá trị 10%, kiểm soát lệnh có giá trị 90%. Khi lệnh hay công tác đã được ban hành, ta phải luôn luôn theo dõi xem việc đã được thi hành tới đâu có gì trắc trở không, nếu cần thì chỉ dẫn, giúp đỡ, thêm ý kiến để người thi hành hoàn thành nhiệm vụ.
André Maurois viết: Sự dần dộn của con người và ác tâm của sự tình cờ đều vô giới hạn. Bao giờ sự không chờ đợi cũng xãy đến. Người lãnh đạo phòng ngừa đánh đổ trước những tấn công của tình cờ và ngu dại có thể phương hại đến kế hoạch của mình.
Sự phòng ngừa ấy không cần thiết nữa nếu nhà lãnh đạo có được những cộng sự viên kinh nghiệm lâu dài chứng tỏ rằng mình có thể tin cậy được ở họ. Người chỉ huy cần phải biết tin tưởng những người cộng tác xuất sắc. Sự tin cậy hoàn toàn sẽ làm cho người dưới cố gắng thêm để bù đấp lại lòng tin cậy ấy. Không có gì buồn chán và tự ái bị tổn thương hơn là người có khả năng lại bị người trên nghi ngờ.

THƯỞNG PHẠT: 

Người chỉ huy phải biết tới công lao, sự gắng sức của những người cộng tác với mình. Phải khen thưởng những người có công, đề cao giá trị cá nhân để họ lên tinh thần, Những lờùi khen phải đúng chổ và có giới hạn. Ðừng khen lao bừa bã sẽ thành nhàm tai vô giá trị.
Ðối với người lầm lỗi, người chỉ huy hãy hỏi họ để họ giảng giải, phân bầy, rồi khuyên bảo họ để họ cải thiện tư cách làm việc. Bất đắc dĩ lắm mới phải chỉ trích những người làm việc đở. Nếu kẻ nào phạm lỗi lớn thì cứ việc lặng lẽ áp dụng các hình phảt đã được qui định khỏi cần phải nổi nóng rầy la vô ích. Nếu buộc lòng phải rầy la ai thì gọi người ta vào phòng riêng. Ðừng mắng ai trước mặt người khác.

BIẾT TÁC ÐỘNG: 

Trong các đoàn thể quần chúng, tổ chức thường không được hoàn bị và nhất là không có quyền cưỡng chế như quân đội. Nhân viên hay cán bộ lại chưa được huấùn luyện tinh thục nêân việc chỉ huy càng khó khăn và phức tạp hơn.
Ðể thay vào quyền cưỡng chế và quyền lợi, người ta dùng khoa tác động tâm lý để động viên tinh thần người dưới. Ðề cao lý tưởng chung, ca ngợi những hy sinh, những hành động đẹp, tạo vinh dự cho mọi người, khích động lòng tự ái tinh hăng say... vẫn là những định luật căn bản.
Người chỉ huy còn cần phải giảng giải cho người dưới biết rõ tại sao mình hành động như vậy. Ðối với những việc quan trọng người chỉ huy cho họp tất cả những người cộng sự lại để lấy ý kiến và quyết định chung.
Người chỉ huy không bao giờ hứa hẹn xuông. Hứa hẹn nhiều mà không thực hiện, người đưới sẽ cho là bị lừa gạt và sanh ra bất mãn.
Người chỉ huy nên luôn luôn ngờ vực những báo cáo. Một kỹ nghệ gia kinh nghiệm đã nói: Tất cả những tin tức đều sai. Ông ta không nói quá đâu. Hầu hết tin tức đều có phóng đại, biến thể hoặc bị gạt bỏ. Chỉ có một cách để khỏi lầm lạc là thỉnh thoảng tự mình phải đích thân đi xem xét và kiểm soát tại chổ.
Người chỉ huy cần pahỉ biết coi thường những sự mách lẻo, những dèm pha từ mọi nơi đưa tới. Nếu nghi ngờ thì phải kiểm chứng lại và thận trong trước khi hành động.
Sự hiểu biết xuông chẳng có giá trị gì. Chúng ta phải thực hiện ngay những điều chúng ta biết. Từ lý thuyết đến thực hành còn cách nhau xa lắm.

G.S. Trần Huy Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét